Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Lấp “lỗ hổng” chất lượng quy hoạch: Tiết kiệm lớn cho ngân sách

Lấp “lỗ hổng” chất lượng quy hoạch: Tiết kiệm lớn cho ngân sách

Viết email In

Trên cả nước, có nhiều dự án tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư nhờ nâng cao chất lượng quy hoạch. Tuy nhiên, cũng vẫn thấy tình trạng lãng phí các nguồn lực xã hội từ “lỗ hổng” chất lượng quy hoạch. 

Dự án Hầm đường bộ nối tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã được lập quy hoạch và thông qua với dự toán ban đầu khoảng 20.000 tỷ đồng. Sau khi phân tích thực địa, chủ đầu tư đã điều chỉnh hướng tuyến của hầm theo phương án mới dù tăng 1km chiều dài đường, nhưng lại giảm được 2 km chiều dài hầm trong tổng chiều dài toàn dự án hơn 13,4km, trong đó phần hầm dài gần 4km.

Tính toán kỹ thuật cho thấy, chỉ bằng vài nét bút điều chỉnh quy hoạch về kỹ thuật đã cho phép giảm mức đầu tư thực tế chỉ còn 15.603 tỷ đồng (tức tiết kiệm tới 22% vốn so với dự toán của phương án ban đầu), góp phần giảm nguy cơ rủi ro gắn với các điều kiện địa hình và địa chất phức tạp. 

Những ví dụ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư nhờ nâng cao chất lượng quy hoạch như vậy không phải là hiếm trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cũng có thể thấy tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội từ “lỗ thủng” chất lượng quy hoạch. 

Theo đó, một trong những vấn đề liên quan đến quản lý quy hoạch, chất lượng quy hoạch là chúng ta vẫn chưa có một bộ luật về quy hoạch. 

Nhiều ý kiến của các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng Việt Nam mới chỉ có Luật Quy hoạch đô thị (Luật số: 30/2009/QH12 được Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010) và vẫn thiếu bộ Luật Quy hoạch, với các tiêu chí tiếp cận và tuân thủ các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế, tạo khung pháp lý cơ bản quản lý thống nhất quy trình, nội dung và nâng cao chất lượng các loại hình quy hoạch, tránh lãng phí do đầu tư chồng chéo và bảo đảm kiểm soát tính thống nhất lãnh thổ theo chiến lược và kế hoạch của từng giai đoạn, bảo đảm cho quy hoạch thực hiện được chức năng dẫn đường cho phát triển hiệu quả bền vững cả cấp vĩ mô và vi mô, quốc gia, địa phương và doanh nghiệp. 

Hơn nữa, một thời gian khá dài, do phân cấp quản lý quy hoạch và đầu tư nói riêng, quản lý Nhà nước nói chung còn khá cực đoan, chuyển mạnh từ tính chất quá tập trung sang nghiêng về đề cao phân quyền mạnh cho địa phương, trong khi năng lực và cơ chế kiểm soát chất lượng quy hoạch ở địa phương còn nhiều bất cập. Điều này đã làm bùng nổ một “cuộc đua quy hoạch” giữa các địa phuơng và ngành, cũng như giữa các nhiệm kỳ lãnh đạo ngay trong một địa phương, một ngành.

Việc thiếu Luật Quy hoạch và “chạy đua” quy hoạch dẫn tới chất lượng quy hoạch bị buông lỏng và gia tăng phong trào “xin điều chỉnh, bổ sung quy hoạch”. Hơn nữa, nhiều quy hoạch thiếu cả cơ sở khoa học, lẫn tầm nhìn dài hạn và chưa gắn kết chặt chẽ phát triển vùng, miền với địa phương, không gắn với nguồn lực thực tế, nên sau khi phê duyệt không được thực hiện, hoặc triển khai thực hiện không đúng quy hoạch, song vẫn không bị kiểm tra, giám sát, xử lý và cũng không có đánh giá quy hoạch sau khi hết kỳ quy hoạch.

Sự lãng phí do “lỗ hổng” từ chất lượng dự án không chỉ là hiệu quả tiền vốn đã, đang và sẽ đầu tư, mà còn là sự ứ đọng các nguồn lực đất đai, lao động và việc làm của những người dân có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến quy hoạch. Hơn nữa, điều này còn là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của tình trạng gia tăng quy mô và tăng mất cân đối nguồn đầu tư công.

Nâng cao chất lượng quy hoạch, thiết kế không chỉ thể hiện sự chủ động, năng lực kỹ thuật và trách nhiệm xã hội mà còn thể hiện cách tư duy mới và cách làm mới, tích cực, đề cao tính tiết kiệm, mang lại hiệu quả kinh tế lớn và hiệu quả tổng thể trong các dự án xây dựng ở nước ta. 

Nói cách khác, tiết kiệm vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả các nguồn lực xã hội trước hết cần bắt đầu từ đổi mới tư duy và hoàn thiện cơ sở luật pháp về quy hoạch. Theo đó, cần coi trọng cơ sở thực tế, khoa học và chất lượng nghiệp vụ khâu thiết kế kỹ thuật như là tiền đề và giải pháp quan trọng nhất bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm vốn cũng như phòng ngừa hiện tượng đội vốn, điều chỉnh vốn sau đấu thầu. 

Nếu hàng ngàn dự án xây lắp trong các lĩnh vực và địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục được xây dựng, triển khai trên cả nước quán triệt tinh thần, cách nghĩ, cách làm mới, lấp được các “lỗ hổng” chất lượng quy hoạch, thiết kế, thì rõ ràng các khoản tiết kiệm đầu tư cho NSNN và hiệu quả sử dụng các nguồn lực chung cho xã hội sẽ lớn biết bao! 

TS. Nguyễn Minh Phong (VGP) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo