Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Đất nước nào cũng cần có hàng rong

Đất nước nào cũng cần có hàng rong

Viết email In

Trên những đại lộ sang trọng đẹp đẽ, việc cấm bán hàng rong trên vỉa hè xem chừng là điều rất hợp lý để giữ gìn cho bộ mặt đô thị được văn minh. Nhưng tại một số thành phố trên thế giới, buôn bán vỉa hè vẫn được chấp nhận và tiếp tục phát triển. Bangkok là một ví dụ điển hình.

Bangkok có nhiều cao ốc, khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại hoành tráng, nhưng bên cạnh đó vẫn có những sạp, những quán, xe đẩy bán hàng rong bình dân. Và Sukhumvit, con đường du lịch sầm uất và bận rộn nhất Thành phố Thiên thần, là nơi hội tụ của hai thái cực này.

Đẹp như vỉa hè Bangkok

Thủ đô Thái Lan vốn nổi tiếng với nạn kẹt xe. Đặc biệt đối với con đường chính như Sukhumvit thì đây là chuyện thường ngày. Cho dù đã có tuyến tàu điện và nhiều đường vượt trên không nhưng nạn kẹt xe trên con đường này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, thay vì cấm để con đường trở nên thông thoáng hơn, buôn bán trên vỉa hè lại được chấp nhận và ngày càng phát triển.

Lề đường rộng 4 mét nhưng du khách sẽ phải chen chúc trên lối đi chỉ còn 1 mét. Hầu hết các nhà hai bên đường đều bày hàng xuống vỉa hè. Đối diện với chúng là sạp của những người buôn bán nhỏ. Các sạp này luôn ở ngoài sát mép vỉa hè, mặt chính quay vào trong. Và như thế du khách không phải bước xuống lòng đường, mà đi ở giữa dãy nhà và dãy sạp.

Nơi đây bày bán đủ thứ, từ quần áo, giày dép, túi xách... cho đến quà lưu niệm (tượng voi, túi thổ cẩm…) và cả thuốc diệt rệp!

Ngay trước các khách sạn 4-5 sao sang trọng, các xe đẩy bán thức ăn hoặc hàng hóa vẫn được phép kinh doanh. Quả là du khách “được tạo điều kiện hết sức” để mua sắm, từ sản phẩm cao cấp trong các cửa hiệu lớn cho đến hàng hóa rẻ tiền ở ngoài đường. Nhờ vậy, không chỉ người giàu mới được lợi, cả người nghèo cũng kiếm sống được nhờ du lịch.

Buôn bán vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của Bangkok, là một trong những lý do để người nước ngoài đến với Thái Lan và quay trở lại đây. Năm 2011, dù gặp nhiều khó khăn do trận lũ lịch sử kéo dài hàng tháng trời, Thái Lan vẫn thu hút đến 19,1 triệu lượt khách.

Tiến sĩ Narumol Nirathron, giảng viên Đại học Thammasat, nhận xét: “Với lịch sử hơn 200 năm bán hàng rong, hoạt động này đã trở thành một nét văn hóa. Nếu biết khai thác, chính hoạt động bán hàng rong sẽ làm cho Bangkok càng thêm hấp dẫn”. Và theo một nghiên cứu của đại học này, vỉa hè Bangkok đã trở thành nơi kiếm sống của hơn nửa triệu người, tạo ra một mạng lưới phân phối dịch vụ rẻ tiền, tiện lợi không chỉ cho người dân mà còn cho cả hàng triệu khách du lịch.

Chính phủ Thái Lan cho phép sử dụng vỉa hè nhưng có quản lý, đánh thuế người bán hàng rong. Tại một số khu vực hành chính quan trọng của thủ đô, như khu làm việc của Chính phủ, thì không cho buôn bán trên vỉa hè. Tuy nhiên, ngay trước Cung điện Hoàng gia, một nơi tôn nghiêm, hàng trăm người bán dạo đồ lưu niệm vẫn được phép hành nghề.

Bởi vậy, ở Bangkok hầu như không thấy cảnh người bán hàng rong phải lén lút bán hàng và bị chính quyền tịch thu hàng hóa.

Cách thức quản lý hàng rong

Năm 2005, tiến sĩ Vichai Rupkamdee, thuộc Học viện Hành chính Phát triển Quốc gia Thái Lan, từng đề xuất 3 mô hình quản lý mà ông cho rằng vừa bảo vệ được quyền lợi của người bán hàng rong, vừa hài hòa với chính sách phát triển đô thị.

• Mô hình thứ nhất: khu vực quy hoạch bán hàng rong thuộc quyền sở hữu và quản lý của chính quyền thành phố, nhưng không có quy định chặt chẽ mà giao quyền tự quản cho người bán hàng rong trong khu vực.

• Mô hình thứ hai: chính quyền nhượng quyền sở hữu khu vực quy hoạch cho một cá nhân để lập chợ. Hằng ngày, chủ chợ phải đi giám sát để giải quyết các vấn đề phát sinh.

• Mô hình thứ ba: lập chợ trong các khu chung cư của công ty tư nhân. Chính các công ty này sẽ tổ chức và quản lý. Tiền thuê mặt bằng sẽ cao nhưng bù lại người bán hàng được hưởng các tiêu chuẩn vệ sinh và an ninh cao.

Nếu Paris không có hàng rong

Hiện nay, vỉa hè thủ đô các nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Singarore, Indonesia, Campuchia cũng khá giống với vỉa hè Bangkok. Đó đều là nơi kiếm sống của hàng chục vạn người. Có thể xem đây là một cách để xóa đói giảm nghèo.

Tại thủ đô những quốc gia phát triển của châu Á như Hàn Quốc và Nhật, vẫn tồn tại một số con đường là khu buôn bán vỉa hè. Và New York, nơi hơn 10.000 người bán hàng rong sinh sống, hiện có hẳn một dự án giúp họ nâng cấp các xe bán hàng.

Còn tại Paris, vỉa hè chính là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt thú vị nhất của hàng triệu người. Nếu không có các quán cà phê và quán ăn, hàng rong trên vỉa hè, thủ đô nước Pháp hẳn sẽ mất đi một phần hấp dẫn của mình.

Thế nhưng, thay vì học hỏi kinh nghiệm của họ, tháng 4 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lại đề xuất chấm dứt mua bán trên vỉa hè. Đề xuất này đã khiến không ít người kiếm sống trên vỉa hè lo lắng. Và một số chuyên gia đã không đồng tình với đề xuất đó.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế miền Nam, nhận xét: “Cấm mua bán kinh doanh trên vỉa hè là việc làm thiếu khoa học và chắc chắn sẽ có tác dụng ngược”. Theo ông, trước khi thông qua đề xuất trên cần phải thăm dò ý kiến người dân, xem xét đoạn đường nào có thể mua bán trên vỉa hè nhưng không gây ảnh hưởng đến giao thông thì nên duy trì, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh.

Còn Giáo sư Annette Kim, thuộc khoa Nghiên cứu và Quy hoạch đô thị của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cho rằng hàng rong ở TP.HCM không chỉ tạo công ăn việc làm cho khoảng 30% dân cư trong thành phố, mà còn là một điểm nhấn thu hút khách du lịch phương Tây.

Đất nước nào cũng cần có hàng rong. Đó không phải là “mối nguy” cần loại bỏ.

Ngọc Trân


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo