“Nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn để thẩm tra, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình theo quy định; Khi khởi công, chủ nhà phải gửi báo cáo đến Sở Xây dựng thông tin công trình và tổ chức giám sát, nghiệm thu; Khi hoàn thành, chủ nhà chuẩn bị hồ sơ theo quy định gửi về Sở Xây dựng để kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng...” - Những quy định tại Thông tư 10/2014/TT- BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/9 đang được dư luận đặt câu hỏi, việc quản lý chặt công tác xây dựng liệu có khả thi hay lại tạo thêm một giấy phép con cho người dân, gia tăng thủ tục hành chính?
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN:
Chuyên nghiệp hóa hoạt động xây dựng
Thông tư số 10/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành sắp có hiệu lực đã đặt ra nhiều quy định chặt chẽ hơn trong hoạt động xây dựng nhà ở riêng lẻ. Hoạt động xây dựng nói chung ngày phải càng theo hướng chuyên nghiệp. Tại nhiều quốc gia khác, các công trình xây dựng dù to hay nhỏ đều phải có giấy phép và tuân thủ những quy tắc chặt chẽ. Người dân muốn xây nhà đều phải do những DN có nghiệp vụ xây dựng nên.
Ở VN thời gian qua, việc người dân xây dựng nhà không phép, xây nhà theo kiểu tự phát khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quy hoạch và chất lượng của căn nhà. Việc Luật Xây dựng sửa đổi sắp có hiệu lực cùng với đó là những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn được ban hành được kỳ vọng sẽ đưa công tác quản lý xây dựng đi vào nề nếp.
Những quy định của Thông tư số 10/2014/TT-BXD về cơ bản đưa ra những yêu cầu quản lý xây dựng khá chặt chẽ. Tuy nhiên, để những quy định chặt chẽ như vậy đi vào cuộc sống hay nói cách khác Thông tư mang tính khả thi, chúng ta cần tạo điều kiện cho thị trường cung ứng dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ xây dựng phát triển. Các nước xem các hoạt khảo sát, thiết kế, định giá xây dựng, giám sát thi công, quản lý dự án là những dịch vụ kỹ thuật xây dựng thuộc khu vực dịch vụ (khu vực 3 của kinh tế quốc dân). Còn hoạt động thi công xây dựng thuộc khu vực sản xuất (khu vực 2 của kinh tế quốc dân). Do đó, pháp luật về xây dựng cần đề ra các yêu cầu trách nhiệm nghề nghiệp của họ đối với chất lượng, an toàn và mỹ quan kiến trúc đối với công trình, được đảm bảo bằng bằng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà pháp luật quy định công trình xây dựng phải tuân thủ.
Đối với quản lý nhà nước về xây dựng, giấy phép xây dựng có tầm quan trọng hàng đầu, vì nó kiểm tra lần cuối tính hợp pháp của hoạt động xây dựng và công trình xây dựng trước khi khởi công xây dựng. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép và thực hiện các thủ tục đó cần phải làm thật chuyên nghiệp và hợp lý, người dân dễ dàng thực hiện thì thủ tục đó sẽ không mang tính hình thức và không bị coi là một giấy phép con.
Ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Cty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng E.C.R:
Người dân và DN đều “sốc”
Việc quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép xây dựng công trình là cần thiết, bắt buộc, hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên biết rằng việc xin cấp phép xây dựng luôn là cửa ải mà người dân thấy khó khăn nhất khi xây dựng nhà ở. Do đó, việc Thông tư 10/2014/TT-BXD quy định nhà ở từ 7 tầng trở lên, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình theo quy định; đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m², từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công chẳng những không cải tiến thủ tục hành chính mà lại còn gây phiền hà, khó khăn hơn cho người dân. Nếu làm theo quy định mới, người dân xin cấp phép xây dựng sẽ tốn kém hơn rất nhiều và cũng mất nhiều thời gian hơn. Đó là chưa kể thủ tục hành chính phát sinh thêm sẽ dễ gây ra tình trạng nhũng nhiễu, hách dịch,“hành dân”. Mà khi bị “hành” quá mức, việc người dân dừng xây dựng các công trình do phát sinh các thủ tục là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Về phía DN, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế, nên hầu hết các DN xây dựng cũng rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Hàng loạt công trình nhà xưởng, công nghiệp, dự án căn hộ ngừng thi công hoặc giãn tiến độ đã đẩy các nhà thầu xây dựng vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vậy nên việc chuyển hướng sang thầu các dự án nhà ở riêng lẻ cũng là một cách thoát hiểm được nhiều DN lựa chọn. Nay với quy định mới này, nhiều hộ đã chuẩn bị kinh phí, ký hợp đồng thuê thầu xây dựng nhà, nhưng rồi phải hủy bỏ vì không xin được GPXD. Điều này sẽ gây ra hệ quả dây chuyền: công nhân không có việc làm, tồn kho vật liệu xây dựng, tệ nan xã hội… Do đó, theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước trước khi ban hành một quy định cần cân nhắc kỹ những hệ quả có thể xảy ra khi đưa chính sách vào thực tế và cần phải có một lộ trình phù hợp, tránh để người dân, DN bị “sốc”, hoặc rơi vào thế bị động trong hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Đực - PGĐ Cty Địa ốc Đất Lành:
Đi ngược lại chủ trương cải cách thủ tục hành chính
Thông tư 10/2014/TT-BXD Bộ xây dựng vừa ban hành đang đi ngược chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh với quy định giảm 40% thủ tục hành chính gây khó khăn cho DN, người dân. Bởi quy định này đã tạo nên một giấy phép con “hành” người dân trong việc xây dựng nhà riêng lẻ và các DN kinh doanh BĐS trong việc phân lô, bán nền.
Thực ra, Thông tư 10/2014/TT-BXD không có gì mới. Còn nhớ, vào thời điểm năm 1994, Bộ Xây dựng đã làm rồi. Tức là, đối với các công trình xây dựng cao tầng, chủ nhà phải gửi hồ sơ thiết kế, hồ sơ địa chất đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp của chính quyền địa phương để thẩm tra, phê duyệt thiết kế xât dựng công trình theo quy định.
Bản thân tôi ngày đó làm PGĐ Cty CP Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (trực thuộc Sở Xây dựng TP HCM), nằm trong ban xét duyệt của TP, tôi nhận thấy hầu như hồ sơ DN và người dân nộp là giả, kể cả hồ sơ địa chất cũng giả luôn. Thay vì làm một bộ hồ sơ địa chất thật mất 20 - 30 triệu đồng thì DN đối phó bằng cách làm hồ sơ giả chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng/bộ. Khi đó, tại TP HCM có cả một đường dây làm hồ sơ giả. Vì thế tôi đã có những kiến nghị lên Bộ Xây dựng bởi quy định này rất bất hợp lý: Nhà nước muốn kiểm soát kết cấu địa chất các công trình xây dựng của người dân, trong khi người dân chống đối bằng hồ sơ giả, bản vẽ giả vừa khiến dân tốn tiền, nhà nước cũng chẳng được lợi gì. Sau đó, vào đầu năm 2000, theo chủ trương cải cách thủ tục hành chính, quy định này đã được xóa bỏ. Vậy mà không hiểu vì lý do gì bây giờ Bộ Xây dựng lại tái lập?
Thực tế, ở VN rất hiếm ngôi nhà nào bị sập do thiết kế, tỷ lệ này khoảng 1/10.000. Có chăng, sự cố sập nhà là do lỗi thi công. Nếu chuyện sập nhà xảy ra, là tiền của người dân, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hơn nữa, quy định này còn có thể tạo ra một tiền lệ xấu, nhiều Cty chân rết về kiểm định, đánh giá sẽ nhân cơ hội này lập ra nhằm bắt chẹt người dân, DN.
Ông Phan Vũ Anh - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình XD (Bộ Xây dựng):
Hoàn toàn khả thi
Để hướng dẫn Nghị định số 209/2004/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 39/2009/TT-BXD ngày 09/12/2009 hướng dẫn về quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/2/2013 thay thế Nghị định số 209/2004, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2014/TT-BXD nhằm thay thế Thông tư số 39/2009/TT-BXD để quy định một số nội dung về quản lý chất lượng nhà ở riêng lẻ. Về cơ bản, nội dung quy định trong Thông tư số 10/2014/TT-BXD kế thừa phần lớn các nội dung quy định trong Thông tư số 39/2009/TT-BXD.
Thứ nhất, theo nội dung Mục a Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên phải được cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế (chủ nhà tự phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm tra) và kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng. Vì vậy, Thông tư số 10/2014/TT-BXD phải hướng dẫn chi tiết các nội dung thẩm tra thiết kế và công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên. Theo thông tin của các Sở Xây dựng tại địa phương, đối tượng công trình này không nhiều, phần lớn chủ đầu tư không có nhiều kiến thức về quản lý hoạt động xây dựng nhưng kết cấu công trình có yêu cầu cao về an toàn nên việc cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra thiết kế và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng là cần thiết.
Thứ hai, theo quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BXD, “Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250 m2, từ 3 tầng trở lên, chủ nhà phải thuê nhà thầu khảo sát xây dựng có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất công trình, và “Đối với nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa hoặc trường hợp nâng tầng nhà ở thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng thực hiện. Hai nội dung này đã được quy định trong Thông tư số 39/2009/TT-BXD và quy định này hoàn toàn khả thi sau gần 4 năm áp dụng.
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Không gian kiến trúc Sài Gòn rồi sẽ ra sao
- Đặc khu kinh tế: tư duy đi và tư duy lại
- “Không nên cho người nước ngoài mua nhà đơn lẻ”
- Xây dựng quy chuẩn cho công trình chiếu sáng
- Metro ngầm cần sự kết nối
- Tranh cãi về nâng cấp mở rộng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
- Đánh thức Đà Lạt: xin hãy khẽ khàng
- Khi sông Sài Gòn không còn cảng biển
- Tiếp cận cạnh tranh trong chiến lược phát triển đô thị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
- Phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy: bài toán khó!