Đà Lạt - Lâm Đồng được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh, trong đó có hàng chục danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia. Nhưng nhiều năm qua, có lẽ do cách nghĩ đây là “của trời cho” nên người làm du lịch Đà Lạt cứ thế mà khai thác chứ chưa chú trọng đầu tư, dẫn đến tình trạng thắng cảnh bị xâm hại, xuống cấp.
Thác “chết”, hồ “thở than”
Trong số 18 danh thắng cấp quốc gia được đưa vào khai thác kinh doanh du lịch tại Lâm Đồng, các thác nước chiếm số lượng lớn. Nhiều người ví von Lâm Đồng như “bảo tàng thác nước” và những người làm công tác lễ hội - du lịch của tỉnh này cũng từng có ý định tổ chức Lễ hội thác để tôn vinh nét đẹp của những tác phẩm nghệ thuật tự nhiên.
Thác Pongour đã mất vẻ hùng vĩ do thủy điện.
Vậy nhưng hiện nay nhiều thác nước đang bị xuống cấp trầm trọng. Ngay tại trung tâm Đà Lạt, thác Cam Ly thơ mộng ngày nào bây giờ trở thành thác “chết” vì ô nhiễm. Do phải hứng một lượng nước thải sinh hoạt lớn và rác thải đổ về nên dòng nước xanh đục, sủi bọt, rác thải nổi lềnh bềnh. Đặc biệt, vào mùa khô, hồ Xuân Hương không xả nước thì thác Cam Ly chuyển màu đen và bốc mùi nồng nặc.
Cũng trở thành thác chết nhưng Pongour (huyện Đức Trọng) bị “giết” theo cách khác. Pongour từng là ngọn thác hùng vĩ, được vua Bảo Đại trong một lần tham quan, săn bắn tại đây cao hứng gọi là Nam thiên đệ nhất thác (thác đẹp nhất trời Nam) và được xếp hạng danh thắng quốc gia năm 2000. Từ năm 2007, sông Đa Nhim bị chặn dòng tích nước cho thủy điện Đại Ninh thì thác Pongour chỉ còn mặt đá trơ trọi, dòng nước chảy yếu ớt. Vừa qua, đơn vị quản lý thác xây dựng đập tích nước ở thượng nguồn nhưng cũng không lấy lại được vẻ hùng vĩ ngày nào của thác.
Một thắng cảnh khác cũng bị thủy điện Đại Ninh “khai tử” là thác Gougah. Từ khi hồ Đại Ninh tích nước, thác Gougah bị ngập, có lúc ngập đến 2/3 ngọn thác, toàn bộ khu vực dưới lòng thác như các khối đá, rừng cây cũng chìm trong nước. Từ đó, đơn vị quản lý ngưng đầu tư, dẫn đến danh thắng xuống cấp trầm trọng, cảnh quan môi trường hoang hóa.
Thác là vậy, số phận nhiều hồ nước tại Lâm Đồng cũng không khá hơn. Hồ Than Thở nhiều năm qua “thở than” vì bị bồi lắng và rác thải nông nghiệp từ thượng lưu đổ về gây ô nhiễm. Còn tình trạng ô nhiễm hồ Xuân Hương là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Danh thắng xuống cấp sẽ bị rút tên khỏi bảng xếp hạng quốc gia "Danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia là lợi thế lớn cho doanh nghiệp, nếu không biết trân trọng, để danh thắng xuống cấp thì doanh nghiệp du lịch tự đánh mất lợi thế của mình. Với trách nhiệm quản lý nhà nước, sở đề nghị các doanh nghiệp phải gắn khai thác với đầu tư bảo tồn, gìn giữ thắng cảnh. Nếu danh thắng bị xuống cấp, không đạt các tiêu chí thì kiên quyết đề nghị Bộ VH-TT-DL rút tên khỏi bảng xếp hạng danh thắng cấp quốc gia. Năm 2010, tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ VH-TT-DL rút tên thác Gougah và thác Liên Khương (huyện Đức Trọng) khỏi danh sách di tích danh thắng cấp quốc gia nhưng chưa được Bộ đồng ý". Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng |
Đầu tư ít, hưởng lợi nhiều
Ngoài những danh thắng trên, kết quả khảo sát mới đây của Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cho thấy, nhiều thắng cảnh khác trên địa bàn bị xuống cấp. Thậm chí, một số khu bị giảm giá trị nhiều lần so với những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho rằng, nếu đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp thì chưa đúng nhưng phải khẳng định rằng, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự tâm huyết đầu tư. Sau khi được giao quản lý, khai thác danh thắng, nhiều doanh nghiệp chỉ muốn khai thác phần lõi của danh thắng để hưởng lợi trước mắt, ít đầu tư, tôn tạo. Lượng vốn rót ra cho các khu, điểm du lịch không lớn, tính đến nay, tổng vốn đầu tư của khu du lịch hồ Than Thở là 17,5 tỷ đồng, thác Prenn là 24 tỷ, thác Cam Ly 4,5 tỷ, Langbian khoảng 18 tỷ, thác Bảo Đại 7,5 tỷ đồng… Một số khu du lịch chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng, dựa vào thương hiệu và cảnh quan vốn có để khai thác. Trong khi đó, nguyên tắc là phải đầu tư vào vùng 2, vùng 3 của danh thắng thì mới phát triển bền vững, vừa hạn chế tác động đến danh thắng.
Bên cạnh đó, rất ít dự án có quy hoạch tổng thể chung. Nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư theo phương án kinh doanh rất sơ sài nên sản phẩm du lịch không phong phú. Dạo một vòng qua các thác, hồ, thung lũng đều thấy na ná nhau, cũng quầy hàng lưu niệm, dịch vụ cho thuê trang phục để chụp hình, đạp pedalo (đạp vịt)…
Nam Viên
- Việt Nam có tiềm năng xây công viên chủ đề đặc trưng
- Khi làng quê vắng bóng người
- ODA và 6 năm lặng tắt
- Vật liệu, như một cuộc chơi
- "Đời rác" ở khu "ổ chuột" giữa Thủ đô
- Kẹt cứng trong quy hoạch treo
- Các chiêu phù phép đất nông nghiệp làm quà biếu
- Phá nát danh thắng Đà Lạt
- Chuyện phố phường, làng xã
- Hiện đại hóa tiểu thương: Chợ sẽ thắng siêu thị?