Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện Nhìn những hàng cây, biết tương lai một thành phố

Nhìn những hàng cây, biết tương lai một thành phố

Viết email In

Phát triển một thành phố cũng giống như đánh cờ. Mỗi nước cờ đều không thể vội vã bởi chi phí đầu tư, tác động tới con người, tới môi trường đều rất lớn và để lại hệ quả lâu dài. Trồng một hàng cây lấy bóng mát cần 10 năm, xây một khu đô thị mới nên hình hài cần 15-20 năm. Do đó những quyết định vội vã, ăn xổi ở thì trong phát triển đô thị có thể dẫn đến hệ lụy không lường trước và đầy lùi sự phát triển của thành phố hàng chục năm.  


Cây xanh trên một tuyến đường của Hà Nội bị chặt hạ để xây tàu điện trên cao. 

Bản án vội vã cho 6.700 cây xanh đã làm những người Hà Nội như tôi trải qua những ngày nhiều cảm xúc. Trước tin thành phố quyết định chặt hạ hàng nghìn cây xanh, chúng tôi bất ngờ. Khi được biết về mục tiêu “đồng bộ hóa” cây xanh, chúng tôi băn khoăn. Và cuối cùng, trước thái độ của lãnh đạo thành phố về việc thông tin cho dân biết và trả lời 21 câu hỏi chính đáng của báo chí, chúng tôi thực sự thất vọng. 

Phản ứng của người dân là có thể là cảm tính. Chúng xuất phát từ tình yêu với thành phố và từ tình cảm cho những hàng cây bao năm mang đến cho chúng tôi màu xanh mát và nhiều kỷ niệm. Những cảm xúc ấy cũng xuất phát từ cách làm và triển khai chính sách kém cỏi của chính quyền. Chặt 6.700 cây xanh là một chương trình lớn bởi nó thay đổi bộ mặt đô thị, thay đổi môi trường sống ngay vào thời điểm mà một mùa hè oi bức lại sắp tới. Với quy mô và thời điểm như vậy, bỏ qua ý kiến người dân là một việc thiếu cân nhắc. 

Thay vì công bố việc chặt cây chỉ vài ngày trước khi thực hiện, thành phố có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu về chương trình phát triển cây xanh qua các kênh triển lãm hoặc trang web để nói rõ những loại cây nào nên trồng, loại nào không nên trồng. Thậm chí thành phố có thể vận động người dân cùng tham gia xác định những cây đã bị sâu mọt, trồng sai quy cách để chặt hạ hoặc cắt tỉa. Một khi người dân có được thông tin đầy đủ và sự đồng thuận, thành phố có thể từng bước thay thế cây xanh. 

Chặt hạ đồng loạt là một giải pháp tồi bởi nó sẽ xáo trộn cảnh quan đường phố, ảnh hưởng tới đời sống đô thị và có thể dẫn đến một thất bại ở diện rộng nếu như những cây trồng mới không phù hợp với môi trường đô thị như nhiều nhà khoa học đã cảnh bảo. Thêm vào đó, thay thế cây xanh ở quy mô lớn đồng nghĩa trong tương lai, khi những cây này đến tuổi ‘về hưu’ thì thành phố lại phải chặt hạ chúng đồng loạt. Do đó trồng cây trong đô thị phải đa dạng về chủng loại, tuổi cây và khả năng chống sâu bệnh. 


Cây xanh vẫn được trồng trên một tuyến đường tương tự tại Singapore 

Cây xanh quyết định giá trị của một thành phố. Khi xưa toan tính chọn đất lập kinh đô, vua không chỉ nhìn thế đất mà còn nhìn cả cây cỏ để biết xứ đó có “tươi tốt phồn thịnh” hay không. Vua Trần Thái Tông khi lên ngôi (1251) năm đầu cũng cho trồng cây hai bên đường ở thành Thăng Long, sau này mới có phố Liễu Nhai (Giai) là phố trồng liễu, Hòe Nhai là phố trồng hòe.

Vai trò của cây xanh trong định vị giá trị của các thành phố càng được khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hóa. Giữa thế kỷ 19, thành phố trẻ New York, với tham vọng cạnh tranh với Paris và London đã giành ra 341 hecta giữa lòng Mahattan để xây Công viên Trung tâm, biến một đô thị đông đúc thành nơi đáng sống hơn và “con người trở nên cao thượng hơn bởi được gần gũi với thiên nhiên.” Năm 1963, thủ tướng Lý Quang Diệu của hòn đảo bé nhỏ Singapore mới giành độc lập đã phát động chiến dịch trồng cây với tầm nhìn: “biến Singapore thành một ốc đảo (xanh) ở Đông-Nam Á, […] nhờ vậy mà các doanh nhân và du khách sẽ chọn chúng ta làm nơi đặt cơ sở cho doanh nghiệp và những chuyến đi của họ trong vùng.”

Khi việc trồng cây đã là một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, việc đầu tiên mà các chính quyền đô thị khắp thế giới thực hiện là thiết lập cơ quan chuyên trách về công viên và cây xanh. New York có Sở Công viên. Singapore có Ủy ban Công viên Quốc gia. Những cơ quan này không chỉ có trách nhiệm phủ xanh một thành phố, họ còn bảo tồn các giá trị thiên nhiên bản địa, tạo ra những không gian ngoài trời cho người dân sinh hoạt cộng đồng và nâng cao thể chất. Những cơ quan này có tiếng nói độc lập với sở giao thông và sở xây dựng/quy hoạch để đảm bảo rằng phát triển một đô thị không đồng nghĩa với hy sinh cây xanh và môi trường. Việc thiếu vắng một cơ quan chuyên trách như vậy và phó mặc chức năng trồng cây cho sở giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến diện tích cây xanh trên đầu người ở Hà Nội và Tp. HCM ngày càng giảm sút, xuống dưới 2 m2 trong khi tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc là tối thiểu 10 m2 cây xanh/người. 

Cây xanh có thể dự báo tương lai của một thành phố. Nghiên cứu tại Singapore và Mỹ cho thấy thành phố có nhiều cây xanh có thể giảm nhiệt độ ngoài trời khoảng 4oC, giảm chi phí năng lượng khoảng 12%, giảm độ bụi 13%, tăng các giao dịch thương mại thêm 12% và giá trị đất đai 23%. Một thành phố có nhiều cây xanh do đó sẽ là nơi trong lành để sinh sống và hấp dẫn để đầu tư. Liệu Hà Nội và các thành phố khác có muốn trở thành một đô thị như thế? 

Nguyễn Đỗ Dũng 

(Bài đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 22/03/2015)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo