Quá trình thu hồi đất, nhất là đất nông nghiệp, để thực hiện phát triển đất nước đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội đã làm thay đổi bộ mặt đất nước, kinh tế không ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, đang nảy sinh những tác động tiêu cực, đặc biệt là với khu vực nông nghiệp – nông thôn; đưa tới những hậu quả không mong muốn và các hệ luỵ như gây xáo trộn và bất ổn xã hội, gia tăng thất nghiệp và nghèo đói ở nông thôn; người nông dân bị mất đất canh tác không còn kế sinh nhai, bắt buộc phải ra thành phố để tìm kiếm việc làm. Hiện tượng này gây nên vòng tròn khép kín “đô thị hoá – nghèo đói – bất ổn xã hội” cả ở nông thôn và thành thị.
Đến năm 2020, không còn khả năng xuất khẩu gạo
Đến thời điểm năm 2011, cả nước chỉ còn hơn 9.000.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 4 triệu ha đất trồng lúa và diện tích này vẫn đang giảm một cách nhanh chóng. Tính chung trong 15 năm (1996 – 2010), trung bình mỗi năm, nông dân phải nhường 74.000ha đất nông nghiệp để phục vụ các mục đích khác.
- Ảnh bên: Hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến
Việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ sân golf cũng rất đáng lo ngại. Trong tổng số hơn 23.000ha của 76 dự án sân golf đã và đang triển khai trong cả nước, có tới 8.000ha đất (chiếm 35%) để kinh doanh bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng… Đã có những ý kiến cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến. Ví dụ, trong tổng diện tích 4.200ha đất của chín dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng, chỉ 20% diện tích đất được dành cho sân golf, phần còn lại chủ yếu để xây dựng nhà nghỉ, biệt thự cao cấp bán và cho thuê.
Diện tích đất nông nghiệp giảm trong khi dân số tăng trên 1,1 triệu người/năm, nên đất nông nghiệp bình quân đầu người từ 1.100m2 (năm 2001) giảm xuống còn 900m2 (năm 2010), trong đó đất canh tác còn 700m2 và đất lúa chỉ còn 465m2. Nếu xu hướng này còn tiếp tục trong những năm tới thì sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề kinh tế – xã hội và tác động đến đời sống người dân, cũng như an ninh lương thực quốc gia. Theo nhận định của các chuyên gia, đến năm 2020, sản lượng lúa của Việt Nam chỉ còn bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ không còn khả năng xuất khẩu.
Vấn nạn… thất nghiệp
Theo tính toán, cứ một hécta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ làm bốn lao động mất việc làm và với nửa triệu hécta đất bị thu hồi từ năm 2001 – 2010, số lao động mất việc làm tăng lên đến hàng triệu người. Trong số các lao động của các hộ gia đình bị thu hồi đất, chỉ khoảng 13% tìm được việc làm phi nông nghiệp tại địa bàn, 20% thất nghiệp hoàn toàn, 67% thất nghiệp từng phần, chỉ có việc làm nông nghiệp vào thời vụ. Trên địa bàn nông thôn cả nước hiện nay có khoảng 6–7 triệu lao động dư thừa không có việc làm thường xuyên; trong đó có trên 50% số lao động chỉ có việc làm từ 3–4 tháng trong năm.
Số người di cư tự do từ nông thôn ra thành thị, các khu, cụm công nghiệp để làm thuê bằng đủ thứ nghề với tiền công rẻ mạt, hoặc tìm việc làm tại các chợ lao động vùng ven tăng lên nhanh chóng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn. Theo số liệu của cơ quan chức năng, mỗi năm TP.HCM, Hà Nội có hàng triệu lao động thời vụ nhập cư có hoặc không có đăng ký chính thức. Người nông dân vốn quen với công việc đồng áng, giờ đây phải làm quen với môi trường xã hội và công việc mới mẻ ở thành thị nên hiệu quả công việc rất thấp.
Luồng di cư dân tự phát từ nông thôn ra thành phố gây ra áp lực quá tải về đáp ứng nhu cầu bố trí lao động – việc làm cũng như cung cấp các dịch vụ đô thị cho người dân. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành phố có xu hướng tăng cao (tại khu vực đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ này là 16% – cao hơn mức trung bình của cả nước). Kết quả khảo sát tám xã ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy hầu như không có lao động dưới 40 tuổi ở nông thôn, hầu hết lao động trẻ đều đến các đô thị để kiếm việc làm. Hiện tượng này khiến lao động khu vực nông thôn bị khan hiếm, chất lượng lao động thấp.
GDP đầu người: 2,7% so với 8,8%
Việc thu hồi đất làm phát sinh những mâu thuẫn mới trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá. Đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu tăng quỹ đất cho đô thị hóa, công nghiệp hoá với giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho nông dân bị thu hồi đất; giữa yêu cầu giải phóng lao động, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá với tập quán người cày có ruộng, tâm lý nông dân không muốn xa quê hương bản quán; giữa ứng dụng khoa học, công nghệ để giảm lao động sống với lao động dư thừa; giữa tâm lý tăng năng suất, tăng sản lượng là chủ yếu của nông dân với yêu cầu tăng chất lượng.
Việc thu hồi đất nông nghiệp tất yếu ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống dân cư nông thôn. Sau khi nhận tiền đền bù, giải toả, nhiều hộ nông dân có một khoản tiền đền bù khá lớn trong tay lại không biết chi tiêu hợp lý. Một bộ phận không nhỏ những người ở lại làng quê tiếp tục làm ruộng với quỹ đất nhỏ nên “nhàn cư vi bất thiện”. Còn ở thành phố thì không phải tất cả người di cư từ nông thôn ra đều kiếm được việc làm, trong khi chi phí sinh hoạt thành phố lại đắt đỏ, đây là môi trường cho các tệ nạn xã hội nảy nở và lan rộng.
Một tác động khác của việc thu hồi đất đai là làm gia tăng sự phân hoá thu nhập và đời sống trong nội bộ dân cư. Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người ở khu vực nông thôn thời kỳ 1996 – 2006 là 2,7% so với 8,8% ở thành thị; thu nhập của dân cư nông thôn chỉ bằng 54,6% dân đô thị, lại giảm dần đến năm 2006 chỉ còn bằng 47,85%, năm 2008 còn 47,45%. Điều này được lý giải do mất đất, di chuyển nơi ở, chưa quen với ngành nghề mới phi nông nghiệp, đời sống một bộ phận nông dân gặp khó khăn, lao động dư thừa, việc làm thiếu, tệ nạn phát sinh. Từ đây, xuất hiện các điểm nóng về mặt xã hội, các tranh chấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, trước hết là tại các khu công nghiệp, khu đô thị.
(Theo nghiên cứu của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trung tâm Thông tin tư liệu với tựa đề: “Thực hiện dân chủ, công bằng trong cho thuê đất và thu hồi đất”.)
- Vẫn xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo ở thủ đô
- Kẻ Chợ và những chợ đầu mối
- Đất nước nào cũng cần có hàng rong
- Di sản Thành nhà Hồ: Người dân hưởng lợi, di sản mới bền
- Chợ phiên nơi làng xã
- Xung đột ở chung cư: bài toán không khó, sao không giải được?
- Việt Nam có tiềm năng xây công viên chủ đề đặc trưng
- Khi làng quê vắng bóng người
- ODA và 6 năm lặng tắt
- Vật liệu, như một cuộc chơi