Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tương tác Góc nhìn Mô hình tự quản và tự chủ cho TPHCM

Mô hình tự quản và tự chủ cho TPHCM

Viết email In

Mô hình chính quyền tại các địa phương hiện còn mang tính dàn đều, bình quân. Nói như vậy không có nghĩa tất cả tỉnh thành mô hình quản lý đều như nhau.

Đối với một số địa phương đặc biệt như Hà Nội, TPHCM lâu nay Trung ương cũng đã có quan tâm bằng cách trao cho một số thẩm quyền đặc thù. Tuy nhiên, sự quan tâm này chưa đủ, hay nói cách khác, chính sách có điều chỉnh nhưng chưa phù hợp cho một thành phố đặc thù. Tính đặc thù về quy mô của TPHCM, có thể đơn cử như GDP của một quận tạo ra có thể hơn một tỉnh khác. Việc sử dụng ngân sách cũng có quyền hơn các tỉnh khác…

Mô hình quản lý phải xuất phát và tương thích với đặc thù đối tượng quản lý. Điểm khác của đô thị TPHCM với các địa phương còn lại là đông nhất nước, thậm chí nhất khu vực nên nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng khác nhu cầu ở một tỉnh đông dân khác vì mức độ đô thị hóa thấp, dân dàn trải, trong khi tốc độ đô thị TPHCM quá nhanh. Hay nói về vấn đề môi trường, khi một thành phố 10 triệu dân có vấn đề về môi trường, dịch bệnh thì tác hại nó hết sức lớn. Rồi giao lưu quốc tế TPHCM cũng khác... Trong đó, đặc thù nổi bật chính là cơ cấu kinh tế và vị thế kinh tế của thành phố trong phát triển đất nước. Đó là cơ cấu kinh tế dịch vụ cao, đặc biệt có thế mạnh lĩnh vực tài chính, ngân hàng… Do vậy, việc TPHCM kiến nghị mô hình quản lý phù hợp là đúng để quyền tự quản cao hơn. Riêng vấn đề giao thông, mức xử phạt hành chính cũng phải khác, nếu không tăng thẩm quyền thì TPHCM bất lực.

Văn minh đô thị không phải là mục tiêu chủ yếu, cao nhất. Mục tiêu cao nhất của chính quyền đô thị là tạo điều kiện cho thành phố có nền kinh tế phát triển cao, ngang tầm khu vực. Từ đó mới có một đời sống văn minh hiện đại tương xứng. Nhờ kinh tế phát triển, mức sống của người dân sẽ nâng cao. Nếu không có mô hình tương xứng, sự đầu tư tương xứng, mức độ tự quản tương xứng, TP sẽ không phát huy hết vai trò của mình, ảnh hưởng chung sự phát triển đất nước.

Bản thân TPHCM 2 thập kỷ qua, ở góc độ xây dựng thành phố văn minh hiện đại cũng có những khuyết điểm, chệch hướng, nhất là trong đầu tư cũng như trong quy hoạch. Đặc biệt, trong quy hoạch có những cái sai mà không thể sửa được. Nói văn minh hiện đại nhưng đôi lúc thành phố lại chạy theo tăng trưởng nóng hay coi tăng trưởng là quan trọng, là thành tích cao nhất để đạt được nhưng không đồng bộ với các yếu tố khác như đầu tư hạ tầng kỹ thuật, môi trường, chất lượng sống của nhân dân... Tăng trưởng nóng là thành tích nhất thời chứ không đem lại sự phát triển bền vững. Những khuyết điểm chủ quan đã để lại những hậu quả khó khắc phục. Thành phố văn minh hiện đại không phải là thành phố của cải vật chất, tiêu xài nhiều mà ở đó trật tự, luật pháp, giáo dục, y tế… phải phát triển tương xứng. Như vậy, ở một khía cạnh nào đó cho thấy, TPHCM chưa đạt được văn minh hiện đại chính là khuyết điểm chủ quan của thành phố chứ không phải do nguyên nhân thiếu mô hình chính quyền đô thị, cộng thêm lãng phí, thất thoát dàn trải trong vốn đầu tư và sử dụng ngân sách. Một bên là tính khách quan cần một mô hình quản lý phù hợp, thành phố phải nhận thấy nguyên nhân chủ quan của mình để khắc phục. Chưa kể, còn vấn đề tư duy nhiệm kỳ và tầm nhìn ngắn hạn.

Trung ương phải thấy rằng tạo điều kiện cho TPHCM có được mô hình quản lý phù hợp cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho cả nước phát triển vì giải quyết vấn đề của TPHCM cũng là giải quyết cho cả nước.

Mô hình chính quyền đô thị thực chất là mức độ tự quản và tự chủ cao hơn nhưng cũng phải nói thêm, nếu trao anh quyền tự quản cao hơn mà không khắc phục được những hạn chế này thì cũng không đạt được mục đích cuối cùng. Vấn đề quyết định cuối cùng là con người, năng lực, đạo đức của người cán bộ lãnh đạo. Vấn đề này Nghị quyết Trung ương 4 cũng đang đặt ra.  

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - (V.Anh ghi)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...