Phải mất hàng chục năm với bao sức người sức của mới có thể nuôi sống và giữ gìn một cây xanh che mát và điều hòa không khí cho đường phố đô thị vốn đang nghẹt đặc bởi ô nhiễm, khói bụi - thế nhưng chỉ vì vài lợi ích cá nhân, các cư dân đô thị sẵn lòng thẳng tay "thảm sát" "những lá phổi của thành phố" một cách không thương tiếc…
Hiện tượng đang trở thành vấn nạn, khi hậu quả thì nặng nhưng chế tài thì nhẹ.
Triệt bằng mọi cách
Trảm ngọn, chặt cành, băm rễ, đổ nước sôi, trám xi măng quanh gốc, đốn hạ, thậm chí sử dụng cả hóa chất đổ vào gốc… là những thủ đoạn ra tay sát hại cây xanh đường phố diễn ra khá phổ biến trên địa bàn các thành phố lớn.
- Ảnh bên: Hai cây me 20 năm tuổi trước một nhà hàng đường Võ Văn Tần (TP HCM) bị chết khô do đổ hóa chất.
Tại TPHCM, giữa tháng 1/2012, trong lúc đi dạo, một cán bộ Sở GTVT phát hiện một nhóm người mặc đồng phục giống nhân viên cây xanh ra tay trảm ngọn, chặt cành hàng loạt cây long não trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Q.3 (đoạn trước cửa hàng Daiso). Thấy làm lạ, cán bộ Sở GTVT lập tức gọi điện cho lãnh đạo đơn vị duy tu và bảo dưỡng (Cty TNHH một thành viên cây xanh), thì được biết không có chủ chương chặt ngọn hàng loạt cây xanh này. Khi cơ quan quản lý cây xanh có mặt tại hiện trường thì nhóm người tự ý trảm cây xanh đã mất hút, để lại hàng loạt cây long não bị cắt cụt mất ngọn, trụi cành. Ông Hữu Hải - Phó Phòng Quản lý cây xanh Khu Quản lý GTĐT số 1 thuộc Sở GTVT - nhận định, vụ chặt phá cây long não này có thể xuất phát từ việc tán cây xanh che khuất bảng hiệu của cửa hàng.
Tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi là trục đường giao thông chính nối sân bay Tân Sơn Nhất với khu trung tâm TPHCM, là một tuyến đường mẫu của thành phố và hệ thống cây xanh được trồng thuần chủng loại cây long não đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian qua, những vụ phá hoại cây xanh trên tuyến này diễn ra khá phổ biến, làm ít nhất khoảng 40 cây xanh bị chết.
Theo khu Quản lý giao thông đô thị số 1, thời gian gần đây, nhiều cây xanh trên các tuyến đường Lãnh Binh Thăng (Q.11), Gò Dầu (Q.Tân Phú), Cống Quỳnh (Q.1), Hồ Biểu Chánh (Phú Nhuận), Quan Trung (Gò Vấp), Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh), Cộng Hòa (Tân Bình)… cũng bị tàn phá.
Nhiều trường hợp còn ra tay thủ tiêu cây xanh bằng sử dụng hóa chất độc. Hai cây me có tuổi đời khoảng 20 năm án ngữ trước một nhà hàng số 82 Võ Văn Tần (P.6, Q.3) đang tươi tốt thì bỗng dưng khô lá rồi chết dần. Theo xí nghiệp cây xanh số 1 thuộc Cty TNHH một thành viên cây xanh, hai cây me khoảng 20 tuổi này có sức sống khá tốt, không dễ dàng chết một cách lạ lùng như vậy. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế mới vỡ lẽ hai cây me bị chết do có người đã đổ hóa chất vào gốc. Tương tự, một cây sao đen loại 2 trước số 9 đường Nguyễn Trãi (Q.1), một cây sao đen loại 2 khác trước số 3 Phạm Ngũ Lão (Q.Gò Vấp), cây xoài trước số 353/3 Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Tân Bình)… đều chết vì bị đổ hóa chất vào gốc. Theo bà Lê Thị Mai Hồng - Trưởng Phòng Kỹ thuật Cty TNHH một thành viên cây xanh - nhiều trường hợp đổ hóa chất đầu độc cây xanh không chỉ làm chết cây, mà còn gây khó khăn cho việc trồng lại cây mới vì đất tại vị trí đó bị nhiễm độc nên cây trồng lại phát triển rất èo uột.
Một số trường hợp khác mạnh bạo hơn, lợi dụng những thời điểm ít người chú ý đã thằng thừng ra tay đốn hạ sát gốc cây hoặc tự ý bứng bỏ gốc cây rồi thay vào đó là những cây tán nhỏ, diễn ra trên các trục đường Trường Sơn, Lê Văn Chí, Cộng Hòa, Nguyễn Văn Hưởng, Phan Xích Long…
Tại Hà Nội, tình hình cây xanh bị "bức tử" cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Ngày 9/2/2012, tại vườn hoa đại học Thuỷ Lợi, quận Đống Đa, người dân đã phát hiện kẻ gian cắt trộm cây gỗ sưa đỏ số 67, lấy trộm đoạn giữa có đường kính 16cm.
Vào rạng sáng ngày 11/2, nhân viên bảo vệ ở Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phát hiện một cây gỗ sưa đỏ bị chặt tại vỉa hè trước cổng trường, thuộc đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy. Tài sản thiệt hại là đoạn gỗ sưa đỏ đường kính 15cm, dài 1,2 mét.
Rạng sáng ngày 27/2, tại Tổ 5 (đối diện trường Tiểu học Trung Tự), phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra một vụ trộm sưa trắng trợn hơn. Tại hiện trường, cây sưa bị cưa chỉ còn trơ lại gốc, cách đó khoảng vài mét là cành cây, bị kẻ trộm bỏ lại, nằm ngổn ngang trên sân. Phần rào bảo vệ quanh khu vực này, theo một người dân cho biết, cũng đã bị nhóm sưa tặc trước đó húc đổ và làm thủng lưới sắt.
Theo những người dân sống xung quanh khu vực, cây sưa này được trồng vào khoảng năm 1990. Vào sáng sớm, một số hộ dân có nghe tiếng cây sưa đổ, tiếng ôtô nổ máy, khi người dân chạy ra thì nhóm sưa tặc đã chuồn mất cùng phần thân sưa quý giá. Được biết, cách đây khoảng 2 tháng, cũng tại khu vực này một cây sưa đã bị bọn sưa tặc "khoắng" mất. Thời gian qua đã có hàng chục cây gỗ sưa quý hiếm thuộc nhóm A1 bị tàn phá khiến người dân thủ đô bất bình.
Trước đó, cây xà cừ ở trước nhà B4 phường Kim Liên, quận Đống Đa có đường kính 72cm bị công nhân đào hè đường xây cống chặt hết bộ rễ, khiến cây bị đổ. Cây bàng cổ thụ ở phố Tràng Thi gần 100 năm tuổi bị cưa gốc, rễ và bị đổ khi gặp mưa, gió. Cây gạo cổ thụ tròn 100 năm tuổi trước cổng đền Ngọc Sơn to đẹp, hoành tráng nhưng cũng bị chính những người dân "nương nhờ" dưới bóng mát tán cây hạ gục.
Hiện tại, trên địa bàn Thủ đô có khá nhiều cây xanh đang bị triệt hạ dần bằng cách: đổ bê tông quanh gốc, làm cho cây không hút được nước hoặc đặt nhiều bếp than tổ ong quanh gốc cây làm cho cây bị thiêu đốt; đổ nước muối, dầu mỡ thải, nước axit pha loãng, khiến cho cây chết dần, chết mòn…
Phải xử hình sự
Ông Đào Hoàng Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (Viện KHXHVN) cho biết, nguyên nhân chính của việc chặt phá cây xanh tại Hà Nội vẫn tiếp diễn trong thời gian qua mà không được ngăn chặn mặc dù thành phố đã có những quy định khá cụ thể là do sự buông lỏng quản lý và một số các hiện tượng tiêu cực trong công tác quản lý cây xanh của người có trách nhiệm. Ở Hà Nội, người ta ví von "mỗi tấc đất là một tấc vàng". Vì vậy, những cây xanh nào "cản đường", ảnh hưởng đến các lợi ích của cá nhân hay tổ chức sẽ rất dễ bị chặt hạ.
Còn theo ông Hữu Hải - Phó Phòng Quản lý cây xanh Khu Quản lý GTĐT số 1 (TPHCM) - ngoài những trường hợp xâm hại do vô ý và thiếu ý thức, phần lớn tình trạng xâm hại cây xanh còn lại đều có chủ đích (cố ý). Vì lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ của một bộ phận người dân, tổ chức hay cá nhân, họ sẵn sàng thực hiện các hành vi phá hoại cây xanh. Những trường hợp ra tay sát hại cây xanh thường vì lý do: cây xanh ảnh hưởng đến lối ra vào, tán cây che mặt tiền kinh doanh, che khuất bảng hiệu, bảng quảng cáo, thậm chí không tốt về mặt phong thủy…
Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, ngày 11/6/2010 của Chính phủ có quy định khá chi tiết về Quản lý cây xanh đô thị, trong đó chỉ rõ chịu trách nhiệm chính là Bộ Xây dựng; đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Xây dựng. UBND cấp quận, huyện có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lí cây xanh đô thị tại địa bàn mình. Từ ngày 1/7/2010, các tổ chức, cá nhân tự ý chặt hạ, di dời cây xanh; đổ chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây trong khu vực đô thị... sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng; từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với các hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây; có hành vi làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ... Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi. |
Trong khi lãnh đạo thành phố cũng như người dân thành phố nói chung đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện đối với việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh thì việc hủy hoại hàng loạt cây xanh như vừa qua là không thể chấp nhận được, nếu không được xử lý nghiêm minh sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Theo ông Nguyễn Văn Dung - Phó GĐ Khu Quản lý GTĐT số 1 (TP HCM) - vỉa hè trồng cây xanh là đất công, kinh phí đầu tư cho việc trồng, chăm sóc, bảo quản cây xanh từ nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, theo quan điểm của Khu Quản lý GTĐT số 1, việc chặt phá hàng loạt cây xanh đường phố như trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi vừa qua không đơn thuần là hành vi vi phạm hành chính, mà phải xem đó là hành vi phá hoại tài sản Nhà nước, hủy hoại môi trường và được thực hiện có tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Hiền Lương - Phó GĐ Sở GTVT - cho biết, việc xâm hại cây xanh không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng đến vấn đề môi sinh. Tuy nhiên, các quy định chế tài đối với hành vi xâm hại cây xanh hiện nay vẫn còn chung chung và chủ yếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính. Bà Nguyễn Thị Hiền Lương đề xuất, các cơ quan trung ương khi soạn thảo và ban hành các quy định nên xem xét đưa quy định các mức chế tài cụ thể và thật nặng đối với các hành vi xâm hại, chặt phá cây xanh, thậm chí có thể xử lý hình sự đối tượng này thì mới đủ sức răn đe. Mặt khác, các cơ quan cũng nên quy định trách nhiệm quản lý cây xanh trước mặt tiền của các hộ dân, cơ quan đơn vị và buộc họ có trách nhiệm bảo vệ cây xanh.
Trần Phan - Trịnh Tình
- Khát vọng của thành phố trẻ Đà Nẵng
- Con đường "độc nhất vô nhị" ở vùng quê Kinh Bắc
- Cắt nghĩa Hội An
- Nhà đất công: Lợi thế nhiều, lãng phí lớn
- Hơn một nửa diện tích TP.HCM bị lún
- Tiết kiệm năng lượng từ ý thức và kiến trúc hệ thống
- Cần Thơ - Đô thị miền sông nước
- Hải Phòng phát triển đô thị dọc tuyến sông
- Vỉa hè là của nhân dân...
- Cảnh đời ở các khu "ổ chuột" châu Á