Nhìn lại sự thay đổi về hạ tầng của thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) sau nửa năm mở rộng thêm diện tích, kéo dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Hương. Với diện tích mở rộng gấp 4 lần, thành phố Huế trong hình hài mới trải dài từ đồi núi cho đến biển, dân số đông gấp đôi so với trước đây.
Từ chuyện di dời dân
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2021 liên quan đến sự thay đổi diện mạo của thành phố Huế là việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án di dân.
Hơn 3.100 hộ dân thuộc sống quanh khu vực di tích hoàng thành Huế đã được di dời.
Khoảng 85% số tiền với gần 1.100 tỉ đồng đã được giải ngân. 8 dự án hạ tầng kỹ thuật lớn đã được hoàn thành diện tích xây dựng 63,16 ha với 2.700 lô đất, hệ thống đường giao thông, những ngôi nhà được xây dựng tuân theo thiết kế mẫu với từng tuyến phố, hướng đến hình thành các khu tái định cư xanh, sạch, sáng, kiểu mẫu của thành phố.
Đó là những con số ấn tượng cho một quá trình dài trong 3 năm từ 2019-2021 trong giai đoạn 1 của dự án di dời dân cư khu vực I kinh thành Huế.
Một góc phố cổ Bao Vinh và huyện Hương Trà nhìn từ trên cao. Huyện Hương Trà nay thuộc thành phố Huế sau khi mở rộng. (Ảnh: Minh Kiệt /Ashui.com)
Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế, cho biết với sự nỗ lực của đơn vị thi công, chất lượng của khu tái cư ở khu dân cư Bắc Hương Sơ cho người dân chuyển đến sinh sống được đảm bảo, hạ tầng hiện đại, đảm bảo mỹ quan.
“Người dân trong dự án khi đến nơi ở mới khang trang với cuộc sống thực sự đổi thay tích cực so với nơi ở cũ, thoát nghèo bền vững. Song song với đó, bộ mặt kinh thành Huế sẽ được trả lại nguyên hiện trạng, được bảo tồn và phát huy giá trị… Từ đó phát triển du lịch, thu hút du khách gần xa”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, cho hay.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế, trong giai đoạn 2 (2022 – 2025) của dự án sẽ có 1.954 hộ dân được di dời. Tổng kinh phí để triển khai giai đoạn 2 là 1.760 tỉ đồng.
Đến nâng tâm đô thị
Theo lãnh đạo Huế, một trong những nguyên nhân có thể thực hiện việc di dời lịch sử này là do thành phố Huế hiện tại đã có đủ không gian phát triển đô thị và đồng thời mang lại những cơ hội to lớn cho sự bảo tồn các giá trị di sản, phát triển kinh tế – xã hội thành phố. Đây sẽ là tiền đề để Huế thực sự là đô thị động lực trung tâm, “hạt nhân” của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai.
Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế, cho biết thành phố đã có những phương án đầu tư hạ tầng phù hợp trong thời gian sắp tới và bộ mặt đô thị Huế sẽ có sự thay đổi lớn hướng đến môi trường xanh – sạch – sáng hơn.
Ông Nhật cho biết thêm năm 2022, nhiều dự án đầu tư, mở rộng ở các khu vực đô thị cũng được lãnh đạo tỉnh, thành phố có chủ trương. Cụ thể, thành phố sẽ thực hiện 6 chương trình và 8 dự án trọng điểm, bao gồm chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; đưa 3 xã Phú Dương, Phú Mậu và Thủy Bằng thành 3 phường; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; chương trình di dời các hộ dân trong khu vực I kinh thành Huế; đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực thành phố Huế mở rộng…
Bên cạnh đó, Huế cũng sẽ phát triển kinh tế gắn với du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển theo các lĩnh vực kinh tế đêm gắn với ngày, kinh tế biển – đầm phá, kinh tế nông nghiệp; thực hiện hiệu quả đề án phố đêm Hoàng thành; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của phố đi bộ Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu.
Nhân Tâm
(KTSG Online)
- Sử dụng không gian công cộng thời Covid-19: Giải pháp ngắn hạn
- Cầu Thủ Thiêm 2 trước thời điểm hoàn thành
- Sốt đất: “tội đồ” và giải pháp
- Cần nguồn tài chính "khổng lồ" để hiện thực hoá tham vọng phát thải ròng bằng “0”
- Cõi hoang dại của thành phố
- Diện mạo Thủ Đức sau một năm lên thành phố
- Màu ngoại ô cao nguyên
- Không dễ để trở thành đô thị di sản
- Phía sau cuộc đua đấu giá đất lên đỉnh ở Thủ Thiêm
- Xe đạp, không chỉ là xe đạp!