Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Cố đố Huế cần có cơ chế đặc thù cho trùng tu di tích

Cố đố Huế cần có cơ chế đặc thù cho trùng tu di tích

Viết email In

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Huế Phan Trọng Vinh nhấn mạnh rằng cần có cơ chế đặc thù cho công tác trùng tu di tích Cố đô Huế.

Sau khi kết thúc Hội nghị toàn thể các thành phố lịch sử thế giới lần thứ 13 vào ngày 18/4, ông Phan Trọng Vinh cho biết kinh phí dành cho việc duy tu, bảo dưỡng, trùng tu… các di sản thuộc ngành văn hóa-thể thao và du lịch cả nước mỗi năm chỉ có khoảng 300 tỷ đồng.

Hệ thống di tích Cố đô Huế, vốn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, đây là tài sản chung của quốc gia và của cả nhân loại chứ không phải của riêng Huế. Vì vậy tỉnh đang đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xem xét cho Huế một cơ chế đặc thù. Có như vậy mới có khả năng phục hồi và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của Huế.

Trong giai đoạn từ 2006-2010, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tiến hành tu bổ nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu và có quy mô lớn, với tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế trên 200 tỷ đồng. Điển hình là công trình hệ thống Trường Lang, tổng thể lăng Đồng Khánh, lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, cung Trường Sanh, nội thất cung An Định, Hiển Đức Môn, Lầu Tứ Phương Vô Sự, 10 cổng ra vào kinh thành Huế, Điện Long An...

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế giai đoạn từ 2011-2015, với tổng mức đầu tư hơn 1.280 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu về văn hóa của Chính phủ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, tập trung vào tu bổ, tôn tạo lớp thành ngoài của kinh thành Huế, giải tỏa các hộ dân sống trên khu vực Thượng thành và Eo bầu ở kinh thành Huế, tu bổ toàn bộ hệ thống kè hào hầu hết đã bị hư hỏng sạt lở, nạo vét lòng hào đã bị bồi lấp, tu bổ tường thành, gia cường, chỉnh trang hệ thống cầu cống…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế chỉ mới được cấp nguồn kinh phí vào khoảng 25 tỷ đồng/năm, do đó phải mất hàng chục năm sau mới cấp đủ nguồn kinh phí theo mức đã phê duyệt nói trên.

Các nhà quản lý tại địa phương cho rằng hệ thống cơ chế, chính sách dành cho quần thể di tích Cố đô Huế vẫn chưa rõ, chưa có chính sách đặc thù cho vùng di tích đặc biệt này. Nhiều di tích vẫn vướng tình trạng quản lý chồng chéo, lỏng lẻo, nên khi xảy ra tình trạng xâm phạm di tích, chính quyền địa phương đã không xử lý kiên quyết, gây thiệt hại cho di sản và sự phức tạp kéo dài.

Chẳng hạn, ở khu vực Hồ Tịnh Tâm hiện khó có biện pháp giải tỏa, tôn tạo cảnh quan do quá nhiều hộ dân sinh sống khu vực ven hồ. Hay như cụm di tích Hổ Quyền-Voi Ré, với hồ Điện trên diện tích gần 2.000m2 đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất, trong khi các ngành chức năng mới khoanh vùng bảo vệ chứ chưa có phương án tôn tạo, bảo tồn.

Chỉ tính riêng các hộ dân sống trên Thượng thành Đại nội Huế và các eo bầu thuộc khu vực 1 (khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt) của di tích hiện đã có hơn 2.800 hộ, trong đó, riêng đoạn các eo bầu (những khoảng lõm của 24 pháo đài dọc Kinh thành) đã có hơn 500 hộ. Nếu tính trung bình cứ 4 người/hộ, đã có tới hơn 10.000 người sinh sống. Vì vậy, việc giải tỏa các hộ dân sống ở đây dù được tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra rất sớm, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa di chuyển được hộ dân nào, mà nguyên nhân là thiếu vốn...

Ông Amadou Mahtar M'bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO từng kêu gọi "Huế phải được cứu vãn, cứu vãn cho Việt Nam, bởi Huế là một cao điểm thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc và cứu vãn cho thế giới, vì Huế cũng là một bộ phận không thể tách rời của di sản văn hóa loài người."

Hiện, hệ thống di tích Cố đô Huế được đánh giá là vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, đang trong thời kỳ phát huy giá trị trong việc đón khách tham quan. Tuy nhiên, từ nguồn thu này cũng chỉ vào khoảng từ 70-80 tỷ đồng/năm; trong đó nguồn vốn tại chỗ đầu tư trở lại phục vụ cho công tác trùng tu đạt khoảng 1/3 trong số đó. Vì vậy, công tác trùng tu di tích vẫn cần sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà nước.../.

Quốc Việt


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo