Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Tại sao Thủ Thiêm được chọn là trung tâm mới TP HCM?

Tại sao Thủ Thiêm được chọn là trung tâm mới TP HCM?

Viết email In

“Ý tưởng mở rộng trung tâm TP HCM sang Thủ Thiêm có từ trước năm 1975 khi bán đảo này được xem như quỹ đất dự phòng để mở rộng trung tâm Sài Gòn với quy mô dân số ngày càng tăng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM) cho biết.  

Theo ông Hòa, trung tâm hiện hữu của TP trên địa bàn Q.1, Q.3 được quy hoạch, xây dựng từ thời Pháp cho một đô thị khoảng 500.000 đến 2 triệu dân. Song hiện nay dân số đã đông hơn rất nhiều, buộc TP HCM phải mở rộng khu trung tâm mới có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thành phố đã quyết định mở rộng không gian trung tâm hiện hữu sang Thủ Thiêm và xem nó là hạt nhân cho sự phát triển của thành phố trong thế kỷ XXI. 


Theo quy hoạch, sẽ có 5 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn như bàn tay 5 ngón kết nối trung tâm mới của TP HCM và trung tâm hiện hữu. 

Thủ Thiêm sẽ được kết nối với trung tâm kinh tế TP HCM bởi 5 cây cầu và 1 đường hầm. Hiện, cầu Thủ Thiêm 1 (Thủ Thiêm - Bình Thạnh) đã được hoàn thành từ năm 2010, đường hầm Thủ Thiêm (sông Sài Gòn) cũng được đưa vào sử dụng cách đây hơn 2 năm. Cầu Thủ Thiêm 2 (Thủ Thiêm – Q.) đang trong quá trình chuẩn bị để khởi công. Còn cầu đi bộ nối Thủ Thiêm với quận 1 (tại quảng trường Mê Linh), quận 4 và quận 7 sẽ được xây dựng trong thời gian tới. "5 cây cầu này sẽ như bàn tay xòe ra kết nối với phần còn lại của thành phố", ông Hòa ví von. 

Trước đó, UBND TP HCM ban hành Quy định về quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh xây dựng thành phố đến năm 2025.

Theo đó, TP sẽ phát triển theo hướng đa tâm, với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp Thành phố tại 4 hướng phát triển. Trong đó hai hướng chính là đông (trục Xa lộ Hà Nội và cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) và nam ra biển (trục Nguyễn Hữu Thọ); hai hướng phụ là tây - bắc (quốc lộ 22) và tây, tây - nam (trục Nguyễn Văn Linh). 

Hệ thống các trung tâm gồm có Trung tâm tổng hợp chính của Thành phố tại khu nội thành cũ trên địa bàn Q.1, Q.3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930 ha, đồng thời mở rộng Trung tâm tổng hợp chính mới sang khu Thủ Thiêm (Q.2) có diện tích 737 ha.

Các trung tâm cấp Thành phố bố trí theo 4 hướng: phía đông tại phường Long Trường (quận 9) giáp với trục cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; phía nam thuộc khu A của đô thị mới Nam Thành phố; phía bắc thuộc khu đô thị mới Tây - Bắc; phía Tây khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Các trung tâm khu vực phía bắc tại huyện Hóc Môn và phía nam tại huyện Nhà Bè. 

  • Ảnh bên: Phối cảnh quảng trường trung tâm ở Thủ Thiêm rộng hơn 20 ha. Đây sẽ là quảng trường lớn nhất Việt Nam trong tương lai. 

Theo quy hoạch điều chỉnh giao thông TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, ngoài hầm Thủ Thiêm (đường hầm sông Sài Gòn) nằm trên trục Đông - Tây, Chính phủ đồng ý việc xây hầm Thủ Thiêm 2 băng qua sông Sài Gòn (đường sắt đôi phục vụ đường sắt đô thị số 2). 

14 cây cầu mới sẽ được xây dựng vượt sông Sài Gòn gồm cầu Bình Quới (bán đảo Thanh Đa - Thủ Đức), Thủ Thiêm 2 (đường Tôn Đức Thắng), Thủ Thiêm 3 (Q.4 – Q.2), Thủ Thiêm 4 (Q.7 – Q.2)...; trên sông Nhà Bè sẽ xây cầu mới Bình Khánh; cầu Phước Khánh cũng được xây dựng trên sông Lòng Tàu...

TP HCM cũng xây dựng, hoàn thiện 5 trục cao tốc có năng lực thông xe lớn gồm TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55 km, quy mô 6-8 làn xe); TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài 69 km, 6-8 làn xe); TP HCM - Mộc Bài (dài 55 km, 4-6 làn xe); Bến Lức - Long Thành (dài 58 km, 6-8 làn xe); Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 76 km, 6-8 làn xe). Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng quy mô 8 làn xe.

Hệ thống đường trên cao cũng được xây dựng gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 70,7 km; quy mô 4 làn xe. 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối với các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô cũng nằm trong kế hoạch xây dựng của TP HCM. Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) theo quy hoạch sẽ có 6 tuyến (tuyến đầu tiên dọc theo đại lộ Đông - Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017). 

Bảo Nhi (Báo Xây dựng /tổng hợp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo