Hệ thống cảng biển trên 150 tuổi nằm dọc sông Sài Gòn sau khi di dời sẽ để lại cho TPHCM một tài sản to lớn - dải đất bờ Tây sông Sài Gòn quý hơn vàng. Nhưng cũng chính vì vậy không ít vấn đề đang đặt ra...
“Đào mỏ” đất vàng
Theo quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TPHCM (930 héc ta), tương lai dọc bờ Tây sông Sài Gòn sẽ hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng - từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận... Và, tại vị trí những khu đất cảng hiện nay, sau khi cảng di dời, cao ốc sẽ mọc lên, nhưng với mật độ thấp.
Khu vực bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM. (Ảnh: Thanh Tao)
Cụ thể các chỉ tiêu về dân số, hệ số sử dụng đất... khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Ba Son, Tân Cảng... đã được xác định cụ thể trong đồ án quy hoạch. Vì, theo ông Shigehisa Matsumura, chuyên gia quy hoạch cấp cao của Công ty Nikken Sekkei, khi lập đồ án quy hoạch này Nikken Sekkei đã tính toán kỹ khả năng chịu đựng của hạ tầng kỹ thuật từng khu vực.
Nhưng dường như điều đó (đồ án quy hoạch này) đã làm giảm sự hấp dẫn của các khu đất cảng đối với giới đầu tư bất động sản... Nên, để có tiền di dời cảng (phải xây cảng mới) Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trình UBND TPHCM xem xét điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn theo hướng chuyển đổi công năng 37 héc ta (trong tổng số 43 héc ta diện tích toàn khu) sang đất ở, thương mại.
Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ tăng mạnh về quy mô dân số như đề xuất tại khu vực Tân Cảng hay Nhà Rồng - Khánh Hội để thu hút đầu tư, tạo vốn di dời cảng cần phải được tính toán kỹ, nhất là các yếu tố về hạ tầng.
Theo đề nghị của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, quy mô dân số ở khu phức hợp nói trên tăng lên khoảng 19.000-22.000 người với hệ số sử dụng đất từ 2,5 (theo quy hoạch) lên 5. Với lý do để huy động nguồn lực cho nhiệm vụ quốc phòng, UBND TPHCM đã đồng ý cho tăng dân số tối đa là 16.000 người và hệ số sử dụng đất của dự án từ 2,5 lên 3,17. Và mới đây, UBND TPHCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn.
Kế khu Tân Cảng Sài Gòn là cảng Ba Son (thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son), sau khi Nhà máy Đóng tàu Ba Son di dời về Cái Mép, Bộ Quốc phòng dự định sẽ bán đấu giá khu đất hơn 30 héc ta thuộc phường Bến Nghé, quận 1 tuyệt đẹp này. Nhưng để khu đất bán được giá, đồ án quy hoạch 1/500 khu vực này đã được lập (chưa được thông qua), theo đó, Ba Son sẽ là khu thương mại - dịch vụ với hệ số sử dụng đất rất cao (8-10), với rất nhiều cao ốc.
Đối với 50 héc ta đất của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, theo quy hoạch, khu vực này có chức năng chính là dịch vụ, thương mại, nhà ở, giải trí, văn hóa, y tế, giáo dục và những mảng cây xanh liên tục dọc bờ sông. Tuy nhiên, mới đây Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn đã có văn bản gửi UBND TPHCM xin chuyển mục đích sử dụng khu đất này theo hướng giảm các trung tâm thương mại, tăng số lượng căn hộ thương mại.
Theo đó, chỉ tiêu dân số khu Nhà Rồng - Khánh Hội sẽ tăng lên khoảng hai lần so với chỉ tiêu trong quy hoạch đã được phê duyệt. Theo ông Hồ Quang Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thì “cứ thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt là tốt nhất”, tuy nhiên một nguồn tin cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận đề xuất của Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn.
Và, theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, dự kiến gần 3 héc ta đất của cảng Tân Thuận Đông và 32 héc ta của cảng Bến Nghé cũng sẽ được quy hoạch thành những khu thương mại - dịch vụ hỗn hợp và công viên bờ sông. Tuy nhiên chưa thấy chủ đầu tư xin điều chỉnh, do kế hoạch di dời các cảng này phải đến sau năm 2020.
Phối cảnh đô thị dọc bờ Tây sông Sài Gòn, nhìn từ khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, của Công ty Tư vấn Nikken Sekkei. Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội được thiết kế với dãy nhà cao tầng - đổ bóng râm - dọc bờ sông (sau khi di dời cảng).
Là để di dời cảng?
Ông Huỳnh Văn Cường, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn, từng nói: “Muốn di dời phải xây cảng mới, muốn có cảng mới phải có vốn đầu tư, muốn có vốn đầu tư phải chuyển quyền sử dụng đất, mục đích sử dụng đất tại vị trí cảng cũ... để thu hút các nhà đầu tư ứng vốn”.
Sau khi được chính quyền TPHCM chấp thuận cho chuyển mục đích sử dụng khu đất cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư là tập đoàn Vingroup. Hiện Công ty TNHH Đầu tư Phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (pháp nhân mới thành lập để thực hiện dự án chuyển đổi công năng cảng Nhà Rồng - Khánh Hội) đang lập quy hoạch chi tiết và lập báo cáo đầu tư theo phương án điều chỉnh tăng quy mô dân số đã được UBND TPHCM chấp thuận.
Theo thỏa thuận, Công ty Ngọc Viễn Đông sẽ tạm ứng vốn để xây dựng hoàn thiện cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, đường D3 và các chi phí khác phục vụ di dời. Theo phân kỳ đầu tư đến năm 2015, dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cần thêm 850 tỉ đồng để hoàn tất giai đoạn 1, đáp ứng được năng lực di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, nguồn vốn này do Công ty Ngọc Viễn Đông tạm ứng.
Đối với đường D3 kết nối vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước cũng sẽ được Công ty Ngọc Viễn Đông ứng vốn thi công trong thời gian 14 tháng, dự kiến có thể khởi công từ tháng 8/2014. Đổi lại, cảng Sài Gòn phải di dời, bàn giao mặt bằng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội cho Công ty Ngọc Viễn Đông để thực hiện dự án chuyển đổi công năng trong quí 1-2016.
Được biết cảng Tân Cảng Sài Gòn cũng sắp hoàn tất việc di dời về Cát Lái và Cái Mép. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa có thông báo gửi đến các hãng tàu và khách hàng về lộ trình ngưng thực hiện một số dịch vụ tại cảng Tân Cảng để thực hiện kế hoạch chuyển đổi thành khu đô thị phức hợp. Theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, toàn bộ hoạt động dịch vụ kho bãi của cảng Tân Cảng sẽ ngưng vào tháng 5-2015. Và nhà đầu tư vào dự án khu đô thị phức hợp Tân Cảng cũng là tập đoàn Vingroup.
Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ tăng mạnh về quy mô dân số như đề xuất tại khu vực Tân Cảng hay Nhà Rồng - Khánh Hội để thu hút đầu tư, tạo vốn di dời cảng cần phải được tính toán kỹ, nhất là các yếu tố về hạ tầng, trong đó quan trọng nhất là giao thông. “Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là kiến trúc cảnh quan đã được tính toán theo quy hoạch ban đầu đã bị phá vỡ như thế là không ổn về mặt quản lý”, KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói.
Quang Chung
- Xây dựng quy chuẩn cho công trình chiếu sáng
- Metro ngầm cần sự kết nối
- Thông tư 10/2014/TT- BXD: Cân nhắc hệ lụy
- Tranh cãi về nâng cấp mở rộng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
- Đánh thức Đà Lạt: xin hãy khẽ khàng
- Tiếp cận cạnh tranh trong chiến lược phát triển đô thị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
- Phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy: bài toán khó!
- “Thu gom - tái điều chỉnh đất” để nâng cao đời sống người dân
- Nghịch lý quy hoạch
- Kiến trúc xanh và Hệ số sinh cảnh