Việc sở hữu bờ biển dài gắn liền với di sản văn hóa của các địa phương trong Vùng Duyên hải miền Trung mở ra triển vọng lớn hình thành chuỗi đô thị du lịch vùng trong tương lai gần.
Cụm từ “Chuỗi đô thị du lịch miền Trung” được các chuyên gia kinh tế đề cập trong các hội nghị gần đây đã manh nha định hướng quy hoạch tổng thể của Vùng duyên hải miền Trung trong vấn đề phát triển đô thị. Hướng đi này không những phát huy tốt tiềm năng, lợi thế khu vực, mà còn khẳng định vai trò liên kết cùng phát triển của Vùng trong tương lai.
Sự phát triển của tuyến đường ven biển cùng với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã tạo nên điểm nhấn kiến trúc về đô thị hướng biển cho Đà Nẵng. (Ảnh: Đức Thanh)
Mô hình mẫu “Đà Nẵng”
Nhắc đến đô thị miền Trung, không thể không lấy TP. Đà Nẵng làm mô hình kiểu mẫu. Định hướng quy hoạch của tỉnh này khá bài bản, mô phỏng sự liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với các điều kiện phát triển.
Ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng từng cho rằng, xét về tổng thể, hạ tầng của Đà Nẵng được quy hoạch khá đồng bộ, tạo mối liên kết phát triển khá tốt giữa dịch vụ du lịch và công nghiệp thương mại. Hệ thống hạ tầng được đầu tư nâng cấp đồng bộ không ngoài mục đích phát huy lợi thế biển và du lịch, đưa biển gần khu vực trung tâm, đưa Đà Nẵng phát triển hài hòa hơn, tránh sự tách rời giữa biển và trung tâm đô thị.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, sự phát triển vượt bậc của tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa đi cùng với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã tạo nên điểm nhấn kiến trúc về đô thị hướng biển cho Đà Nẵng. Sự phát triển này xét về tổng thể là đáng mừng, nhưng cũng đặt ra cho Đà Nẵng nhiều thách thức trong việc phát triển hài hòa về tổng thể.
“Việc phát triển các khách sạn chuẩn 5 sao dọc ven biển đòi hỏi Đà Nẵng cũng phải phát triển những dịch vụ hậu cần, hỗ trợ tương xứng về cả thương mại, cung cách phục vụ và trình độ dân trí”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đang theo đuổi nhiều mục tiêu để phát triển như xây dựng thành phố môi trường, thành phố phát triển bền vững, thành phố đáng sống, thành phố có hàm lượng các-bon thấp… Các mục tiêu này được một số tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tham gia tư vấn hỗ trợ để thực hiện. Trong xu thế phát triển hiện nay và những kinh nghiệm có được trong quá trình đi lên, TP. Đà Nẵng có cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố.
“Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không thay đổi tính chất đô thị, phát triển quy mô dân số từ 2 triệu đến 2,5 triệu dân, sẽ xếp sau TP.HCM, Thủ đô Hà Nội và ngang với TP. Hải Phòng, sớm gia nhập hàng ngũ các thành phố trung bình và lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”, ông Tuấn nói.
Nhận diện về kiến trúc công trình đô thị, ông Tuấn cho rằng, Đà Nẵng là thành phố trẻ, mới phát triển, số lượng công trình có quy mô lớn trong đô thị không nhiều, nhưng cũng thể hiện được những hiệu quả nhất định về xu hướng phát triển kiến trúc cho thành phố. “Lộ trình và kế hoạch đặt ra cho chiến lược phát triển đô thị Đà Nẵng đi theo hướng hiện đại hóa, nhưng phải bảo đảm mục tiêu thành phố thân thiện với môi trường và lấy lợi ích của người dân làm trung tâm”, ông Tuấn nói.
Nở rộ quy hoạch đô thị ven biển
Điều đáng ghi nhận nhất của Đà Nẵng chính là hạ tầng được bố trí khá hài hòa với những điểm nhấn kiến trúc đô thị tổng thể của Đà Nẵng. Điều này không chỉ mang lại cho Đà Nẵng một diện mạo khá hiện đại, mà còn phát huy tốt lợi thế để tạo những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế.
Xét về tổng thể, các địa phương miền Trung có nhiều nét tương đồng, nhưng nếu phân tích chi tiết thì mỗi địa phương có một đặc thù riêng. Do đó, mỗi địa phương có góc nhìn về định hướng phát triển đô thị riêng cho mình, nhưng điểm chung nhất vẫn là hướng biển và lấy lợi thế du lịch làm tâm điểm phát triển.
Đơn cử, lộ trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là toàn tỉnh lên đô thị loại 1 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cốt lõi của Huế vẫn phát triển đồng đều giữa công nghiệp và dịch vụ du lịch, nhưng linh hồn của cả đô thị Huế chính là Cố đô Huế.
Quảng Nam, tuy điều kiện phát triển còn nhiều hạn chế, nhưng chính quyền tỉnh này nhận diện được lợi thế lớn nhất của Quảng Nam chính là bờ biển kéo dài từ Cửa Đại (Hôi An) đến Chu Lai (Núi Thành). Và cốt lõi phát triển đô thị Quảng Nam phải gắn liền với 2 di sản lớn là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.
Ông Trần Văn Tri, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam khẳng định, phần lớn các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với Quảng Nam đều rất quan tâm đến tuyến dọc ven biển. Nhiều dự án du lịch cao cấp được cấp phép dọc tuyến này.
Ông Tri cho rằng, để khai thác tốt lợi thế này cũng như đưa mục tiêu hình thành chuỗi đô thị ven biển kéo dài từ Hội An đến Chu Lai, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển khá động bộ mà khởi đầu là Dự án cầu Cửa Đại đang được Cienco 5 xây dựng.
Cũng như Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã và đang có những bước đi trong việc đầu tư và quy hoạch những dự án đô thị ven biển khá quy mô, trong đó Dự án Khu đô thị Vạn Tường đã được triển khai và thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch, hứa hẹn trong thời gian không xa, đây sẽ là khu đô thị du lịch gắn liền với công nghiệp lọc hóa dầu lớn nhất miền Trung.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức nhiều hội thảo về định hướng quy hoạch phát triển TP. Quy Nhơn. Mặc dù Quy Nhơn có nhiều hạn chế về không gian ở khu vực trung tâm do quỹ đất khá ít, nhưng với lộ trình mở rộng đô thị ra hướng Bắc dựa trên những tuyến giao thông và các đô thị vệ tinh đã hình thành, thì định hướng phát triển Quy Nhơn hứa hẹn sẽ tạo nên những bước đột phá lớn trong tương lai.
Dưới góc nhìn quy hoạch, việc hình thành một chuỗi đô thị du lịch ven biển miền Trung đòi hỏi phải có thời gian, nhưng ít nhiều đã tạo nên một định hướng cụ thể cho các địa phương miền Trung, qua đó phát huy hết tiềm năng lợi thế của từng địa phương trên cơ sở sự liên kết về quy hoạch, để giấc mơ về chuỗi đô thị ven biển sớm hình thành.
Hoàng Thủy (Báo Đầu tư)
- Đô thị Sài Gòn, những gì còn mất
- Xây dựng quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị di sản đặc thù TP Huế
- Giải pháp phát triển Vành đai xanh tại các đô thị Việt Nam
- Chiến lược quy hoạch kiến trúc và bảo tồn phát triển bản sắc đô thị Huế
- Xây dựng thương hiệu đô thị để tăng cường năng lực cạnh tranh đô thị
- Trách nhiệm và những lợi ích có được từ quy hoạch với xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị
- Vận dụng cách tiếp cận quốc tế vào quy hoạch nông thôn Việt Nam
- Phát triển Thành phố tri thức - Bài học từ các đô thị trên thế giới
- Xây dựng và quản lý không gian cao tầng khu vực nội đô Hà Nội
- Đô thị: Chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại