Ashui.com

Thursday
Oct 31st
Home Tương tác Góc nhìn Trùng tu từ cái tâm

Trùng tu từ cái tâm

Viết email In

Sự xuống cấp của các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn TPHCM được đặt trong tình trạng báo động vì có không ít di tích thành phế tích, dấu tích bị mất tích. Báo động thì phải hành động, thành phố đã triển khai đề án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá giai đoạn 2006 - 2020.

Số tiền hơn 353 tỉ đồng sẽ được chi ra để tu bổ, tôn tạo 27 di tích, trong đó có 12 di tích lịch sử, kiến trúc, khảo cổ cấp quốc gia, trong giai đoạn từ nay đến năm 2016.

Có di tích nhưng để bị hoang tàn, một phần do các yếu tố khách quan như thời tiết, chiến tranh, nhưng một phần là do sự phá hoại của con người - chủ nhân của những tài sản vô giá đó. Có những di tích bị lãng quên do con người không có ý thức gìn giữ, có những di tích bị khai thác không vì lợi ích chung mà vì quyền lợi riêng, cũng có những di tích, dấu tích bị xóa sổ vì phục vụ một công trình, dự án kinh tế của một doanh nghiệp. Sự đối xử thô bạo với di tích như vậy  không riêng ở TPHCM mà phổ biến cả nước.

  • Ảnh bên : Phụng Sơn Tự (Chùa Gò) trên đường 3 Tháng 2 - một di tích văn hóa bị các quán cà phê lấn chiếm buôn bán trông rất nhếch nhác (Ảnh: SGGP)

Di tích bị hư hại thì phải trùng tu, bảo tồn. Tiền ngân sách bỏ ra để thực hiện các dự án trùng tu rất lớn.

Cũng không ít trường hợp, trùng tu là cơ hội để đục khoét, rút ruột. Người ta có thể dễ dàng kê khống để trục lợi khi trùng tu một di tích. Người ta cũng có thể dựa vào các yếu tố chuyên môn, mang tính đặc thù của công tác trùng tu di tích văn hóa lịch sử để “vẽ hươu vẽ vượn” cho các dự án. Lợi ích thì những người quản lý và trực tiếp thực hiện dự án thụ hưởng, thất thoát ngân sách thì Nhà nước, dân gánh chịu. Trên thực tế, có nhiều dự án trùng tu tốn kém rất nhiều tiền, nhưng đã để lại một chân dung di tích bị tân trang theo kiểu phấn son lòe loẹt, mất đi giá trị vốn có của nó, thật đau xót vô cùng.

Đối xử với di tích văn hóa, lịch sử thì con người phải có văn hóa và có lễ độ. Đứng trước một di tích, nhưng con người xem đó chỉ là những bức tường hay phiến đá vô tri  thì di tích khó có thể tồn tại. Hiện nay, nhiều di tích bị bao chiếm bởi hàng quán, thậm chí là nơi đổ rác, chỗ đi vệ sinh bừa bãi của những người thiếu ý thức. Sự hạn chế trong công tác quản lý, sự bất tài và vô tâm của một số người thực hiện các dự án trùng tu, cộng với sự thiếu văn hóa của một bộ phận người dân đã làm cho di tích của đất nước bị tàn lụi nhanh chóng.

Cho nên, để bảo tồn, trùng tu các di tích có hiệu quả thì trước hết cần phải trùng tu lương tâm của chính con người.

Lê Thanh Phong

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo