Tại kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, đã có nhiều đại biểu bày tỏ trực tiếp nỗi lo ngại lợi ích của một số cá nhân đang tác động lên những quyết sách chung. Việc lên kế hoạch xây dựng trục Thăng Long hay việc chuyển khu hành chính lên Ba Vì mà nhiều đại biểu cho là không cần thiết, trước đó đã giúp nhiều nhà đầu tư đẩy giá đất lên cao chỉ trong một thời gian ngắn. Không biết bao nhiêu người đã hưởng lợi từ kế hoạch chỉ mang tính phác thảo này. Và sau đó không biết bao nhiêu người đã mất những khoản tiền khổng lồ khi kết quả thảo luận tại hội trường Quốc hội không diễn ra như nhà đầu tư mong muốn.
Thật đáng tiếc, ngoài lợi ích cá nhân, chính quyền nhiều địa phương cũng chăm chăm vào việc thu hồi, đền bù, giải tỏa đất đai, gây xáo trộn cho đời sống người dân chỉ vì họ thấy số tiền thu được từ đất đai đang làm cho ngân sách địa phương vượt thu nhanh chóng.
Thử nhìn lại ngân sách năm 2009, con số thực thu tăng đến 51.690 tỉ đồng so với tổng thu dự kiến đã báo cáo với Quốc hội trước đó. Nhưng đáng ngạc nhiên nhất, chiếm phần rất lớn trong con số tăng thu này là 14.370 tỉ đồng, thu từ nhà đất. (Nên nhớ, tăng thu từ khu vực quốc doanh chỉ là 2.430 tỉ đồng, từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 4.880 tỉ đồng).
Chính Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi Trẻ - “Vượt thu chủ yếu nhờ bán đất”, đã cho biết: “Nhiều địa phương đã tập trung đẩy nhanh việc đấu giá quyền sử dụng đất, kịp thời giao đất và thu tiền sử dụng đất phát sinh. Do vậy, số thu tiền sử dụng đất năm 2009 đạt mức cao nhất trong những năm gần đây”.Chiến lược quản lý đất nước không chỉ nhắm đến một, hai mục tiêu trước mắt. Tăng thu ngân sách là một mục tiêu tốt, nhằm giảm áp lực bội chi, địa phương lại có nguồn thu để phát triển. Tuy nhiên, như Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định, “việc tăng thu từ nguồn đất đai cũng sẽ kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế - xã hội”, lợi ích từ tăng thu ngân sách có thể bị triệt tiêu nếu việc quản lý đất đai không khéo, dẫn đến hàng loạt người dân mất phương tiện sinh kế, cuộc sống xáo trộn, mọi cơ sở an sinh xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, môi trường phải làm lại từ đầu.
Thật ra, mục đích tăng thu ngân sách từ đất đai và mục đích phát triển kinh tế - xã hội không đối chọi nhau, không triệt tiêu lẫn nhau, thậm chí còn hỗ trợ cho nhau. Cái khó là làm sao ngăn chặn được hiện tượng lạm dụng chính sách để tư lợi cá nhân và quan trọng hơn, lãnh đạo địa phương không vì lợi ích trước mắt mà quên đi những chi phí tương lai sẽ phải gánh chịu nếu không hài hòa lợi ích của người dân bị giải tỏa, thu hồi đất với lợi ích thu ngân sách. Để làm được điều này vẫn không có gì khác hơn ngoài sự minh bạch và sự tham gia của các tầng lớp xã hội. Tầm nhìn của người lãnh đạo để phân biệt được lợi ích ngắn hạn và lợi ích dài hạn chỉ có thể được phát huy và củng cố nhờ sự giám sát của công luận và sự tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của người dân.
Vân Cầm
>>
- Làng trong phố
- Phát triển kinh tế biển Việt Nam: Quy hoạch chưa "ngon"
- Hà Nội: Điểm đỗ xe ô tô - nỗi khổ của người giàu
- Khám phá bản đồ đường nước "tự phát" giữa lòng Hà Nội
- Độc đáo làng cổ Lộc Yên
- Hà Nội còn bao nhiêu phố “Hàng” góp cho Đại lễ?
- Dân chung cư cũ ở Nam Định: Chung sống với nỗi sợ
- Khi ODA là dự án dân sinh
- Chúng tôi viết bài: “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng”
- Giá trị thực của bất động sản: Khách hàng quyết định