Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Kiến trúc xanh và Hệ số sinh cảnh

Kiến trúc xanh và Hệ số sinh cảnh

Viết email In

Bảo tàng Quai Branly (Musée du Quai Branly) là nơi trưng bày về nền văn minh châu Á, châu Phi, châu Mỹ và Úc, nằm ở khu vực trung tâm văn hóa (quận 7) thủ đô Paris, nhìn ra Tháp Eiffel nổi tiếng. 

Bên mặt ngoài bảo tàng được phủ một lớp thảm thảo mộc rộng 800 m2 trồng 15.000 cây thuộc 150 loại khác nhau lấy giống từ Nhật, Trung Quốc Mỹ và Trung Âu. Sự xuất hiện của bức tường xanh giữa đô thị hiện đại tạo cảm giác mát mẻ, hướng về tự nhiên và rất độc đáo.  

Còn được gọi là bảo tàng Nghệ thuật và Văn minh, Bảo tàng Quai Branly khánh thành năm 2006 xuất phát từ sự gặp gỡ về ý tưởng giữa tổng thống Jacques Chirac và nhà sưu tập Jacques Kerchache trong việc tôn vinh và lưu giữ những hiện vật “arts premiers”, những tác phẩm nghệ thuật của các dân tộc người thiểu số, không có chữ viết ở các châu lục khác. Riêng góc Việt Nam có 9.400 hiện vật (184 hiện vật được trưng bày thường xuyên). (Moments of Urban Life) 


Bảo tàng Quai Branly 

Nhìn bề mặt xanh che phủ của bảo tàng này lại nhớ tới lời kêu gọi “xanh hóa” của Võ Trọng Nghĩa(*). Kiến nghị luật hóa kiến trúc “xanh” bằng các quy định như “xây nhà thì phải làm mái xanh hoặc xanh hóa mặt tiền nhà”, lý do mà kiến trúc sư này đưa ra là thành phố đã quá ngột ngạt, tổng diện tích cây xanh trên đầu người ở Hà Nội chỉ 11m2, một mức thấp kỷ lục (bình quân thế giới là 39m2). Hơn nữa cứ đà Đô thị hóa này thì tỷ lệ cây xanh còn hạ thấp nữa. WHO tổ chức sức khỏe thế giới đã từng khuyến cáo, diện tích cây xanh trên đầu người phải ở mức trên 9m2 mới đạt yêu cầu. 

Vần đề do kiến trúc sư được giải Kiến trúc quốc tế này đưa ra chính là biện pháp mà thành phố Paris đã áp dụng nhằm gia tăng diện tích che phủ cây xanh tự nhiên và gieo mầm xanh lên đầu các mái nhà, cũng chỉ mới đây thôi, từ năm 2007.

Sau hội nghị thượng đỉnh Rio 1992, các thành phố phát triển theo hướng bền vững, phải có nghĩa vụ trả món nợ với tự nhiên của mình nhằm làm giảm dấu chân sinh thái, cái mong ước “cứ lấy đi 100 m2 đất để làm nhà thì phải có trách nhiệm trồng lại 100 m2 cây xanh quanh nhà” hóa ra cũng khả thi nếu các kiến trúc sư vận dụng sáng tạo trong các thiết kế 3D của mình. Và chính quyền cũng phải sáng tạo hơn trong cách quản lý.

Vào thời điểm 2007 thì bình quân diện tích cây xanh của Paris thuộc loại bi bét nhất so với một thủ đô nổi tiếng lãng mạn: 5,8m2/ đầu người. Nếu cộng thêm hai cánh rừng to đùng nằm giữa thủ đô (Boulogne và Vincennes) thì cũng chỉ mới đạt mức 14,5m2. Còn quá xa so với các thủ đô khác như Amsterdam (36m2), Luân đôn (45), Bruxelles (59), Madrid (68), Vienne (131) hay Rome (321) (theo số liệu trên Le Firago, ít có giá trị tham khảo). Paris đã áp dụng nhiều biện pháp để gia tăng số lượng không gian cây xanh, không gian mở, cải thiện “diện tích trống, đồi núi trọc” tương tự như bà con vùng núi chúng ta. Tuy nhiên công cụ đáng chú ý nhất mà họ áp dụng đối với khu trung tâm, những khu có mật độ xây dựng cao chính là hệ số sinh cảnh (coefficients de biotope). Hệ số này có tác dụng quy đổi những diện tích cây xanh trồng trên mái hay trên tường nhà về với diện tích cây xanh tự nhiên, ví dụ như sau:

- Diện tích đất cây xanh tự nhiên, tất nhiên, hệ số là 1.
- Diện tích đất trồng cây, lớp đất có độ dày ít nhất 0.8m hệ số 0.5 
- Diện tích đất trồng cây trên mái hay bồn trồng cây lớp đất dày ít nhất 30cm tính với hệ số là 0.3 
- Với diện tích trên tường và các mặt khác hệ số là 0.2 

Với việc sử dụng hệ số sinh cảnh này đi kèm với việc luật hóa, bắt buộc các công trình cải tạo phải đáp ứng một tiêu chuẩn cao hơn về diện tích cây xanh, các nhà quản trị đô thị đã đạt được mục đích của mình. Họ vừa đòi hỏi khắt khe hơn, nhưng cũng đồng thời cung cấp những hướng đi cho các chủ công trình và kiến trúc sư sáng tạo. Quyết định này cũng sinh lời cho cả một nền công nghệ thi công lớp thực vật phủ trên mái hoặc ốp lên tường với sự tham gia của kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư và cả những người chuyên về lĩnh vực vườn – cảnh quan. Mặc dù hệ số này chỉ góp phần biến đổi từ chất lượng sang số lượng, nhưng cũng là một công cụ tốt để áp dụng để quản lý đô thị. 

Còn vấn đề tiền bạc và công nghệ ? chi phí làm mái xanh hay tường xanh khoảng vài chục đô la mỗi mét vuông cũng không phải quá lớn, công nghệ chống thấm, thi công tạo mặt bằng cũng chẳng thiếu, chỉ có công nghệ làm vườn thì hơi rắc rối tý, nhưng cũng còn tùy vào nhu cầu của chủ đầu tư. 

Việc trồng cây trên mái ở việt nam, có lẽ nếu cứ luật hóa vào là xong tuốt, với công trình lớn thì giá thành cũng phải chăng, với nhà tư nhân thì tuy chi phí đáng kể, nhưng bù lại, biết đâu bà con lại kết hợp với việc trồng rau sạch tự bảo vệ mình khỏi ngộ độc thực phẩm. Một công đôi ba lợi (!!!) 

Khi những bức tường thực vật kết hợp với nghệ thuật 

Là một công ty ở Lyon, Cité de la Creation chuyên sáng tạo ra những tranh tường cho các đô thị thế giới (nhiều nhất tất nhiên vẫn là ở Lyon) để tạo ra những điểm nhìn thú vị trong thành phố. Sau 499 bức tranh tường chỉ đơn thuần là màu sắc, thì đến bức thứ 500, họ có thử nghiệm khác về sáng tạo. Hội họa kết hợp với cây xanh và ánh sáng. Cũng không có gì quá cầu kỳ, chỉ là trên bức tường trống không khổng lồ, họ vẽ lên đó bức tranh tường kết hợp với việc ốp thêm những mảng thực vật tương tự như bảo tảng Quai Brandly đã nhắc tới ở trên. Tranh vẫn là tranh, cây vẫn là cây, chỉ là nằm cạnh bên nhau mà thôi. Kết hợp thêm tý chút ánh sáng chiếu trang trí vào buổi tối để tạo thành một chút gì đó khang khác làm đẹp cho buổi tối đô thị yên tĩnh. 

Đoạn tường tẻ nhạt dài dẫn từ trên đồi Croix Rouge xuống bờ sông Rhone, đã được lựa chọn làm nơi tôn vinh trồng trọt – hội họa và ánh sáng với 3 bức tranh lớn khổng lồ bố trí giật cấp xuống dần theo độ dốc địa hình. Những mảnh thực vật ốp xung quanh làm khung nền cho 3 bức tranh với chủ đề cũng rất sinh thái và … nông nghiệp. Đất trồng ở Argentina, Người nông dân giữa ruộng Salade ở Mali và đàn cừu trắng trên đồng ở Brazil. Thực tình mà nói thì ban ngày tôi cũng không ấn tượng gì lắm, chỉ có buổi tối cách bố trí hắt sáng công cộng thì đúng là gợi cho ta cảm giác đang đi ngang qua một gian phòng triển lãm tranh nào đó. Nói như ông quận trưởng địa phương thì “Trồng trọt và nghệ thuật không nên chỉ nằm trong các không gian riêng rẽ, cả hai cần chia sẻ với nhau”. 


Sau khi thực hiện xong. 


Tranh tường thực vật vào ban đêm. 

Nhưng bức khác ở thị trấn Irigny cách đấy không xa thì đẹp hơn, chỉ là một bức tranh trộn lẫn thảm thực vật xanh rì vẽ phong cảnh của mảnh đất này, nơi con sông Rhone uốn lượn chảy qua, vài người dân địa phương đủng đỉnh đi dạo trên cỏ, mấy đứa bé đang lội sông bắt ếch, xa xa trên cao được ánh sáng chiếu vào là lâu đài gì đó vốn kiến trúc biểu tượng của Irigny. Nhân vật trong tranh được vẽ giống những danh nhân của vùng đất này, một kiểu tôn vinh thường thấy của Cité de la Creation thực hiện cho các đô thị. 


Tranh tường thực vật tại Irigny. 

Trần Quang 

(*) Chú thích: 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...