Trên miên man triền đồi bát úp vùng trung du xã Tiên Cảnh huyện núi Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam), nhấp nhô những ngôi nhà gỗ cổ có phong cách kiến trúc riêng và cảnh quan đặc sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ – đó là làng nhà cổ Lộc Yên.
Dù đã hàng trăm năm tuổi nhưng ngôi làng vẫn tồn tại vẻ đẹp độc đáo và giá trị văn hoá đặc trưng thuần Việt.
Làng nhà cổ trên lưng đồi
Theo dòng sông mẹ Thu Bồn ngược lên huyện miền núi Tiên Phước sẽ bắt gặp làng nhà cổ Lộc Yên trên lưng chừng đồi. Không ít người vẫn “nhầm” rằng ngôi nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng toạ lạc ngay ngã ba Tiên Cảnh được công nhận di tích cấp quốc gia chỉ nhờ vào “ăn theo” danh tiếng chí sĩ. Sự thật không hẳn vậy.
Di tích quốc gia nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng là ngôi nhà cổ loại đặc biệt.
Trong hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử – văn hoá, đấy còn là một di tích kiến trúc nhà cổ loại đặc biệt có tuổi đến ngót 200 năm, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc nhà cổ dân gian truyền thống miền trung du và phía nam tỉnh Quảng Nam.
Cụ Huỳnh Toản, năm nay gần 90 tuổi, cháu nội cụ Huỳnh Thúc Kháng, hiện đang giữ hương hoả nhà lưu niệm, cho biết, chỉ trừ mái tranh đắp đất sét theo kiểu nhà mái lá miền Trung nay đã được thay thế bằng ngói lợp, toàn bộ ngôi nhà dẫu trải bao năm tháng đổi dời vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn, nhờ bởi kết cấu đặc biệt của kiểu nhà cổ ở vùng này.
Hàng chục ngôi nhà gỗ cổ hàng trăm năm tuổi ở làng Lộc Yên xã Tiên Cảnh mang phong cách kiến trúc nhà rường truyền thống gồm ba gian, hai chái đầu hồi, nhưng theo một lối riêng hết sức độc đáo, gọi là nhà “tam đoạn” (còn gọi là kẻ chuyền): kèo có ba phần kết cấu là kèo lòng nhất, kèo lòng nhì và kèo lòng ba gối đầu nối tiếp từ cột cái (nóc), qua cột quân, rồi xuống cột muống (hiên). Các trính (còn gọi là trến, quá giang) được đẽo khắc uốn lượn, cùng với trỏng quả (con đội) chạm nổi hình con dơi bay xuống, và gia thu (hai cánh trang trí hai bên trỏng quả) của kèo nóc khiến kết cấu gỗ ở chính thất hết sức sinh động.
Trên hai kèo đầu hồi còn trang trí bức cuốn chạm hình cuốn thư cách điệu, và ở mặt dưới kèo lòng ba chạm các cảnh thú rừng như nai, sóc... rất chi tiết, lộ rõ nét tài hoa của phường thợ. Trên những phiến đá tảng đặt chân, những hàng cột gỗ tròn to bằng vòng tay người ôm đều được làm từ gỗ lâu năm như mít nài cổ thụ trên núi. Theo các nhà nghiên cứu, kiểu thức nhà rường, kết cấu “tam đoạn” và điêu khắc tinh xảo, hiện còn gần như nguyên trạng khiến làng nhà cổ này có giá trị “độc nhất vô nhị”.
“Thiên đường” du lịch làng quê
Nhưng Lộc Yên không chỉ có quần thể những ngôi nhà cổ mà còn là không gian tổng thể, đã tạo nên vẻ đẹp đặc trưng và bình dị của một ngôi làng di sản. Lộc Yên cũng được mệnh danh là xứ sở của những ngõ đá độc đáo, xinh xắn, nhiều tầng bậc và khúc quanh chạy giữa vườn cây xanh um, được xếp từ những viên đá chẻ nhỏ, bó vỉa hai bên cũng bằng những viên đá.
- Ảnh bên : Những ngõ đá đặc trưng của làng di sản trên lưng đồi.
Cuối ngõ, trên vùng bình địa cao nhất, thấp thoáng bóng mái rêu những ngôi nhà cổ nằm ẩn khuất giữa bóng râm vườn đồi. Đại gia đình các cụ ông Anh, Bút, Minh, Hoàng, Tiến, Phong hay cụ bà Tuân, Hường đều quần tụ 3 – 4 thế hệ sống chung trong ngôi nhà cổ, sinh nhai bằng nghề làm vườn. Người làng Lộc Yên làm kinh tế vườn đồi cũng có nét riêng, lấy ngắn nuôi dài, hình thành một “không gian ba tầng”: thấp dưới là các loại cây ngắn ngày thơm, rau, củ..., tầng giữa gồm các loại cây ăn quả mít xoài ổi, mận... và trên cùng là cây lưu niên quế, tiêu, dừa...
Đến Lộc Yên, dạo bước trên những ngõ đá rêu xanh, ngợp hồn trong bóng vườn cây trái sum suê, nghe tiếng gió ngàn chạy dài qua những triền đồi, và soi bóng mình trong bóng nhà gỗ cổ mang đậm lên nước theo thời gian, trong lòng người bỗng lắng đọng cảm xúc về cuộc đời.
Vẻ đẹp độc đáo thuần Việt của ngôi làng vẫn mặc nhiên tồn tại lâu nay, chứa đựng những giá trị văn hoá vừa vật thể lẫn phi vật thể, lại là những di sản động mang hơi thở cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của con người. Sau khi vẻ đẹp ấy được “phát hiện lại”, trong mấy năm trở lại đây, ngành văn hoá – thể thao – du lịch Quảng Nam đã lên kế hoạch xây dựng một chương trình du lịch sinh thái làng quê đầy tham vọng, không chỉ là tham quan theo kiểu “đến rồi đi” mà hoàn toàn có thể lưu trú theo kiểu du khách hoà nhập vào không gian sống của làng, làm cư dân thực thụ của làng.
Ông Lê Trí Hiệu, phó chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, huyện đang triển khai đề án nghiên cứu tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị làng Lộc Yên theo hướng xây dựng làng du lịch sinh thái để có thể vừa gia tăng thu nhập của dân làng vừa huy động nguồn lực bảo tồn các ngôi nhà cổ trước cơn lốc thị trường mua bán chuyển dời nhà cổ.
Bài và ảnh: Vương Hằng Sa
- Hà Nội : Phố xá ngổn ngang như đại công trường
- Làng trong phố
- Phát triển kinh tế biển Việt Nam: Quy hoạch chưa "ngon"
- Hà Nội: Điểm đỗ xe ô tô - nỗi khổ của người giàu
- Khám phá bản đồ đường nước "tự phát" giữa lòng Hà Nội
- Chuyện đất, nhìn từ góc độ ngân sách
- Hà Nội còn bao nhiêu phố “Hàng” góp cho Đại lễ?
- Dân chung cư cũ ở Nam Định: Chung sống với nỗi sợ
- Khi ODA là dự án dân sinh
- Chúng tôi viết bài: “Băm nát quy hoạch trước ngày Thủ đô mở rộng”