Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Dự thảo Nghị định Cải tạo chung cư cũ: Cần tôn trọng quy hoạch

Dự thảo Nghị định Cải tạo chung cư cũ: Cần tôn trọng quy hoạch

Viết email In

Sau khi Bộ Xây dựng ban hành Dự thảo Nghị định Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì đông đảo người dân cũng như giới kiến trúc sư đều bày tỏ quan điểm việc nâng tầng hay không khi cải tạo chung cư đều phải tôn trọng quy hoạch. 

Người dân nói gì

Hà Nội và TP. HCM là hai đô thị lớn nhất cả nước, hiện có khoảng 1.155 nhà chung cư cao 4 - 6 tầng và 10 khu thấp từ 1 - 3 tầng. Trong đó, có hơn 980 chung cư được xây dựng trước năm 1990 và tập trung tại các quận nội thành cũ. 

Tính đến nay, Hà Nội mới chỉ cải tạo thành công 14 chung cư cũ nhưng do có quá nhiều vướng mắc trong công việc xây dựng lại các chung cư cũ khiến công tác này bị đình trệ. 


Người dân các khu tập thể mong muốn khi được xây dựng lại thì chủ đầu tư cần đảm bảo người dân có các không gian công cộng như vườn hoa, sân chơi… 

Anh Trần Tuấn, một người dân đang sinh sống tại khu chung cư E6 Quỳnh Mai tâm sự: Chất lượng sống rất quan trọng, nếu tòa E6 này xây mới với chiều cao 10 hoặc 12 tầng thì số lượng dân cư là hợp lý, nhưng nếu chiều cao tòa nhà lên đến 20 hay 25 tầng thì không ổn. Khu vực vui chơi giải trí của trẻ con, người già đương nhiên giảm. Nhẽ ra cái sân 50m2 đó dành cho 100 người, nay 200 người sử dụng thì ai đứng, ai ngồi. Vậy nên, theo tôi, Nhà nước nên nghiên cứu kỹ các điều khoản để ràng buộc các chủ đầu tư khi nâng tầng xây nhà chung cư trước khi ban hành. 

Khu vực Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) là nơi tập trung nhiều khu tập thể cũ trên địa bàn. Chính vì vậy, việc Bộ Xây dựng ban hành Dự thảo Nghị định Cải tạo nhà chung cư được đông đảo người dân nơi đây quan tâm và góp ý. Chị Quyên, đang sinh sống tại nhà D15 cho hay: Mật độ cư dân sẽ tăng lên khi nâng tầng, không gian cây xanh cũng như sinh hoạt cộng đồng sẽ phải chịu tải thêm gấp đôi, thậm chí gấp 3 hiện nay. Không những vậy, đường sá, trường học, nơi đỗ xe... sẽ khiến chất lượng sống của người dân không được đảm bảo.

“Tôi nghĩ nên bắt buộc chủ đầu tư phải đầu tư xây dựng các công trình ngầm để sử dụng vào mục đích công cộng nhằm bù lại mật độ dân số khi nâng tầng, điều này các cơ quan chức năng phải xem xét. Việc xây dựng công trình ngầm này sẽ không tính vào hệ số sử dụng đất”, một người dân sinh sống tại khu tập thể C4 Giảng Võ cho hay.

Chị Nguyễn Thùy đang sinh sống tại nhà A7 khu tập thể Tân Mai thì bày tỏ sự ủng hộ: “Điểm đáng ghi nhận trong Dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng là vai trò chủ sở hữu các căn hộ chung cư được coi trọng và được tham gia trong suốt quá trình xây dựng lại chung cư. Các cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất trong dự án xây dựng lại nhà chung cư được tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh BĐS đầu tư vốn hoặc góp vốn để xây dựng lại nhà chung cư”. 

Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng

Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì việc nâng tầng cao tại các dự án cải tạo chung cư cũ cũng phải tuân thủ đúng quy hoạch. Với Hà Nội, không chỉ có quy hoạch chung xây dựng Thủ đô mà còn có Luật Thủ đô.

Cùng bàn về vấn đề này, Tổ chức HealthBridge là một tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng, theo đuổi và ủng hộ việc xây dựng các "Thành phố sống tốt" tại 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổ chức này đã có văn bản gửi đến Bộ Xây dựng để góp ý cho Dự thảo Nghị định Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Theo đó, việc tăng mật độ dân số tại các khu chung cư mới xây lại sẽ trực tiếp gây sức ép lên hệ thống hạ tầng đô thị vốn đang quá tải, đặc biệt là các hạ tầng xã hội như vườn hoa, sân chơi khu dân cư.

Với những e ngại trên, HealthBridge đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung các điều khoản quy định về mật độ xây dựng và các điều khoản liên quan khác để đảm bảo mật độ dân số của các chung cư mới xây dựng lại được kiểm soát và có đủ các cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu như vườn hoa, sân chơi khu dân cư dễ dàng tiếp cận trong khoảng cách đi bộ.

Tại Khoản 1 Điều 6 và Khoản 3, 4 Điều 8 của Dự thảo Nghị định cũng đã quy định việc công bố đại chúng về kế hoạch, quy hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng không chỉ đơn giản là việc công bố kế hoạch, quy hoạch khi chúng đã được duyệt.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị: Cơ quan chức năng bổ sung các điều khoản quy định về sự tham gia ý kiến của người dân, các tổ chức, cá nhân liên quan vào việc lập kế hoạch và quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo đúng Mục 2 Điều 20, 21 lấy ý kiến về quy hoạch đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị (Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12). 

Tương tự, KTS Nguyễn Thị Hiền (chuyên gia đô thị) cũng cho rằng: “Việc cải tạo các chung cư cũ nên nằm trong chương trình tổng thể của các tỉnh, thành phố. Chính quyền nơi đây cần tham vấn các chuyên gia, Hội Kiến trúc sư, nhà khoa học và phải có sự rà soát, lập ra kế hoạch toàn diện cho tất cả các chung cư và xác định rằng về mặt quy hoạch, chung cư nào được phép nâng tầng, chung cư nào giữ nguyên tầng, chung cư nào khi di dời đi thì di dời toàn bộ, để lại đất đó làm hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội cho người dân”. 

Vũ Quang 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo