Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Sông Hương trong cấu trúc đô thị di sản và đô thị sinh thái

Sông Hương trong cấu trúc đô thị di sản và đô thị sinh thái

Viết email In

Huế, nhận thức một cách sâu xa, từ góc độ văn hóa và từ nhu cầu sinh tồn đương đại, ở tầm quốc gia và tầm toàn cầu, đích thực là Đô thị - di sảnĐô thị sinh thái

Trước tiên cần làm rõ hai khái niệm: di sản đô thịđô thị - di sản.  

Di sản đô thị là một cấu trúc đô thị đã hình thành và định hình ở một hoặc qua nhiều giai đoạn của lịch sử phát triển thành phố, có giá trị về lịch sử, về văn hóa – nhân văn, về kiến trúc, về cảnh quan và thẩm mỹ, còn giá trị sử dụng và làm cơ sở cho sự phát triển tiếp nối của thành phố đó. Các đô thị tồn tại lâu dài đều sở hữu những quỹ tài sản vật chất ở dạng kiến trúc, mà những thành tố nào đó có thể được coi là di sản. Chẳng hạn, thủ đô Hà Nội sở hữu những di sản đô thị, tuy không lớn lắm, song đặc sắc và sống động như khu 36 phố phường, khu phố xây dựng thời thuộc địa, các làng cổ và làng cũ nội đô, các khung cảnh thiên nhiên nhân văn hóa đặc trưng bởi các ao hồ vv… Thành phố Hải Phòng, đặc biệt thành phố Đà Lạt, vẫn đang còn sở hữu những quỹ kiến trúc di sản đô thị hình thành dưới thời thuộc Pháp, song chưa được coi trọng đúng mức với tư cách là những xuất phát điểm cho sự vun đắp hình thái dung nhan của những chốn đô thị “mình là mình”. 

Đô thị - di sản là một tổ hợp kiến trúc và xã hội tồn tại lâu đời và bền vững, kết tụ những thành tố vật chất – nhân văn trong sự chuyển hóa hữu hình và vô hình của không gian và thời gian, trong sự cộng sinh và cân bằng, kiện toàn dần dà về các phương diện cấu trúc và hình thái học, mà đặc điểm và giá trị nổi trội chính là ở sự bất đối kháng giữa thành tố này với thành tố khác, dù chúng có ra đời muộn hơn, dù chúng khác biệt về yếu tố công năng và về hình thái kiến trúc. Đô thị - di sản là sản phẩm của một chuỗi, một dòng chảy lịch sử tiến hóa, được các kiếp người và các thế lực cầm quyền duy dưỡng, vun đắp và cải tiến, mà không tạo nên những sự đứt đoạn, những sự ứ tồn.

Huế, từ những tiếp cận ấy đúng là và chính là ĐÔ THỊ - DI SẢN trọn vẹn và duy nhất trong số các đô thị hiện tồn tại mà không có độ tuổi già nua cho lắm ở nước ta. Huế, tôi không chút ngần ngại khẳng định nằm trong số rất ít đô thị - di sản trên thế giới. Sự khẳng định quả quyết về một chốn đô thị - di sản mà Huế là, không chỉ bởi cái sự tích lũy vật chất - lich sử - nhân văn mà nó đang hiện thân, mà còn bởi sự nhận thức không kém phần quả quyết, đó là: Xây dựng các quy hoạch và kế hoạch, dù to và dù nhỏ, cho phát triển thành phố này phải đi từ nhận thức chiến lược về sự ứng xử văn hóa với một cơ ngơi vô song và vô giá, trong nền văn minh kiến thị của dân tộc Việt.

Làm cho Huế đồ sộ, tân tiến và giàu có, hẳn là việc hết sức khó. Song, làm cho Huế có ngần ấy thứ, mà lại bảo lưu cho được, mà mở mang cho thông minh thành phố từ chính cái tài nguyên lịch sử, không vô hình mà hiện hữu xác thịt, mới chính là việc khó bội phần.

Chớ vội vàng, hãy nghiêm cẩn và ngẫm nghĩ kỹ càng, như người Huế cổ truyền, chúng ta mới có cơ may làm trọn sứ mệnh của thế hệ hôm nay đối với cái cơ thể đô thị vừa bền dai và vừa mong manh.

Những thành tố cơ bản và chủ đạo nào góp và tạo nên tài nguyên cho phép ta mệnh danh Huế là đô thị - di sản?. Ở tầm vĩ mô, xin nêu ra 3 thành tố:

- Quỹ kiến trúc đô thị, các tài sản vật chất triển khai tầng tầng lớp lớp trong không gian lãnh thổ đô thị, chiếm dụng mà không hẳn chiếm đoạt, hiện thân bởi sự đa dạng và sự song tồn của các cấu trúc tạo thị và các thể loại công trình kiến trức đa năng và đa thời.

- Tài nguyên và nền cảnh thiên nhiên trời phú cho mà đô thị Huế cấy ghép vào, dè xẻn và nương nhẹ, tạo nên những không gian và dấu ấn của cảnh quan đô thị trong sự chuyển hóa mềm mại như một bức tranh liên hoàn cả về thời gian. Thành tố này, theo chúng tôi hệ trọng đặc biệt, nó hầu như là một nửa của cơ ngơi đô thị Huế. Hóa ra, ông cha ta đã hiểu thấu và đã biết cách đô thị hóa mà không triệt hóa thiên nhiên, đô thị hóa mà biến thiên nhiên thành một thành tố không tách lìa khỏi sự kiến tạo đô thị. Thời nay, cái triết lý ấy xem ra đã bị lãng quên. Quy hoạch phát triển Huế nên nhớ và hiểu tận cùng: Thiên nhiên không chỉ là đất, không chỉ là cảnh quan, Thiên nhiên cần được ứng xử văn hóa, theo cách Huế xưa kia, chính là cái vốn liếng, cái tài sản “mềm” của cơ ngơi đô thị.

Chính từ nhận thức bắt nguồn bởi sự chiêm nghiệm cơ thể Huế hiện hữu, mà chúng tôi mệnh danh : HUẾ - ĐÔ THỊ SINH THÁI. Huế là một khuôn mẫu của đô thị sinh thái, sản sinh bởi lịch sử, chứ không phải bởi những thúc bách của thời đại ta đang sống, thời đại mà ta ngỡ ngàng nhận ra: Tòa thiên nhiên ta đã phá đến mức phải phục hồi rồi. Song, thiên nhiên không phải là di tích mà ta có thể “phục hồi”.

- Thành tố thứ ba, đó là văn hóa phi vật thể, văn hóa đô thị. Tài nguyên đặc thù này không chỉ thuộc về dĩ vãng, không hẳn là đối tượng của bảo tồn. Nó là một tài nguyên sống động, bền bỉ vượt qua thách thức sinh tồn và tiến hóa theo một dòng chảy ít bị thôi thúc. Văn hóa cộng đồng thị dân Huế trước hết cấu thành và duy dưỡng bởi những mối quan hệ bền dai về gia đình, gia tộc, xóm giềng lối phố, âm – dương tâm linh, nếp sống, cảm thức chuyên biệt vv… Có lẽ, chỉ ở Huế, mà không phải ở chốn thị thành nào khác, còn tồn sinh một nền văn hóa đô thị đặc trưng cho thời cận đại mà vẫn có sức sống tiếp nối, tiếp nối mà không cần hô hào.

Cả ba thành tố cơ bản và đặc trưng nêu trên, điều đáng nói hơn cả, không những cấu thành thực thể đô thị - di sản và đô thị sinh thái mà còn phải được coi là những tiềm lực cho phát triển, và cần phải được các nhà chiến lược xây dựng và các nhà quy hoạch coi là yếu tố nền tảng trong sự định tính và định hướng phát triển, duy nhất phù hợp và tối ưu cho Huế. 


Bao Vinh, nhìn từ sông Hương (Ảnh: vov.vn) 

Nhìn từ phương diện cấu trúc không gian và hình thái đô thị Huế, với đặc tính nổi trội của đô thị - di sản là sự chuyển hóa mềm các không gian, xin đưa ra sự liệt kê sau:

- Phức hợp kiến trúc triều Nguyễn, hiện tồn khá đồng bộ và khá nguyên vẹn, với tòa kinh thành là hạt nhân, với các loại hình kiến trúc cung đình hầu như chỉ còn ở Huế, hệ thống lăng tẩm với một – hai công trình có thể coi là giai tác của nghệ thuật kiến trúc phong cảnh Việt.

- Các cấu trúc phố thị, mà đặc sắc hơn cả là Gia Hội và Bao Vinh, với những đường phố còn phảng phất hình thái làng quê.

- Các làng cổ và cũ nội đô và ven đô, mà là đặc trưng hơn cả là nhà vườn, những phủ đệ và nhà cửa của giới thượng lưu không còn thấy ở bất cứ nơi nào khác.

- Dòng sông Hương kết nối mềm 2 phần của thành phố Huế thời phong kiến, thời cận đại và sau này. Do sự ngẫu nhiên nào đó, hoặc đúng hơn, do sự chú trọng mang tính kế thừa, mà dòng sông Hương và hai triền sông cho đến nay vẫn đóng vai trò một cái trục mềm của đô thị, cùng với cái trục chính nối thẳng núi Ngự Bình với kinh thành. Cái trục tự nhiên ấy không bị kiến trúc hóa và đô thị hóa, không bị biến thành đại lộ giao thông, không bị kè cặp bởi đá và bê tông, đương nhiên phải được công nhận và nhìn cho ra là yếu tố độc đáo, bất khả xâm phạm, của cơ thể ngọc ngà, - đô thị - di sản và đô thị sinh thái. Ở Việt Nam ta không có con sông nào được ứng xử văn hóa đến mức tự nhiên như với sông Hương ở Huế. Cần nói thêm, sông Hương sống và thở khoan thai không đơn độc, mà trong sự hòa quyện với núi đồi, xóm thôn, hệ kênh rạch, với các không gian đường phố chỗ mở chỗ khép.

Do vậy, phải coi sông Hương là một điểm tựa để Huế giữ gìn và kiến tạo diện mạo của riêng mình, không giống một ai. Trời cho, người biết kiêng nể, con sông trở thành một di sản đô thị.

Ứng xử thế nào đây với con sông - di sản này?

Chúng tôi mạnh dạn đưa ra một vài ý tưởng với hy vọng góp thêm phần vào việc xây dựng hoặc thẩm định lại chiến lược và những định hướng phát triển thành phố Huế:

- Chúng ta cần chủ động, trong sự cân đối hợp lý, các phần việc bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang – định hình, hiện đại hóa theo nhận thức chuyên biệt về đô thị - di sản, về đô thị sinh thái lịch sử, trong những giới hạn mềm hiện nay. Coi đây là hạt nhân, là cốt lõi, là điểm xuất phát cho việc mở rộng khả thi thành phố. Chúng tôi muốn đưa ra khái niệm “Đầu tư cải tạo và xây dựng theo phương thức thâm canh”, sâu - kĩ- chỉnh.

Do Huế là đô thị - di sản, đô thị sinh thái từ lịch sử, chứ không phải theo xu hướng hiện đại, mà yếu tố văn hóa, tư duy văn hóa và thước đo văn hóa phải được đặt làm ưu tiên trong mọi chủ định và mọi kế hoạch.

- Quy hoạch hai bờ sông Hương phải trước tiên nghiêm cẩn tuân thủ đòi hỏi tối thượng: Duy trì vị trí và vai trò của dòng sông trong cấu trúc đô thị - di sản và đô thị sinh thái, khẳng định và bộc lộ rõ thêm các đặc điểm và các giá trị kiến trúc – cảnh quan – nhân văn của nó. Chúng tôi e ngại vận dụng khái niệm “tôn cao” hoặc “tôn tạo”, do những gì người ta hay bày vẽ theo chiều hướng này đều dẫn tới sự thô thiển hóa.

- Các giải pháp lớn nên vận dụng cho hai bờ sông Hương có thể là: duy trì bằng được các khoảng cách ấn định giới hạn không gian mà lịch sử đã dành cho con sông này, tuyệt đối tránh mọi sự chất tải mới, giải tỏa những công trình xây dựng và những vật cản xé vụn sự thông thoáng của không gian đôi bờ, giữ cho được tính tự nhiên và độ xanh tươi của dòng sông cùng hai triền song. Ở giữa thành phố hiện đại mà tự nhiên, mà yên lành.

- Quy hoạch ở đây nên hiểu là để bảo tồn, để phát huy bằng các biện pháp điều tiết, chỉnh trang, cải tạo và hoàn thiện. Tuyệt nhiên không để xây cất thêm những công trình đồ sộ như khách sạn Century hoặc chợ Đông Ba mới.

- Ở phía bờ Bắc, nên tính tới việc giải tỏa bãi xe, dãy phố đến cửa Thượng Tứ, nhằm tạo sự nối kết kinh thành với bờ sông Hương. Hệ công viên vườn hoa từ cầu Tràng Tiền đến chùa Thiên Mụ là một mảng cảnh quan phù hợp và cần củng cố thêm, với việc duy trì các loại cây cỏ hiện có, ít nhiều mang tính tự nhiên.

- Ở bờ phía Nam, nên duy trì các kiến trúc Pháp nay còn lại thưa thớt, không xây cất thêm công trình mới, tìm cách nối liền các mảng vườn hoa công viên.
Cũng cần nói thêm, hiện nay cả hai dải công viên vườn hoa sông Hương chưa được người dân và du khách sử dụng nhiều, nhất là bờ Bắc, do điều kiện vệ sinh môi trường kém và do thiếu các không gian sinh hoạt cộng đồng.

Tôi đặc biệt quan ngại về việc xây dựng mới ở bờ Nam, mật độ cao, công trình đồ sộ, đường sá mở rộng đột ngột. Sự cân bằng hình thái của đô thị - di sản có nguy cơ tan vỡ nhãn tiền. Nên thiết lập vùng và giới hạn chuyển tiếp không gian từ sông Hương sang khu xây dựng cấp tập ở bờ Nam, quy chế hóa việc cải tạo và xây dựng.

Việc xây dựng quy hoạch hai bờ sông Hương là một bước đi đáng khích lệ, là một biểu hiện về sự chăm sóc cho đô thị - di sản và đô thị sinh thái, cái lõi quý báu của thành phố Huế tương lai.

Người viết bày tỏ hy vọng: đô thị - di sản, đô thị của văn minh kiến tạo sẽ được ứng xử văn hóa. 

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo