Những siêu dự án hay công trình lớn khi được triển khai đúng cách và hiệu quả thường là những cột mốc đánh dấu sự phát triển của một quốc gia.
Trong tâm thức của người dân, ai cũng muốn đất nước hay địa phương mình phát triển tốt hơn.
Và khi lòng dân hay đại bộ phận công chúng cùng nhìn về một hướng với tinh thần tích cực sẽ rất có lợi cho quá trình phát triển. Chính vì vậy, khơi gợi niềm tự hào và hiệu triệu được lòng dân là vấn đề vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, dự án lớn.
Dự án sân bay Long Thành nhận nhiều ý kiến khác nhau trong thời gian qua - Ảnh: một góc phối cảnh sân bay Long Thành
Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy các siêu dự án hay chương trình quy mô lớn, nếu biết tận dụng, thường là những cơ hội tốt để tập hợp lòng dân, tạo ra kỳ vọng cho toàn xã hội cùng hướng về phía trước.
Có thể dẫn ra các công trình đã làm theo tinh thần ấy: Hệ thống đường bộ cao tốc ở thập niên 1950 và đưa người lên không gian vào thập niên 1960 ở Mỹ. Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc vào thập niên 1980. Cải tạo dòng kênh ô nhiễm ở giữa thành phố Seoul (Hàn Quốc) đầu những năm 2000...
Phần lớn công chúng ở các quốc gia này rất hồ hởi tiếp nhận những ý tưởng lớn dù luôn có một bộ phận khác phản đối. Số đông công chúng thường nói về những siêu ý tưởng với niềm tự hào đó không chỉ là công trình thiết thực mà còn là biểu tượng của đất nước, của một giai đoạn phát triển.
Xu hướng này có vẻ ngược lại ở Việt Nam trong mấy năm qua. Hầu hết siêu dự án hay công trình khi được đưa ra dường như nhận ý kiến phản đối nhiều hơn là đồng thuận.
Đây là điều rất đáng quan tâm ở ít nhất hai khía cạnh:
Thứ nhất, khi lòng dân không thuận, việc triển khai sẽ rất khó và khả năng thành công giảm rất nhiều. Thay vì tập trung triển khai dự án, những người có trách nhiệm liên quan sẽ phải dành một phần nguồn lực đáng kể ứng phó với những phản đối hay những vấn đề không đáng có.
Thứ hai, ngay cả khi thành công, những người phản đối sẽ không cảm thấy thoải mái vì họ đã hớ. Và như vậy dù dự án thành công, chủ dự án cũng gánh chịu một thất bại, đó là số đông phản đối trước đó khó hòa mình vào thành quả chung của dự án.
Có rất nhiều nguyên nhân làm công chúng không đồng thuận. Một trong số đó là cách thức lựa chọn và giới thiệu các ý tưởng, các dự án ra công chúng trong bối cảnh: sự lãng phí, những công trình vô bổ, những điều trái tai gai mắt còn phổ biến.
Nếu cảm nhận chung của số đông vẫn theo xu hướng hiện tại thì sẽ rất khó khơi gợi, hiệu triệu lòng dân vì một Việt Nam tiến nhanh hơn lên phía trước.
Như vậy, nếu các siêu dự án hay các chương trình lớn thật sự cần thiết đầu tư, có ý nghĩa đối với sự phát triển của một địa phương hay của đất nước thì phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và truyền thông đến công chúng rõ ràng, thuyết phục.
Nếu không, mọi chuyện sẽ rất khó được dư luận đồng lòng, ủng hộ!
Huỳnh Thế Du
(Tuổi Trẻ)
- Hai bờ sông Sài Gòn: Để "đất vàng" thành cơ hội vàng
- Dự thảo Nghị định Cải tạo chung cư cũ: Cần tôn trọng quy hoạch
- Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son
- Sông Hương trong cấu trúc đô thị di sản và đô thị sinh thái
- Đường Nguyễn Huệ chỉ nên 'đi bộ thời vụ'
- Chính sách di dân tái định cư dự án thủy điện từ góc độ xã hội học
- Thay thế 6.700 cây xanh Hà Nội: Vấn đề nhà nước với dân
- Nhìn những hàng cây, biết tương lai một thành phố
- Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Chủ đầu tư 'thắng', dân 'chết'
- Nhân xem phim La Zona, bàn về "gated community"