Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Phản biện Nghịch lý quy hoạch

Nghịch lý quy hoạch

Viết email In

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, số lượng quy hoạch được lập cho giai đoạn 2011 - 2020 là trên 19.000 quy hoạch các loại với kinh phí tương ứng là 8.000 tỉ đồng. Nghịch lý là trong khi số lượng triển khai quá nhiều thì chất lượng quy hoạch lại thấp, nhiều mâu thuẫn, chồng chéo và thiếu sự liên kết... dẫn đến quy hoạch không hiệu quả, kém khả thi. 

Nguyên nhân của việc có quá nhiều quy hoạch là do cơ chế chính sách. Đơn cử như quy hoạch xây dựng được quy định tại luật Xây dựng 2003 khi chưa có luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Nên đến năm 2009, khi luật Quy hoạch đô thị được ban hành thì phần lớn các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng đã có trong luật Xây dựng lại được điều chỉnh tại luật này. Kết quả là cả hai luật này cùng điều chỉnh chung cho một lĩnh vực, tạo ra sự trùng lắp, không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. 

Trước tình hình đó, Quốc hội đã chủ trương sửa đổi luật Xây dựng. Đây là một quyết định hợp lý, nhưng bản dự thảo luật Xây dựng sửa đổi lại bao gồm cả phần quy hoạch xây dựng. Điều này là không hợp lý do hiện nay trên thế giới không có nước nào đưa nội dung quy hoạch xây dựng vào luật Xây dựng. Hơn nữa, đối tượng của xây dựng là công trình, chứ không phải đô thị, không phải vùng. Do đó luật Xây dựng chỉ nên tập trung giải quyết các vấn đề về hoạt động xây dựng công trình (các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và quản lý dự án xây dựng công trình). 

Tại cuộc thảo luận về luật Xây dựng sửa đổi, đại biểu Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cũng cho rằng: “Luật Xây dựng chỉ nên áp dụng chế định quá trình xây dựng trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng, tập trung giới hạn vào hoạt động xây dựng nhưng có biện pháp chế tài cụ thể hơn, có hiệu lực cao để bảo đảm việc thực thi hiệu quả còn liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, hoạt động của chủ đầu tư nói chung hay quản lý sử dụng vốn ngân sách...”. ĐB Trịnh Ngọc Phương, tỉnh Tây Ninh cũng nhận định: "Dự thảo luật Xây dựng sửa đổi đưa vào phần quy hoạch đến 27 điều, nhiều nội dung trùng với luật Quy hoạch đô thị đã có. Nên chuyển phần này sang luật Quy hoạch đang điều chỉnh để thống nhất và xuyên suốt...”. Bên cạnh đó, đưa một số nội dung quy hoạch xây dựng như quy hoạch điểm dân cư nông thôn bổ sung vào luật Quy hoạch đô thị và sửa đổi luật Quy hoạch đô thị thành luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để tạo sự thống nhất trong hệ thống đô thị và nông thôn trên phạm vi cả nước.  

Sự chồng chéo của các văn bản pháp luật hay chuyện một việc phải "chạy" nhiều cấp, nhiều cơ quan đã gây ra rất nhiều phiền phức, hệ lụy cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải có sự thống nhất "một cửa", nhất là trong vấn đề xây dựng, quy hoạch để hạn chế phiền phức, giảm nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho công tác quản lý cũng như người thụ hưởng chính sách. 

Nguyễn Mạnh Lam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...