Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Góc nhìn Nước mắt đời thợ xây

Nước mắt đời thợ xây

Viết email In

Phần lớn thợ xây là lao động nông nhàn, mang tính chất thời vụ, không được đào tạo bài bản, chỉ dựa vào kinh nghiệm thực tế mà từ phụ hồ lên thợ chính. Nghề thợ xây được coi là dễ kiếm việc, bởi ở đâu có công trình thì ở  đó “thiếu” thợ. Chỉ cần có sức khoẻ đều có thể làm được, mới thì xách vữa, bốc xi, xúc cát trộn bê-tông, quen tay thì phụ hồ.

Công việc nhiều lắm, làm không hết…nay đây mai đó là chuyện thường, chủ bảo đi đâu thì đi đó thôi ! Miễn lương giả đủ là được”, anh Nguyễn Văn Sơn (Cẩm Giàng - Hải Dương) tâm sự. Lang bạt công trình khắp miền, có không ít thợ đã 5-7 năm không về quê, bởi chẳng đủ tiền, hoặc nhiều lý do khác…

Những nhóm thợ trong khu đô thị Văn Phú, Văn Khê nói riêng và thợ trên các công trình Hà Nội nói chung hầu hết là thợ tự do, mang tính chất mùa vụ. Những tốp thợ này không mang tính chất pháp lý, giấy phép hành nghề, không chịu bất cứ sự ràng buộc nào của pháp luật, không có bảo hiểm công trình - công nhân, không đảm bảo an toàn lao động…

Đông đảo nhất phải kể đến những tốp thợ ở Thanh Hoá, Nghệ An ra đây hành nghề, lên tới cả ngàn người rải đều khắp Hà Nội. Những nhóm thợ tự do thường không giành được những công trình lớn bởi chưa có chữ tín, và thường “bắt chẹt” chủ với giá công trình cao. Nhiều nhóm thợ chia nhau đi nhận công trình, chạy sô cùng lúc 4 - 5 nhà… Vừa “bó” về thời gian, vừa thiếu quân, thiếu phương tiện thi công vì thế thợ sống “dặt dẹo” nhẩy công trình khá nhiều.

Chất lượng thợ không đảm bảo, sự thiếu hiểu biết trong nhiều hạng mục  dẫn đến sự co giãn trong kết cấu nhà ở, chất lượng công trình giảm. Nguy cơ sập, đổ nhà, tai nạn lao động không thể tránh khỏi.

Với các công trình nhỏ, người dân tự tìm đến thợ ở “chợ lao động”, rồi ký hợp đồng công trình đàng hoàng. Nhiều hạng mục xây dựng trong điều kiện “không cho phép” phải xây chui, ngày làm không được phải tranh thủ làm đêm. Bám lấy cái khó của chủ nhà, “cai” phải dùng mánh khoé của mình, “đáng lý ra đổ trần phải đủ 21 ngày thì bê-tông mới đảm bảo chắc, thì đằng này các bố đổ xi - măng đông cứng vào chỉ cần 1-2 ngày là xong”, thợ N.V.Hồi (Bắc Giang) nhăn nhó.

Tai nạn, chuyện cơm bữa

Đi dọc tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến kéo dài len sâu vào các khu đô thị đang xây ở Nam Thăng Long, Mỹ Đình, Văn Phú, Văn Khê, Nhổn …Ta thấy hiện diện một diện mạo mới của TP. Nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng đó những người thợ hồ vẫn lao vào cuộc sống mưu sinh đầy rủi ro. 

Công trình càng lớn thì độ nguy hiểm càng cao. Mũ cứng chẳng có, ngực trần phơi mưa nắng. Nhiều thợ phó mặc mạng sống của mình trên những tấm cốp- pha mỏng dính, đu mình với sợi dây thừng trên độ cao hàng chục mét, bán cả mạng sống với giá “chục nghìn”…

Chuyện máu đổ ở công trường như cơm bữa, gạch rơi, ngã giàn giáo… là chuyện thường chú ạ”, chị Nhường (Hoài Đức - Hà Nội) bộc bạch. Nhiều chị em đã phát kiến ra ý tưởng độc đáo lấy “băng vệ sinh” lót vào trong găng tay, vừa êm khi bưng vác nặng, lỡ có chảy máu thì công dụng của nó được phát huy.

Khi được hỏi về hợp đồng lao động giữa chủ và thợ, nhiều cai đã lảng tránh chúng tôi. Gạ gẫm mãi, rào trước đón sau chuốc vài cút rượu cai Chiểu “chấy” mới dần “bật mí”. “Có việc làm là tốt lắm rồi, rủi ro thì ở đâu chẳng có, bây giờ mà ký hợp đồng thì chết cả “lút”, nhỡ xảy ra tai nạn người nhà “ló” kiện thì toi”. Từ đầu năm tới giờ, quanh khu Hà Nội có khoảng hơn 30 vụ TNLĐ gây thương tật, thợ hồ chết chỉ vài vụ, như thằng Bình (Bắc Giang), lão Huy (Nghệ An)… “sống chết nó có số rồi, đấy là tớ tính sơ sơ mấy vụ mà tớ biết đấy, chứ muốn thêm cậu phải sang mấy chỗ khác”, cai Phiên (Vấn) kể.

Khi xảy ra tai nạn, công nhân chính là người “chịu án”. Tại một số công trường đã xảy ra những cái chết thương tâm chủ yếu là thợ hồ rơi giàn giáo, gạch rơi trúng đầu, điện giật... Những cái chết đó được chủ thầu “giấu nhẹm” đi rồi đưa ra những thoả thuận miệng để sự việc chìm vào im lặng. Nhiều chủ công trình “bịt miệng” người nhà với giá 30-40 triệu gọi là tiền “phí hỗ trợ mai táng”. Những cái chết oan ức đó bị chủ thầu “dìm” đi, chỉ có người lao động là chịu thiệt thòi, nhọc nhằn, cơ cực và khi đó cơ quan chức năng khó mà phát hiện ra.

  • Ảnh bên : Làm việc không có bảo hộ lao động là chuyện bình thường của họ.

Nhiều tốp thợ “đồng hương” đoàn kết hợp lại thành những đội xây với quy mô, bài bản hàng trăm thợ như đội Yên Thành (Nghệ An), Yên Mô (Ninh Bình), Hiệp Hoà (Bắc Giang)... “Khi xảy ra sự cố anh em trong công trình sẵn sàng bỏ việc đòi công bằng, “nháy” cho tốp thợ khác không được tới đây làm, khiến chủ thầu bị cô lập, phải đền bù cho công nhân thoả đáng”, chú Trung thợ nề tâm sự.

Nhưng đâu phải thợ công trình nào cũng làm được thế. Tai nạn lao động thì vẫn hiện hữu từng giờ trên mỗi công trường. Sự cố gây chết người dường như “là chuyện thường ở phố huyện” đối với công nhân ngành xây dựng. Song cũng không thể trách họ, vì cuộc mưu sinh họ đang phải đánh đổi cả máu và nước mắt kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình mình.

Men theo con đường sình lầy, nhấp nhô sỏi đá tiến thẳng tới đại công trường bên trong khu đô thị Văn Phú (Hà Đông - Hà Nội) chúng tôi bắt gặp một toán thợ đang túm tụm ăn bữa trưa. Dăm ba câu chuyện hỏi han về đời thợ bên bữa cơm đạm bạc, người già nhất trong đám thợ, lão Hưng  nhấp chén rượu, khà một hơi, thủng thẳng nói: “Đi làm từ ngày còn xanh tóc, giờ bạc trắng rồi đã bao giờ tôi thấy mặt ngang mũi dọc cái bản hợp đồng lao động nó thế nào đâu”.

Vũ Quang

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo