Theo dõi quá trình phát triển của một xã nông thôn tại huyện Điện Bàn (Quảng Nam) trong nhiều năm qua, tôi nhận ra rằng: Nhiệm kỳ trước, chính quyền và Hội đồng nhân dân xã xác định vị trí xây dựng sân bóng đá tại thôn A, đến nhiệm kỳ sau, lại đưa về thôn B do nhà tài trợ là người gốc thôn B. Cũng vậy, nhiệm kỳ trước xã định làm con đường tráng nhựa có mặt đường rộng 7 mét, nhưng qua nhiệm kỳ sau, do thiếu vốn, mặt đường bị “gọt” chỉ còn 5 mét!
Có rất nhiều ví dụ về kiểu “tư duy nhiệm kỳ” như vậy trong quy hoạch và xây dựng ở các địa phương vùng nông thôn.
Người dân có được tham gia trong quá trình quy hoạch, xây dựng nông thôn mới không, là một câu chuyện khác. Qua tìm hiểu ở nhiều nơi, chúng tôi thấy người nông dân chỉ được hỏi ý kiến trong những buổi họp triển khai một hạng mục xây dựng cụ thể nào đó, như làm đường chẳng hạn, vì cần có sự đóng góp của họ vào phần vốn đối ứng hoặc huy động nhân công. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ khác, đó là mọi quy hoạch và biện pháp triển khai, đều đến từ chủ trương của xã và huyện, do vậy tình trạng nhiều ngôi chợ, khu vui chơi có giá trị bạc tỉ bị bỏ hoang ở nhiều xã là những minh chứng rất thuyết phục.
Một việc nữa trong quy hoạch nông thôn mới là xác định không gian cư trú của người dân. Ở quê tôi, hồi còn hợp tác xã nông nghiệp, các khu vực dân cư mở rộng đều quy hoạch cho mỗi hộ gia đình diện tích đất ở và vườn rộng 1 sào Trung bộ (gần 500 mét vuông). Nay do áp lực dân số, các khu dân cư mới chỉ còn diện tích 5 mét x 20 mét theo kiểu nhà ống ở thành phố. Đường làng nay không còn bóng cây xanh, thậm chí không có cống thoát nước do lề đường quá hẹp. Giáo sư Hoàng Đạo Kính, chuyên gia đầu ngành về quy hoạch và kiến trúc, đã nói: “Tước đoạt không gian sống của người dân nông thôn hiện nay ở nhiều nơi, chính là phủ nhận các thành tựu của khoa học về quy hoạch, thậm chí là phản quy hoạch”. Còn ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện là thành viên Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương, từng nêu lên một số gợi ý như: “Đảng, chính quyền phải là người tìm ra, phải đưa ra tư tưởng quy hoạch, ý định quy hoạch, phương hướng quy hoạch đối với cuộc sống xã hội của người dân ở địa phương mình; người dân phải được tham gia vào quy hoạch ngay từ đầu cho đến khi kết thúc quá trình này, bởi vì đó là cuộc sống của họ”.
Những ý kiến xác đáng đó, cho thấy, trong những khó khăn khi thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, công tác quy hoạch có lẽ là khó khăn hàng đầu bởi cũng là nông thôn, nhưng mỗi địa phương còn có những đặc thù riêng về địa lý, kinh tế, phong tục, truyền thống văn hóa... nên không thể có một khuôn mẫu như nhau được. Chưa kể, quy hoạch của xã còn đòi hỏi phải phù hợp với quy hoạch chung về phát triển của huyện.
Cuối cùng là nguồn nhân lực để thực hiện và quản lý quá trình thực hiện quy hoạch nông thôn mới. Bộ máy làm công tác quản lý xây dựng, đất đai, giao thông và môi trường hiện nay ở cấp xã chỉ có một người chuyên trách, đa phần chỉ có trình độ trung cấp hoặc tốt nghiệp đại học từ xa; thậm chí có người chỉ được đào tạo ngắn ngày về quản lý kinh tế. Tình hình trên, nếu không được cải thiện, nỗ lực xây dựng nông thôn mới không những khó đạt được kết quả như mong muốn mà có khi còn làm biến dạng hình ảnh nông thôn ở nước ta.
Trương Điện Thắng
- Giản dị hay phô diễn
- Đầu tư công: Biết rồi, khổ lắm, vẫn phải nói
- Mô hình tự quản và tự chủ cho TPHCM
- Để đề án thu phí giao thông thuyết phục hơn
- Đô thị Việt Nam rất cần nhà ổ chuột?
- Khát vọng của thành phố trẻ Đà Nẵng
- Con đường "độc nhất vô nhị" ở vùng quê Kinh Bắc
- Cắt nghĩa Hội An
- Nhà đất công: Lợi thế nhiều, lãng phí lớn
- Hơn một nửa diện tích TP.HCM bị lún