Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Lược sử Quy hoạch đô thị: nhu cầu, ước mơ, tầm nhìn

Lược sử Quy hoạch đô thị: nhu cầu, ước mơ, tầm nhìn

Viết email In

Lịch sử quy hoạch đô thị luôn được thúc đẩy do những nhu cầu của đời sống. Những nhu cầu về một nơi cư trú an toàn, thịnh vượng và gần gũi nhau là nguyên do con người đặt viên gạch đầu tiên xây bức tường phòng thủ quy ước hình thành đô thị. Trải qua hàng ngàn năm cho đến những đô thị hiện đại ngày nay, đô thị vẫn là pháo đài kiên cố và uy quyền nhất của loài người dựng lên để khẳng định sự thống trị tuyệt đối của mình trên hành tinh này, để bảo vệ cư dân của mình và cũng là để chống chọi với những đô thị khác. Mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia và mỗi giai đoạn xã hội trưng ra những tính chất tiêu biểu nhất trong đô thị của mình, và quy hoạch đô thị được thực hiện tùy theo nhu cầu tầng lớp quyền lực chi phối khu vực trong thời điểm đó. Đáp ứng nhu cầu của thế lực thống trị là động lực dẫn dắt quy hoạch đô thị diễn biến. Tuy nhiên khi xã hội ngày càng phát triển phức tạp, mâu thuẫn giữa đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và nhu cầu của tầng lớp quyền lực đã biến đô thị thành một “vũng lầy” tối tăm của cuộc sống đô thị.  

Và ngay trong môi trường tối tăm và bệnh hoạn, con người đã có những ước mơ về một xã hội lý tưởng, những ước mơ không chỉ thể hiện trong văn học nghệ thuật mà còn thúc giục những nhà xã hội đi tìm cách cải tạo xã hội để vươn ra ánh sáng. Như Lenin nói “Uớc mơ! Không có ước mơ, con người sẽ biến thành con vật. Ước mơ thúc đẩy sự tiến bộ. Ước mơ vĩ đại nhất đó là chủ nghĩa xã hội.” Những tư tưởng sơ khai và những thí nghiệm cải tạo của chủ nghĩa xã hội không tưởng (Utopia) ban đầu của Robert Owen, Fourier .v.v. đã truyền cảm hứng cho thế hệ những nhà quy hoạch và các kiến trúc sư sau này cố tìm kiếm một mô hình đô thị lý tưởng cho chúng ta cư trú. Có nhận xét rằng nếu không có Utopia, không biết có còn ai dẫn dắt đô thị phát triển hiện đại như ngày nay. 

  • Ảnh bên: Bìa sách "Tình cảnh giai cấp công nhân Anh" – Friedrich Engels 

Với khát vọng xây dựng những đô thị lý tưởng cho mọi người cư trú, vừa đảm bảo phát triển sản xuất vừa giữ gìn môi trường lành mạnh, những mô hình ban đầu của những nhà nghiên cứu và kiến trúc sư như Ebenezer Howard, Toni Garnier, Le Corbusier và Frank Lloyd Wright thấm đẫm tinh thần của trào lưu không tưởng. Do các ý tưởng đều mang tính mô hình, khi đi ra thực tế ít nhiều bị sai khác và trở nên không còn lý tưởng như lúc đầu, nhưng sự thành công nhất định trong các mô hình đã để lại những giá trị quý giá và ảnh hưởng tới những thiết kế của những người đi sau. Những thành phố lý thuyết của họ có thể không thể thành hiện thực, tuy nhiên nó gây những ảnh hưởng sâu rộng đến cách thức các đô thị phát triển và cách sống của người dân thành phố.

Mô hình thành phố vườn (Garden City) của Ebenezer Howard năm 1898 được coi là một sự kêt hợp hài hòa giữa thành phố và nông thôn trong một xã hội hợp tác (cooperative society). 

Người ta nói Howard bị ảnh hưởng lớn từ tác phẩm Looking Backward của Edward Bellamy, một tiểu thuyết không tưởng miêu tả thế giới năm 2000 từ trí tưởng tượng của nhà văn năm 1887. Và Edward Bellamy đã gợi cảm hứng cho Howard sáng tạo ra mô hình đô thị lý tưởng nhưng chỉ trên giấy. Thành phố Vườn của Howard đã được thử nghiệm qua việc xây dựng các thành phố vườn Letchworth (năm 1903) và Welwyn (năm 1919), tuy nhiên khi dự án ra đến thực tế có rất nhiều sai khác so với mô hình lý tưởng do điều kiện cụ thể tại địa điểm đó “đường xe lửa cắt ngang thành phố, đường sá uốn lượn, khu trung tâm dịch vụ đặt ở phía Tây thành phố… Các thành phố này không trở thành một đơn vị tự trị được, do không thể duy trì được một nền kinh tế độc lập, nên đa số dân ở đây vẫn phải đi làm việc ở London hàng ngày”. Mặc dù không được như trong ý tưởng của Howard, nhưng những thử nghiệm này khi phục vụ cho cuộc sống cộng đồng nơi đó cho thấy giá trị trong bố trí chức năng và tính thẩm mỹ của quy hoạch, mô hình này cũng thuận tiện để phát triển các đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái sau này. 

Ebenezer Howard đã phân tích thành phố có một lực hút lớn kiểu nam châm, mà ở đó mỗi người dân là một cái kim. Howard coi thành phố là thanh nam châm thứ nhất, nông thôn là nam châm thứ hai, còn sáng tạo các “Thành phố vườn” của ông là thanh nam chậm thứ ba nhằm bảo đảm việc san sẻ bớt dân số đô thị đông đúc ở các thành phố lớn. Theo Howard thì thành phố tuy có thể có tiện nghi tốt và hoạt động văn hoá phong phú nhưng nông thôn lại có ưu thế về đời sống lành mạnh và yên tĩnh. Vì vậy, chỉ có thành phố vườn của ông mới có cả ưu điểm của đô thị lớn lẫn lợi thế của nông thôn, và thành phố vườn ra đời sẽ là đối tượng dung hoà được những mâu thuẫn giữa đô thị và nông thôn, bảo đảm cho con người sống một cuộc sống hài hoà. 

Theo Howard thì các thành phố này có dạng hình tròn, hướng tâm. Mỗi thành phố vườn đáp ứng khoảng 32.000dân với diện tích khoảng 400ha, còn vòng ngoài 2000ha nữa là khu cây xanh “vĩnh cửu”, là đất dùng vào mục đích nông nghiệp, tổng cộng mỗi vùng đô thị sẽ chiếm 2400ha.Khi phát triển vừa tới quy mô nói trên thì thôi không tăng dân số nữa. Một tuyến xe lửa sẽ được chạy vòng quanh phía ngoài để chở hàng đến các nhà máy, tránh được hiện tượng các xe tải chạy xuyên qua thành phố. Vành ngoài của thành phố vườn được đặt nhà máy, xí nghiệp…Mỗi thành phố nhỏ là một “cộng đồng xã hôi chủ nghĩa”, một tập hợp 6 thành phố đó cộng với thành phố mẹ ở giữa tạo thành một thành phố khoảng 250.000ha dân gọi là hệ thống đô thị vườn.

(Đoàn Ngọc Hiệp, Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, số 7/2005). 

Tony Garnier, cũng là một ví dụ tương tự, chịu ảnh hưởng tiểu thuyết “Lao động” của Emile Zola, mô hình “thành phố công nghiệp” (Cité industrielle) ra đời với ý đồ hợp nhất những vấn đề bức xúc và lược bỏ những chức năng không cần thiết do không còn mâu thuẫn, “một xã hội mới, cai trị bởi luật pháp của chủ nghĩa xã hội, sẽ không cần đến nhà thờ, và khi không còn tư bản, sẽ không có kẻ lừa đảo, cướp giật hoặc tội phạm”.

Năm 1922, một mô hình lý tưởng khác gây tiếng vang do Le Corbusier đưa ra mang tên “Thành phố cho 3 triệu dân” (Le projet de ville contemporaine de trois millions d’habitants) trong cuộc “Triển lãm mùa thu” tại Paris. Đồ án thiết kế trên khu đất hình chữ nhật lớn, gồm các toàn nhà cao tầng ở giữa (66 tầng) , xây dựng trong các công viên lớn với mật độ cực thấp, chỉ 5%. Các khu công nghiệp và các thành phố vườn đặt ở ngoại vi. Mặc dù Le Corbusier cố gắng đi tìm những chính quyền có khả năng xây dựng mô hình này, nhưng đều không có kết quả, tuy nhiên những nguyên tắc của đồ án này ảnh hưởng rộng đến những kiến trúc sư thiết kế đặc biệt như khái niệm về “nhà cao tầng trong công viên”. 


Mô hình thành phố 3 triệu dân – Le projet de ville contemporaine de trois millions d’habitants

Mô hình Broadacre city của Frank Lloy Wright năm 1935 lại đi ngược lại với xu hướng cao tầng. Xuất phát từ nhu cầu phân chia ruộng đất nông thôn cho người dân khai thác. Xuất phát từ ý tưởng công bằng trong sở hữu ruộng đất và thu hút dân làm giảm tải cho các đô thị đông đúc, Frank thiết kế cho mỗi người một acre (mẫu Anh, bằng khoảng 0,4 ha). Frank cho rằng với sự phát triển của ô tô cá nhân, khoảng cách đi lại là không đáng kể, đời sống dựa trên chủ nghía cá nhân và tự thân, tự lực. Tuy nhiên chính những thiết kế của Frank lại là nguyên do mà nhiều người cho rằng tác động xấu đến những vấn đề xã hội như sự phụ thuộc vào xe cá nhân, cộng đồng trở nên xa cách thiếu bản sắc và sự phát triển lung tung lan tỏa (sprawl) ngoại ô thiếu kiểm soát làm phá vỡ cấu trúc thiết kế ban đầu.


Mô hình Broadacre city của Frank Lloyd Wright năm 1935 lại đi ngược lại với xu hướng cao tầng. 

Các mô hình lý tưởng do các kiến trúc sư đưa ra, ngay từ trên giấy đã cung cấp một nền tảng lý thuyết sâu rộng cho các kiến trúc sư và những nhà quy hoạch phát triển. Tuy các mô hình đó đều không có một thử nghiệm nào hoàn hảo trong cuộc sống đô thị, nhưng lại cung cấp cho giới nghiên cứu lý luận phê bình những thực nghiệm quý giá để khảo sát xã hội và mối quan hệ giữa xã hội học với thiết kế quy hoạch đô thị. Đó là lý do những mô hình như thành phố vườn, đơn vị ở (Neighbourhood Unit) vẫn chiếm những trang đầu tiên trong giáo án thiết kế đô thị, mặc dù những mô hình này đã được giới lý luận chứng minh sự thất bại khi áp dụng phổ quát.

Giờ đây khi các mô hình lý tưởng quy mô nhỏ hơn đô thị gần như không thể tồn tại do tính dân chủ, đa dạng và không đồng nhất của xã hội đô thị. Trong khi đó đô thị lại càng mở rộng và tự biến mình thành các thực thể lớn hơn, đa cực, phi tập trung và phi cấu trúc thì những tư tưởng về một mô hình lý tưởng không còn phù hợp. Đối với những nhà quy hoạch và xã hội học thì khát vọng về một đô thị lý tưởng trong xã hội thiếu dân chủ và bình đẳng trước kia, ngày nay đã biến đổi thành những suy xét về một tầm nhìn dài hạn về phía trước để đảm bảo tương lai của con người. 


“Phát triển bền vững” là một bước tiến trong lịch sử quy hoạch. 

Năm 1987, Báo cáo Brundtland đã kêu gọi đưa những khái niệm như chính sách “xanh”, “phát triển bền vững” vào trong các thiết kế quy hoạch và phát triển xã hội. Báo cáo Brundtland hay Báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới, đòi hỏi đưa những nhu cầu của thế hệ tương lai tham gia vào quy hoạch đô thị bên cạnh những động lực cơ bản ban đầu. Trong sự thức tỉnh của bản báo cáo Brundtland, các quốc gia trên thế giới được yêu cầu phải tôn trọng tương lai qua các ứng xử như cắt giảm sản xuất công nghiệp và giảm lượng khí thải, và đô thị trên toàn thế giới được yêu cầu chú ý đến “chính sách xanh” liên quan đến giao thông vận tải, sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên và sử dụng đất. Rời bỏ những gì lý tưởng, quy hoạch tầm nhìn với khái niệm “phát triển bền vững” là một bước tiến trong lịch sử quy hoạch. 

Trên nền tảng của một xã hội tiến bộ (dân chủ, đa dạng, bình đẳng), việc đặt thêm yếu tố “nhu cầu phát triển bền vững” vào thiết kế quy hoạch đô thị, cùng với nó là sự đòi hỏi những bản sắc mới hoặc khôi phục lại bản sắc địa phương của thời kỳ hậu hiện đại đã mở ra thời kỳ mới trong xây dựng đô thị. Một thời kỳ các đô thị không chỉ cạnh tranh nhau về sự thịnh vượng, mà còn cạnh tranh về tầm nhìn phát triển an toàn, đa dạng trong tương lai dài hạn. 

Trần Quang 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo