Vành đai xanh (Green belt) là một chính sách được sử dụng trong kế hoạch giữ lại phần lớn các khu vực chưa phát triển, hoang dã, hoặc đất nông nghiệp xung quanh hoặc lân cận đô thị.
Tại Vương quốc Anh, vành đai xanh là một chính sách để kiểm soát phát triển đô thị. Ý tưởng là tạo một vùng đệm nhằm bảo vệ vùng nông thôn nơi đô thị hóa sẽ gây ảnh hưởng trong tương lai gần, việc duy trì một khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và giải trí ngoài trời có thể được dự kiến sẽ được áp dụng. Mục đích cơ bản của chính sách vành đai xanh là để ngăn chặn sự mở rộng đô thị bằng cách công khai giữ đất vĩnh viễn, và do đó các thuộc tính quan trọng nhất của vành đai xanh là sự công khai nó.
Vành đai xanh London bao gồm khoảng 4860 km2, nó có quy mô gấp ba lần diện tích của Vùng Đại Luân Đôn (Greater London). Nguồn: london.gov.uk/thelondonplan/
Vành đai xanh London: Giới hạn phát triển và vành đai xanh do Abercrombie đề xuất tiếp tục được kế thừa trong các quy hoạch vùng tiếp theo của London. Nguồn: Hall, Peter (1992). Urban & Regional Planning (3rd). New York, NY: Rutledge.
Vành đai xanh nếu được quy hoạch, xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng hiện trạng sẽ có vai trò và lợi ích như sau:
Vai trò của vành đai xanh:
- Bảo vệ môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên;
- Cải thiện chất lượng không khí trong khu vực đô thị;
- Đảm bảo mục đích kết nối trung chuyển giữa đô thị và nông thôn;
- Bảo vệ các đặc trưng độc đáo của cộng đồng nông thôn.
Lợi ích của vành đai xanh:
- Đi bộ, cắm trại, đi xe đạp, thể thao đối với các khu vực gần với đô thị;
- Sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có chất lượng và giá trị cao;
- Khắc phục hầu hết những hạn chế phát sinh trong quá trình đô thị hoá: Nông dân mất đất trở thành thất nghiệp, môi trường thiên nhiên bị khai thác triệt để dẫn đến suy thoái;
- Không khí và nước sạch hơn;
- Sử dụng đất tốt hơn tại các khu vực trong đô thị.
Một số tồn tại, hạn chế trong các đồ án quy hoạch hiện nay
Đa số các đồ án quy hoạch đô thị tại Việt Nam đều chưa được nghiên cứu, đề xuất vành đai xanh hay còn gọi là khu vực chuyển tiếp giữa đô thị và ngoại ô. Đây là một thiếu sót lớn về hành lang pháp lý dẫn đến việc phát triển đô thị tràn lan, không bền vững. Thực tế cho thấy rằng, quan sát bằng mắt thường thì không thể phân biệt được ranh giới giữa đô thị và ngoại ô do việc xây dựng phát triển đô thị tự phát, dàn trải, không có độ nén, làm lãng phí tài nguyên đất đai, cơ sở hạ tầng rất lớn.
Do đó việc xác định khu vực chuyển tiếp (vành đai xanh) để biến đổi thành giao diện giữa đô thị và nông thôn, với những hình thái sử dụng đa năng như: nghỉ dưỡng, vui chơi, đào tạo, nhà ở mật độ thấp, nông nghiệp hiện đại... nhằm khai thác vai trò và những lợi ích mà nó mang lại là rất cần thiết và bức bách. Đây là một trong những giải pháp để phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững.
Vành đai xanh sông Nhuệ trong Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội. Nguồn: VIUP
(Ảnh: Lã Anh / Sài Gòn Đầu tư)
Giải pháp phát triển đô thị xanh, bền vững
Thứ nhất, việc xác định vành đai xanh là rất quan trọng, không những được thiết lập nhằm hạn chế phát triển đô thị tràn lan mà còn khẳng định bản sắc đô thị. Do đó, rất cần khung pháp lý để đưa công việc này vào cuộc sống.
Thứ hai, vành đai xanh là giao diện giữa đô thị và nông thôn, có mục đích kết nối trung chuyển giữa hai phần do đó phải được cân nhắc, xác định trên cơ sở phân tích rất kỹ lưỡng hiện trạng, chứ không phải ranh giới hành chính hay chính trị.
Thứ ba, phải có kế hoạch phát triển hàng loạt chương trình xã hội và sản xuất, kinh doanh (đặc biệt trong nghĩa an ninh lương thực và năng lượng tái tạo) để khẳng định được vành đai này.
Thứ tư, cần có giải pháp nâng cao ý thức về môi trường, năng lượng, công nghệ cũng như kết nối xã hội trong toàn vùng để hiện rõ xu hướng đánh giá chất lượng môi trường trong tương lai.
Nếu đề xuất giải pháp vành đai xanh được luật hóa và áp dụng cho các đô thị, thì các đô thị Việt Nam sẽ xây dựng phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Ths.KTS Nguyễn Minh Bình
Tài liệu tham khảo:
- Green belt, Website: http://en.wikipedia.org/wiki/Green_belt
- Green belt (United Kingdom), Website: http://en.wikipedia.org/wiki/Green_belt_(United_Kingdom)
- History of Green belt in the UK, Website: http://www.politics-greenbelt.org.uk/history-of-green-belt-in-the-uk.html
- Ngô Trung Hải, (2013). Thiết kế đô thị trong quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.
- Vietnam-Danish, (2010). Sổ tay thiết kế đô thị ở Việt Nam - Phát triển năng động trong thời đại mới thuộc Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đan-Mạch trong lĩnh vực môi trường (2005-2010) do Bộ Xây dựng chủ trì. Hanoi.
- Lấp “lỗ hổng” chất lượng quy hoạch: Tiết kiệm lớn cho ngân sách
- "Dồn điền đổi thửa" đất đô thị
- Liệu đô thị phát triển bền vững có thực sự mạng lại hạnh phúc?
- Đô thị Sài Gòn, những gì còn mất
- Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị di sản đặc thù TP Huế
- Chiến lược quy hoạch kiến trúc và bảo tồn phát triển bản sắc đô thị Huế
- Xây dựng thương hiệu đô thị để tăng cường năng lực cạnh tranh đô thị
- Định vị chuỗi đô thị miền Trung
- Trách nhiệm và những lợi ích có được từ quy hoạch với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị
- Vận dụng cách tiếp cận quốc tế vào quy hoạch nông thôn Việt Nam
Lời bình
Hình ảnh trích từ bản quy hoạch định hướng không gian Hà Nội 2030-2050 không phải là "Vành đai xanh sông Nhuệ" mà là của sông Đáy và sông Tích. Đề nghị quý ban kiểm tra và hiệu chỉnh hợp lý hơn.
Thân ái,
tin bình luận RSS của chủ đề này