Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Góc nhìn Nhớ tiếng leng keng tàu điện năm nào

Nhớ tiếng leng keng tàu điện năm nào

Viết email In

Trong những thanh âm phố Hà thành, có lẽ, ấn tượng nhất với tôi và nhiều thế hệ chính là tiếng “leng keng” của tàu điện. Dường như, tàu điện góp phần làm nên phong vị riêng có của mảnh đất kinh kỳ.

Tàu điện xuất hiện ở Hà Nội năm 1901 với tuyến xe đầu tiên dài khoảng 18 km. Sau này, các tuyến xe được mở rộng, tỏa dần từ nội đô ra các cửa ô. Có một điều khá thú vị, hệ thống tàu điện thời đó chỉ có một ngã ba giao nhau duy nhất ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, đầu phố Cầu Gỗ - Hàng Gai. Tại điểm giao cắt ngã ba có một đường xuống Bạch Mai, chợ Mơ, một đường đi Bưởi, một đường chạy thẳng vào Hà Đông. Vì vậy, dù khách lên bất cứ tuyến tàu điện nào, lạc đi đâu, rồi cuối cùng vẫn trở về Bờ Hồ. Đặc biệt, có một tuyến xe điện chạy độc lập mà không qua Bờ Hồ, đó là tuyến xe từ Ngã Tư Vọng đi Yên Phụ. Tuyến xe điện bắt đầu từ phố Vọng, chạy qua ga Hàng Cỏ, rồi đến phố Cửa Nam, rẽ ra Hàng Bông, Phùng Hưng, qua Hàng Cót, Hàng Than và tuyến cuối kết thúc ở Yên Phụ.


(Ảnh minh họa /Nguồn: Internet)

Khi mới xuất hiện, tàu điện thu hút sự chú ý của người dân đất kinh kỳ bởi sự thuận tiện, an toàn. Mọi người khá ngạc nhiên khi thấy đầu tàu kéo theo nhiều toa đằng sau như tàu hỏa mà không chạy bằng than. Con tàu cứ thong thả chạy trên đường ray, mỗi khi đến khúc quanh, người phụ tàu nhanh nhẹn cầm một thanh sắt chạy xuống, "bẻ" hướng tàu đi theo lộ trình. Đây chính là lúc tiếng “leng keng” reo lên rộn rã.

Thời gian qua mau, nhiều bạn trẻ sinh sau thập niên 90 không biết rằng, Hà Nội từng có tàu điện, một loại phương tiện có bánh sắt, chạy trên đường ray. Nhưng với những người thuộc thế hệ trước, tiếng “leng keng” tàu điện lưu lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí họ. Nhà tôi ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), nơi có tuyến tàu điện chạy qua ngược xuôi mỗi ngày. Mấy bạn trai học cùng trường thường nhảy lên tàu điện một đoạn từ Văn Miếu lên đến gần ngõ Quan Thổ thì nhảy xuống để vào trường. Con gái chúng tôi chỉ biết nhìn theo chứ chưa bao giờ dám mạo hiểm thử trò đó. Ngày đó, Hà Nội có một số trường Đại học khu vực Cầu Giấy, ngoại thành nên rất nhiều sinh viên chọn tàu điện làm phương tiện để đi học. Đến giờ, chắc hẳn những kỷ niệm thú vị khi đi tàu điện thời sinh viên vẫn còn được lưu lại trong ký ức nhiều người.

Tàu điện cũng là phương tiện được nhiều người ưu tiên lựa chọn để đi chơi. Cuối tuần, thi thoảng, mẹ tôi lại cho hai anh em đi tàu điện lên Bờ Hồ ăn kem Tràng Tiền. Tôi mãi nhớ cảm giác vui sướng khi ngắm phố trôi chầm chậm qua ô cửa nhỏ của con tàu. Một điều khiến tôi đặc biệt thích thú khi đi tàu điện hồi đó là được xem những gánh hát xẩm biểu diễn tại đây. Đặc thù biểu diễn trên tàu điện luôn phải chuyển tàu, chuyển toa nên các nghệ sĩ thường hát những bài ngắn, nội dung phong phú, tránh gây nhàm chán cho khách. Xẩm tàu điện được nhiều khách đi tàu yêu thích bởi lời bài hát gần gũi với những người lao động trong xã hội.

Giờ đây, Hà Nội có thêm nhiều loại phương tiện giao thông hiện đại. Tôi đã cùng bạn bè trải nghiệm cảm giác đi tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông. Hệ thống bán vé khá hiện đại và gần giống với một số nước bạn mà tôi đã tới. Thay cho những chiếc vé bằng giấy cũ kỹ ngày xưa là chiếc thẻ từ với hệ thống soát vé tự động. Hiện nay, tuyến tàu điện trên cao đang áp dụng cách trả tiền theo chiều dài khách đi với giá vé khởi điểm 7.000 đồng. Với chiều dài 13,5 km, qua 12 nhà ga, nếu bạn đi một mạch mà không dừng từ ga Cát Linh (quận Đống Đa) tới ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) chỉ với khoảng thời gian chưa tới 30 phút. Tuy nhiên, chúng tôi chọn cách thong dong ngắm phố, và dừng lại tại một số bến để chụp ảnh, nghỉ ngơi với những trải nghiệm thực sự thú vị. Phố Hà Nội hiện ra qua khung cửa sổ của tàu điện trên cao thật đẹp và có chút gì vừa lạ vừa quen. Khi dừng lại ở bến cuối, mỗi người trong chúng tôi đều lưu giữ một cảm xúc đáng nhớ cho riêng mình.

Năm tháng trôi, nhưng hình ảnh tàu điện cùng tiếng leng keng vẫn luôn in dấu trong tâm trí nhiều thế hệ đã từng sống tại mảnh đất kinh kỳ.

Vy Anh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo