Ngay sau khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa thế giới, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và đại diện UNESCO đã nêu một số ý kiến về việc bảo vệ và phát huy giá trị vô giá của di tích này.
Kết quả xứng đáng sau biết bao nỗ lực
GS. Phan Huy Lê (ảnh bên) - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ít ai có thể hình dung quá trình lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới chỉ được thực hiện trong vòng 1 tháng. Điều này thể hiện rất rõ quyết tâm và nỗ lực của từng người nhận trách nhiệm tham gia lập hồ sơ. Tuy nhiên, để có bộ hồ sơ được các thành viên của UNESCO đánh giá cao như thế, các nhà khoa học đã dành 4 năm với tất cả tâm huyết và kiến thức để nghiên cứu những hiện vật đã phát lộ.
Nhận thấy giá trị độc đáo của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, UNESCO cũng đã cử chuyên gia người Nhật Bản, Italia, Pháp… cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu một cách toàn vẹn giá trị của Khu di tích. Và, khi đã bổ sung những chi tiết cần thiết vào hồ sơ, UBND TP Hà Nội đã gửi bộ hồ sơ ứng cử Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản thế giới tới UNESCO.
Thế nhưng, tại vòng xét duyệt thứ 2, hồ sơ đề cử đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử Di sản Văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong năm nay (2010). Tuy không phủ nhận những giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, song ICOMOS cũng không hoàn toàn thuận tình để Khu di tích này trở thành Di sản Văn hóa thế giới vì một số lý do như: Quy mô khu di tích quá hẹp, việc nghiên cứu và khai quật chưa sâu, việc quản lý và bảo tồn chưa bảo đảm...
Trước nhận định đó, các nhà quản lý và khoa học của Việt Nam có mặt tại Brasilia (thủ đô Brazil) tham gia kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới đã đưa ra những lập luận xác đáng và những cam kết chắc chắn, khẳng định lại giá trị cũng như những chính sách hợp lý để bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích. Và giờ đây, như mọi người đã biết, nỗ lực của chúng ta đã có được kết quả đáng tự hào. Đó là kết quả xứng đáng sau một chặng dài nỗ lực.
- Ảnh bên : Cổng Hậu Lâu, số 9 đường Hoàng Diệu thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: Hanoi Portal)
GS. TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ, Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới là thành quả không chỉ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà còn là sự tích lũy trí tuệ, công sức của nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Chính người dân mới là chủ thể đích thực, lâu dài, đồng thời là đối tượng tham gia trực tiếp bảo vệ di sản. Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung hãy phát huy vai trò chủ thể của mình, cùng các cơ quan hữu quan bảo vệ và phát huy giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long một cách bền vững nhất.
Theo PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản thế giới không chỉ làm cho hình ảnh Thủ đô đẹp hơn, ấn tượng hơn trong mắt bạn bè quốc tế, mà còn là "chiếc phanh" đối với những hành vi xâm hại di tích. Bởi, khi di tích đã được thế giới công nhận và tôn vinh thì việc lập quy hoạch tổng thể sẽ được tiến hành nhanh hơn. Khi đã có quy hoạch rồi, các tổ chức, cá nhân có bất kỳ hành động nào, dù là nhỏ nhất, có thể gây tác động tới di sản cũng phải chùn tay. Hơn thế, khi đã có quy hoạch thì việc huy động nguồn lực trong nước, quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng dễ dàng hơn.
- Ảnh bên : Bạn bè quốc tế chúc mừng Đoàn Việt Nam khi UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới ngày 1/8/2010 (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đối phó với các yếu tố khách quan này cần phải có các thiết bị chuyên dùng để theo dõi, giám sát từng biến động nhỏ nhất của di sản, mà thiết bị chuyên dùng của ta hiện chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn vừa thiếu, vừa yếu. Do đó, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều phía, trong đó có cả người dân.
Theo ông Phan Duy Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội thì sự toàn vẹn của di sản là quan trọng nhất. Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn di tích có một không hai này, trước mắt, Trung tâm sẽ phối hợp với các ngành chức năng trưng bày toàn bộ hiện vật khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành vào dịp Đại lễ nhằm giới thiệu với công chúng một cách tổng quan về Khu di tích. Tiếp đó, sẽ in các tờ rơi, tờ gấp và các ấn phẩm giới thiệu kỹ về giá trị, ý nghĩa của khu di tích để tuyên truyền, quảng bá. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là bảo đảm sự toàn vẹn cho khu di tích, có như vậy thì những cam kết của chúng ta với UNESCO về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản sẽ được thực hiện tốt hơn.
Bà Katherine Muller Marin (ảnh bên), Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nêu rõ, việc trở thành Di sản Văn hóa thế giới cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn và phát huy giá trị của Hoàng thành Thăng Long phải tuân thủ chặt chẽ những tiêu chuẩn của UNESCO, những tiêu chí sẽ giúp di sản sống mãi với thế hệ tương lai.
Theo bà Katherine Muller Marin, trước hết phải nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị của di sản, để người dân tự hào và thấy có trách nhiệm chung tay khám phá và bảo vệ di sản thông qua các chương trình truyền thông và giáo dục hấp dẫn. Những chương trình này cần phải thu hút cả sự quan tâm và ủng hộ của nhiều nhà văn hóa như nhà khảo cổ học, chuyên gia bảo tàng, kiến trúc sư không chuyên nghiên cứu về Hoàng thành.
Cần phải nhấn mạnh, việc bảo tồn di sản không có nghĩa là đối nghịch với phát triển cơ sở hạ tầng. Ban Quản lý cần phải phân loại công chúng để xây dựng những chương trình phù hợp với lứa tuổi, hiểu biết và sở thích. Ví dụ như đối với học sinh, chúng ta có thể tổ chức những trò chơi với những câu đố về Hoàng thành, tổ chức nói chuyện giới thiệu với các em trước khi đi tham quan để các em có hình dung cơ bản về khu di tích. Các hướng dẫn viên cũng cần phải được đào tạo đặc biệt để lôi cuốn khách du lịch không chỉ khám phá những giá trị vật thể như các cổng thành, cung điện hay hiện vật, mà là những câu chuyện, đời sống văn hóa của cha ông ẩn sau những di tích ấy.
Một điều quan trọng là cần phải xây dựng ngay một website, trong đó có những clip hình ảnh sinh động và các diễn đàn đóng góp của các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới.
Bà Katherine Muller Marin khẳng định UNESCO sẽ cùng Hà Nội và Việt Nam làm hết sức mình để quảng bá cho một Di sản Văn hóa thế giới chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị: - Thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, Đông và Nam khu di sản. - Hoàn chỉnh và phê duyệt kế hoạch quản lý cùng các chương trình cụ thể liên quan đến quản lý và thực hiện kế hoạch quản lý song song với tất cả các chương trình nhỏ nằm trong kế hoạch đó. - Bổ sung chương trình giám sát chi tiết vào kế hoạch quản lý, phù hợp với định hướng chung đề ra trong hồ sơ đề cử. - Có kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của những người tham gia bảo tồn di sản và có kế hoạch giám sát số lượng khách du lịch có khả năng tăng rất nhanh trong thời gian tới. |
Nguyễn Vũ (tổng hợp)
>>
- Nhìn lại Quy hoạch Hà Nội từ hơn 100 năm trước
- Bà Rịa – Vũng Tàu: 53 cảng biển nhưng mới chỉ có một con đường
- Mơ hồ phân loại cao ốc văn phòng
- Triển khai nghị định 71/CP về luật nhà ở: Cơ quan quản lý lúng túng
- Thương cho nhà cổ Huế mình
- Bãi biển của ai?
- "Hoà bình" ở chung cư cao cấp: bao giờ?
- Kiến trúc hôm nay phản ánh cái gì?
- Quản lý đô thị - phải nghiêm khắc
- Độc đáo phố cổ Tạ Hiện