Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Phát triển Thành phố tri thức - Bài học từ các đô thị trên thế giới

Phát triển Thành phố tri thức - Bài học từ các đô thị trên thế giới

Viết email In

Thế kỷ 20 chứng kiến sự thăng trầm và những đột phá của các đô thị trên thế giới, quá trình toàn cầu hóa làm mờ đi sức ảnh hưởng của địa giới hành chính, biên giới lãnh thổ và mở rộng cánh cổng thương mại, giao dịch giữa các quốc gia và các vùng kinh tế. Các nước phát triển tìm ra những cơ hội đầu tư ở những thị trường mới phía bên kia đại dương. Lần lượt Mỹ rồi các nước Tây Âu chuyển cơ sở sản xuất công nghiệp của họ sang Mỹ Latinh, Trung Quốc, hay Đông Nam Á - những quốc gia theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, có thị trường tiêu thụ lớn và nguồn nhân công giá rẻ. Tuy vậy, sự thiếu hụt các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước khiến các quốc gia phát triển gặp nhiều khó khăn trong việc vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng dẫn đến nạn thất nghiệp diễn ra ở nhiều nơi trên lục địa già.  

Tại châu Á, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, HongKong, Singapore và các nước Trung Đông đã và đang làm giảm đi lực cạnh tranh của các quốc gia Tây Âu trên trường quốc tế. Vùng đô thị Tokyo và HongKong dần trở thành những khu vực kinh tế lớn thứ 2, thứ 3 trên thế giới - quy tụ nguồn lực tài chính toàn cầu, có sức cạnh tranh mạnh mẽ và sức hút lớn đối với nguồn lao động tri thức. Ở hướng nhìn khác, đoàn tàu kinh tế Trung Quốc cũng đang lớn mạnh hơn bởi sức kéo của những đầu tàu mạnh mẽ ,đặc biệt là những thành phố quốc tế hóa như Thượng Hải, Bắc Kinh hay Thẩm Quyến. Năng lực cạnh tranh của những thành phố này không còn dựa trên nguồn nhân công giá rẻ mà xuất phát từ những ngành công nghiệp chế tạo với lợi thế của một thị trường quốc nội rộng lớn. 

Đứng trước những thách thức đến từ nền kinh tế dần chững lại và sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh, nhiều thành phố tại Mỹ và châu Âu đã tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế dựa vào những ưu thế của họ là nguồn tri thức chuyên sâu (knowledge intensive) và sức sáng tạo đột phá (high- quality innovation). Đó là ý tưởng nhằm chuyển hóa nguồn trí tuệ và sáng tạo từ giáo dục và nghiên cứu nhằm ứng dụng vào các ngành sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp hay công nghệ thông tin. Ra đời cuối thế kỷ 20, học thuyết kinh tế tri thức (knowledge economy) sau đó đã trở thành nền tảng cơ bản cho sự phát triển của những thành phố tri thức tại phương tây, đến nay mô hình này đã được vận dụng và phát triển tại nhiều đô thị trên toàn thế giới.

Khái niệm và đặc điểm của thành phố tri thức

Khái niệm thành phố tri thức (knowledge city) ra đời từ những năm 90 của thế kỷ 20 tại các quốc gia phát triển ,nơi mà quá trình đô thị hóa đã đạt đến mức thành thục. Đó là đường lối phát triển mới được xây dựng nên nền tảng của lý luận kinh tế tri thức (KBUD), đánh dấu sự chuyển mình của các đô thị trên thế giới nhằm gia tăng vị thế cạnh tranh về tài chính và nhân lực trên trường quốc tế . Mô hình kinh tế tri thức nhấn mạnh việc chuyển hóa các nguồn trí tuệ trong đô thị trở thành động lực phát triển thông qua việc kết nối những hạ tầng văn hóa giáo dục sẵn có với nền kinh tế và các ngành sản xuất nhằm xây dựng nên một hệ thống gắn kết chặt chẽ, bao gồm: nghiên cứu – sản xuất – không gian đô thị và chất lượng đời sống.

Diễn đàn thành phố tri thức tại Barcelone năm 2004 (Knowledge City Manifesto) đúc kết: thành phố tri thức thành công cần có kết cấu kinh tế vững chắc dựa trên nền tảng trí tuệ và nền văn hóa đa dạng. Đó là những đô thị quy mô tầm trung song có sự tương tác với toàn cầu, chất lượng đời sống cao, bản sắc không gian của đô thị gắn liền với tri thức.


Mô hình khái niệm kinh tế tri thức 

Những đặc điểm của thành phố tri thức:

1. Thành phố được hình thành trên nền tảng hệ thống giáo dục đào tạo đẳng cấp quốc tế và được vận hành ,phát triển bởi nền kinh tế tri thức. Đó là hệ thống có sự tương tác mạnh mẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các khu sản xuất, chế tạo.
2. Thành phố tri thức được cấu thành bởi một xã hội dân trí cao, trong đó trí tuệ và tư duy sáng tạo là yếu tố chính tạo nên hình ảnh của đô thị. 
3. Thành phố tri thức có sức hút và lực canh tranh mạnh mẽ trên trường quốc tế.Thông thường, các thành phố này tạo ra những nguồn việc làm hấp dẫn để thu hút nguồn lao động chất xám trên toàn cầu. 
4. Chất lượng sống trong thành phố tri thức thường đạt tiêu chuẩn rất cao , đô thị được xây dựng trên cơ sở hạ tầng xã hội phong phú , nơi tri thức hiện diện trên mọi nẻo đường phố, tại không gian công cộng hay trong các thư viện ,bảo tàng.Toàn thành phố được kết nối với cổng thông tin mở thông qua mạng lưới công nghệ thông tin hiện đại. 

Bài học từ các thành phố tri thức tiêu biểu trên thế giới: 

1. Boston: Phát huy tài nguyên trí tuệ gắn với ngành công nghiệp tri thức

Boston là thủ phủ bang Massachusetts miền đông bắc nước Mỹ, đồng thời là thành phố cảng khẩu lớn nhất khu vực này. Thành phố Boston có diện tích 121.7 km2 với quy mô 636 nghìn dân, quy tụ 16 trường đại học danh tiếng như đại học Harvard, M.I.T và nhiều trung tâm nghiên cứu đầu não quốc gia như trung tâm nghiên cứu ứng dụng điện tử thuộc cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hay viện nghiên cứu khoa học quốc gia (NAS)...


Thành phố Boston, Hoa Kỳ
(nguồn: Wikipedia) 

Là đô thị đầu tiên được xây dựng bởi các tín đồ cơ đốc giáo di dân từ châu âu (1627), Boston nổi tiếng với bề dày lịch sử ,văn hóa và giáo dục, tuy vậy sau chiến tranh thế giới thứ hai, tình trạng kinh tế của thành phố lại không hề khởi sắc. Năm 1958, chính quyền Boston bắt tay thực hiện cuộc quy hoạch cải cách thành phố với quy mô lớn, song sự phát triển không gian của đô thị này chịu nhiều hạn chế từ dải núi phía tây, do đó, Boston không thể tận dụng tài nguyên đất đai như một lợi thế cạnh tranh. Giai đoạn những năm 70 của thế kỷ 20, nền kinh tế thành phố không ngừng tuột dốc, mãi đến những năm 80, sự phát triển của các ngành khoa học kỹ thuật đem đến những cơ hội mới, đi đầu là sự ra đời của khu khoa học công nghệ 128 (Route 128). Sự đột phá này đã vực dậy Boston, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố giảm từ 15% xuống còn 3.5% trong khi mức thu nhập bình quân từ top những thành phố thu nhập thấp đã vượt qua mức trung bình của nước Mỹ. Bước vào những năm 90 thế kỷ 20, dưới sự vận hành của nền kinh tế tri thức, Boston chuyển mình trở thành một đô thị phồn thịnh, nền kinh tế tăng trưởng đều đặn và dần trở thành trung tâm kinh tế đồng thời dẫn dắt sự phát triển của các thành phố lân cận trong khu vực New England.

Thành công của Boston trên con đường chuyển hóa trở thành thành phố tri thức là thành quả của việc phối hợp chặt chẽ giữa tài nguyên tri thức và các ngành công nghệ. Các giáo sư và sinh viên tích cực hợp tác với các doanh nghiệp trong khu vực nhằm chuyển hóa những nghiên cứu khoa học của họ ứng dụng vào thực tiễn. Các tập đoàn và tổ chức chính phủ (đặc biệt là chính phủ liên bang )như bộ quốc phòng hay NAS đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua những khoản đầu tư để nghiên cứu ,thí nghiệm và tổ chức triển lãm. Nhiều nghiên cứu sau đó được chuyển hóa thành sản phẩm và đưa ra thị trường. Mô hình kinh tế tri thức tại Boston là ví dụ điển hình về việc vận dụng tài nguyên trí tuệ nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thành phố ,cùng với thung lũng Silicon, khu công nghệ route 128 trở thành biểu tượng cho trí tuệ và tính sáng tạo của nước Mỹ.

2. Barcelona: cơ chế quản lý thông minh của chính quyền đô thị (smart governance) 


Thành phố Barcelona, Tây Ban Nha
(nguồn: prweb.com) 

Barcelona được mệnh danh là kinh đô văn hóa và là một trong những thành phố thông minh (smart city) đầu tiên của châu âu. Năm 1999, hội đồng nhân dân thành phố thông qua quy hoạch phát triển chiến lược dựa trên nền tảng của mô hình kinh tế tri thức. Dưới sự dẫn đường và tích cực vận động của chính phủ ,kế hoạch này đã thu hút sự tham gia của 160 vạn cư dân và hơn 200 tổ chức xã hội. Chính quyền thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức mô hình cộng tác đa phương với sự tham gia của các tập đoàn , doanh nghiệp cá nhân và các viện nghiên cứu, qua đó phát huy nguồn lực xã hội xây dựng nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông minh (ICT), đồng thời nâng cao chất lượng sống của đô thị với cơ sở giao thông, giáo dục và dịch vụ y tế hiện đại.

Khu đô thị thông minh 22@Barcelona là hạng mục tiêu biểu cho hình ảnh đô thị tri thức. Dự án đã chuyển hóa khu công nghiệp cũ với diện tích 200 hecta trong trung tâm thành phố trở thành khu vực giàu sức sáng tạo và thu hút nguồn lao động trí tuệ bậc nhất châu âu. Dưới nỗ lực của chính quyền thành phố , các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng với nhiều tập đoàn danh tiếng đã thành lập cơ sở trong phạm vi dự án. Đến nay, dự án đã tạo ra hơn 55.000 cơ hội việc làm, hơn 4000 đơn vị ở với tổng cộng hơn 1500 công ty và viện nghiên cứu, 12 trường đại học và trung tâm giáo dục.


Mô hình kinh tế tri thức tại Barcelona 


Dự án khu đô thị 22@Barcelona
(nguồn: morethangreen.es) 

Sự thành công của dự án khu đô thị 22@barcelona được tổng kết bởi 3 điểm:
(1) Sự phối hợp chặt chẽ , đa phương giữa doanh nghiệp , cộng đồng và các trường đại học.
(2) khu đô thị được xây dựng trên cơ sở hạ tầng thông minh bao gồm hệ thống wifi phủ kín đô thị, kho dữ liệu mở (open data), hệ thống nhiệt năng hiện đại cùng với nhiều không gian triển lãm ngầm.
(3) 22 @Barcelona có sự liên kết cao giữa công nghệ và không gian đô thị. Các ứng dụng khoa học mới sẽ được ưu tiên áp dụng trong phạm vi đô thị trước khi chuyển hóa thành sản phẩm đem bán ra thị trường, mô hình này giúp các nhà đầu tư tránh được những rủi ro của sản phẩm mới ,đồng thời giúp các nhà khoa học có được sự thử nghiệm chân thực và phản hồi từ thực tiễn. Các ý tưởng thiết kế và thành quả nghiên cứu giúp tăng cường chất lượng không gian trong thành phố, ví dụ như các sản phẩm chiếu sáng đô thị hay các công nghệ cảm ứng , hệ thống xe đạp điện được ứng dụng trực tiếp vào các không gian công cộng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

3. Melbourne: quốc tế hóa, đa dạng hóa nền kinh tế

Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, sự phát triển của các thành phố lớn tại Australia chuyển hóa từ hướng công nghiệp chế tạo sang kinh tế tri thức. Tại Melbourne, cùng với quá trình phát triển của không gian đô thị ,lượng lao động tri thức tập trung chủ yếu ở lõi trung tâm thành phố. Từ những năm 1990,chính phủ đã nhận ra tiềm năng tri thức sẵn có này của Melbourne. Thông qua quy hoạch đô thị(2010) và chiến lược phát triển vùng đô thị Melbourne (tầm nhìn 2030), chính quyền Melbourne thể hiện tham vọng trở thành một thành phố quốc tế hóa với nền hạ tầng kỹ thuật thông minh ( ICT) nhằm thu hút nhân tài và những hạng mục đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó thành phố chú trọng phát triển chất lượng đời sống và nâng tầm hình ảnh đô thị thông qua việc nâng cấp chất lượng giáo dục và phát huy tính đa dạng trong văn hóa thành phố.

Yếu tố đầu tiên đem lại thành công cho thành phố tri thức Melbourne là việc xây dựng nên hệ thống các cụm kinh tế công nghiệp đa ngành , thu hút giới đầu tư toàn cầu. Chiến lược phát triển vùng kinh tế Melbourne(2030) chỉ ra rằng :cơ hội cạnh tranh được mở rộng cho các doanh nghiệp trên phạm vi quốc tế. Các ngành công nghiệp tập trung phát triển thành những cụm công nghiệp trọng điểm, chiếm diện tích lãnh thổ lớn và vị trí giao thông tiện lợi. Lõi trung tâm Melbourne được định hướng phát triển thành khu vực thương mại, giải trí với chất lượng sống cao.


Bản đồ phân bố các cụm công nghiệp tại Melbourne (nguồn: Victorian government)

Nhằm duy trì sự phồn thịnh và phát huy tính bền vững của nền kinh tế , chính phủ Melbourne đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triễn và quỹ trợ giúp dành cho những tập đoàn quốc tế có quy mô vừa và nhỏ (MCC,2003). Đến nay, Melbourne có được nền kinh tế tri thức với sự quy tụ của nhiều ngành công nghệ sản xuất tiên tiến và những viện nghiên cứu có chiều sâu bậc nhất khu vực kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Các ngành kinh tế và cơ sở nghiên cứu ở Melbourne bao gồm các lĩnh vực như công nghệ nano, công nghệ sinh học, tự động hóa, khoa học hàng không, hóa học , tài chính và thiết kế. Kinh tế tri thức được duy trì trên nền tảng của 8 trường đại học danh tiếng, đồng thời liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu sáng tạo với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như: Toyota, NEC, Ford, GE Money hay IBM... 

4. Singapore: nâng cao hình ảnh thành phố từ các hạng mục tri thức

Singapore là thành phố không ngừng cải cách và sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2001, quốc đảo này khởi công xây dựng khu đô thị tri thức – One North với mục tiêu phát triển thành phố tri thức và nâng cao chất lượng sống của không gian đô thị . Dự án có tống diện tích 200 hecta với thời hạn 20 năm được phân làm ba giai đoạn với định hướng xây dựng thành một đô thị giàu tính nhân văn ,trong đó con người có đủ thời gian để suy ngẫm và học hỏi từ công việc và cuộc sống . Tại One North, mọi người có thể đi bộ đến nơi làm việc , không gian công cộng được tận dụng dành cho những buổi tụ tập bạn bè hay ăn trưa cùng đồng nghiệp , không gian trở thành nơi gắn kết con người , tạo nguồn cảm hứng cho giới lao động tri thức giao lưu ,suy ngẫm và sáng tạo.


Bản đồ ý tưởng khu đô thị One North Singapore
(nguồn: singapore.digipen.edu) 

Sự thành công của One North trong việc chuyển hóa thành đô thị tri thức được đúc rút bởi 3 điểm:
(1) Đô thị sinh thái- One North bao gồm nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm sinh học, đồng thời ứng dụng nghiên cứu đó cải tạo môi trường sống và trong các tòa kiến trúc xung quanh. 
(2) Cơ sở hạ tầng thông minh (ICT) giúp One North có sự kết nối cao với những nguồn thông tin mở. 
(3) Sự kết hợp hài hòa giữa quần thể các kiến trúc lịch sử được bảo tồn và các công trình mới đa công năng (mixed use) gồm khách sạn , căn hộ ,văn phòng, giải trí ,tạo nên không gian văn hóa đa dạng phong phú ,đồng thời giữ gìn cảm nhận nơi chốn trong đô thị. 


Khu đô thị One North Singapore
(nguồn: west8.com)

Khái niệm thiết kế của hạng mục này được những nhà quy hoạch khu đô thị biểu đạt bởi thuật ngữ “DOBE”, viết tắt của “Doing- Being” nghĩa là công việc và cuộc sống ,được thể hiện thông qua việc sử dụng đất phức hợp và những công trình kiến trúc đa năng. Ngoài những cơ sở hạ tầng dành cho công nghiệp ,văn phòng và dân cư, One North còn bao gồm các câu lạc bộ, khu cà phê giải trí ,đối tượng phục vụ là các nhà nghiên cứu , nhà nghệ thuật , giới kinh doanh và viên chức ..v..v. One North là một hạng mục đậm chất đô thị tri thức , nó thể hiện khao khát không ngừng sáng tạo , không ngừng phát triển và ước vọng cạnh tranh của một thành phố Đông Nam Á trên trường quốc tế. 

Kết luận

Phát triển đô thị theo mô hình kinh tế tri thức là hướng đi đột phá và bền vững mà nhiều đô thị trên thế giới đã và đang áp dụng. Trong số đó, một số thành phố đã vượt lên trở thành những đô thị dẫn đầu với hình thành bản sắc riêng thông qua việc vận dụng linh hoạt lý luận kinh tế tri thức vào thực tiễn và phát huy những giá trị vốn có trong đô thị. Một thành phố tri thức cần được xây dựng trên cơ sở hài hòa mối tương quan giữa giữ gìn văn hóa truyền thống và nhu cầu phát triển. Cá tính riêng của thành phố được phản ánh thông qua hình ảnh không gian đô thị , chất lượng sống và tập quán sinh hoạt của người dân, cùng với đó là văn hóa lịch sử ,sức sáng tạo và khả năng tương tác của đô thị với thế giới .Gây dựng thành phố tri thức có bản sắc là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự định hướng đúng đắn, chiến lược phát triển dài hơi và sự tìm tòi những lối đi riêng trên một nền tảng lý luận chung. 

Thành phố tri thức cần được hình thành trên mô hình tiếp cận đa phương với những nguồn lực của thị trường, tham gia của công chúng, hỗ trợ của chính quyền, thiết kế không gian của giới kiến trúc quy hoạch và sự vận động của các tổ chức xã hội. Mô hình này nhấn mạnh sự hợp tác, trong đó mỗi nhân tố đều có lợi ích và trách nhiệm duy trì sự tuần hoàn của tri thức đô thị.Trong hệ thống tuần hoàn đó, chính quyền đô thị là mắt xích quan trọng đóng vai trò hoạch định chiến lược phát triển chung đồng thời tạo cầu nối để hỗ trỡ sự tương tác của các nhân tố. Điều đó đòi hỏi chính quyền từ trung ương đến địa phương phải chủ động và linh hoạt, đồng thời có cơ chế thông thoáng nhằm kích thích thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, thay vì quản lý đơn phương theo chiều dọc mang nặng tính áp đặt. 

KTS Nguyễn Hoàng LinhViện nghiên cứu không gian đô thị, Đại học Southeast, Trung Quốc 

Tham khảo:
(1) Gert-Jan Hospers, 2003, Creative cities in Europe -urban competitiveness in the knowledge economy, urban area.
(2) Klaus R. Kunzmann,2010, Knowledge cities in Europe knowledge industries and urban development.
(3)Yigitcanlar, Tan A. (2007) The making of urban spaces for the knowledge economy,Knowledge cities: Future of cities in the knowledge economy, pagespp. 73-97, Malaysia.
(4) Tuba Bakıcı&Esteve Almirall&Jonathan Wareham,2012,A Smart City Initiative: the Case of Barcelona,Springer Science.
(5) Yigitcanlar, Tan A ,2008, The making of knowledgecities:Melbourne’s knowledge-based urban development experience,Cities.
(6) Kęstutis Kriščiūnas, Rasa Daugėlienė , 2006, The assessment models of knowledge-based economy penetration , Engineering economics . 2006 No 5. 

(Bài đăng Tạp chí Quy hoạch Đô thị - số 17 - 2014) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo