Những khoảng xanh, công viên, công trình công cộng được lấp đầy vào các khoảng trống đô thị. Đó là điều các bài thi Tài năng Kiến trúc 2013 đã làm.
Đồ án "Khu Vinh Bùi Viện" đoạt giải thưởng chính thức của ban giám khảo cuộc thi
Cuộc thi Tài năng Kiến trúc 2013 do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch-Việt Nam phối hợp với Ashui.com, báo Thể thao & Văn hóa tổ chức chỉ có 1 giải thưởng lớn. Ngày 31/10, tại Hà Nội, giải thưởng được trao cho nhóm tác giả Nguyễn Phước Vinh, Phan Thị Khánh An, Hoàng Hữu Gia Hân. Cả ba sẽ nhận học bổng du học tại Đan Mạch. Đồ án của nhóm là cải tạo khu phố Bùi Viện (TP.HCM) thành một khu du lịch (ảnh). Sẽ có những cách điệu hố bom, nhắc nhở về việc ở đó từng có tàu hỏa đi ngang qua... Khu phố sẽ trở thành một “nơi dừng lại để mỉm cười”. |
Quy hoạch đô thị chưa thể phủ hết
Đi trên cầu vượt ngã tư Sở, Hà Nội vào mùa khô, bụi thi nhau lạo xạo trong miệng. Cùng lúc đó, hầm chui phía dưới cho người đi bộ đầy mùi khó chịu, vì vậy ít người đi bộ qua đường bằng hầm chui ấy. Chính vì thế, một đồ án trong cuộc thi Tài năng kiến trúc 2013 đã chọn ngã tư khổ sở này để cải tạo. Theo đó, một không gian xanh bằng cây đuôi công sẽ được tạo lập để nối gầm cầu với hầm chui, dành cho đi bộ. Cầu vượt cũng được xanh hóa bằng cây dây leo. Nhờ đó, cây cầu vượt xanh hơn, còn dưới hầm chui có thêm một “trung tâm thể thao” cho người đi bộ.
"Các em kiến trúc sư trẻ hay ở chỗ nghĩ đến các vấn đề cải thiện. Tất cả các đồ án ở đây là đồ án cải thiện, có cái gì là tạo lập đâu." GS Hoàng Đạo Kính |
Với 39 đồ án kiến trúc, nhiều không gian hiện tại đã được các kiến trúc sư mổ xẻ, nâng cấp. Trong đó, có những khu tập thể cũ lâu ngày đã chật chội, nhếch nhác như Vĩnh Hồ, Giảng Võ (Hà Nội) bên cạnh cả Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) mới tinh cũng cần thay đổi. Có những không gian vốn để cho cộng đồng đã bị chính cộng đồng lấn chiếm và làm mất. Còn có cả những không gian mà nói đến là có người lắc đầu như những dãy nhà bên cạnh đường tàu hỏa. Các kiến trúc sư trẻ cũng nhìn ra cả những vấn đề chiến lược du lịch như các khu phố cổ, phố chợ cần khai thác. Chúng đều là di sản văn hóa, di sản đô thị.
“Trong các không gian đô thị, các khoảng trống này luôn có. Vì các nhà quản lý, các kiến trúc sư quy hoạch đang tập trung để xử lý vấn đề lớn. Các không gian rất nhỏ thì các đồ án đã đi vào. Nó nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo cho người dân sự thú vị”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nói.
Nhiều “chuồng cọp” do người dân cơi nới thêm cần cho cuộc sống nhà tập thể nhưng lại phá hỏng sức chịu lực của khu nhà. Giải pháp đưa ra là thêm trụ cho khu nhà, sau đó biến nó thành không gian xanh hơn, mang dáng dấp ngọn núi. Tòa nhà Hàm cá mập bên hồ Gươm cũng thành những vườn treo, khu triển lãm, nhà hàng hài hòa cảnh quan. Khu tượng đài không bóng cây, không ghế ngồi cũng sẽ được bổ sung những điều này. Chợ Dân Sinh nhếch nhác phơi nắng sẽ có mái che sạch sẽ và khu phố Bùi Viện (TP.HCM) trở thành một khu du lịch nhỏ với đủ nơi mua sắm, dịch vụ...
“Chúng ta đã tạo lập quá nhiều và không gỡ ra được. Chính vì thế các không gian phải được cải thiện chứ không phải tạo lập. Các thành phố đáng lẽ là sống được thì lại khó sống. Các em kiến trúc sư trẻ hay ở chỗ nghĩ đến các vấn đề cải thiện. Tất cả các đồ án ở đây là đồ án cải thiện, có cái gì là tạo lập đâu. Các em có tư tưởng xã hội, phát triển đề tài từ những bức xúc của xã hội thì rất tốt”, GS Hoàng Đạo Kính nói.
Những khu tập thể cũ ở Hà Nội đang rất cần “điền” thêm khoảng xanh và lập lại khu vui chơi công cộng (Ảnh: Ngọc Thắng)
Dự án bao giờ được thực thi ?
Theo KTS Phó Đức Tùng, không có lý gì lại không đưa được các ý tưởng này vào hiện thực. “Những ý tưởng này chẳng có gì quá khác thường. Nó chẳng qua là những thứ chưa được chú trọng, tuy đã là nguyên lý quy hoạch đô thị rồi. Còn đưa vào đời sống hay không là do nhà quản lý và nhà đầu tư”, ông Tùng nói.
Thứ trưởng Mỹ Linh cho rằng, trong nhiều đồ án có không gian nhà dân do đó nhà nước không thể đầu tư vào hết. Vì thế, khi sửa sang, người dân cần chú ý phải đảm bảo các nguyên tắc trật tự xây dựng, bảo đảm diện mạo khu phố. Theo bà, những đồ án này đã nghiên cứu sâu các phương án để giải quyết vấn đề đô thị. Chúng cũng giúp người dân biết những nguyên tắc nhất định.
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá những ý tưởng này hoàn toàn có thể đưa vào cuộc sống sau khi chỉnh sửa cụ thể. “Cần nghiên cứu thêm, làm rõ thêm, sau đó lập dự án hoàn chỉnh rồi mới đưa vào cuộc sống”, ông nói.
“Theo tôi không phải khó hay không khó mà phải tìm được chủ đầu tư. Bao giờ câu hỏi làm như thế nào cũng là khó nhất. Cái đó phải là nhà quản lý trả lời”, ông Chính nói. Có lẽ các nhà quản lý cũng nên lưu tâm đến đầu tư cải thiện chất lượng sống, thay vì quá đẩy mạnh công việc xây mới.
Trinh Nguyễn (Thanh Niên)
- TPHCM: Ngoại thành ngày càng ngập nhiều hơn
- Nhà vệ sinh công cộng: Phải thế mới xứng đáng
- Gìn giữ “văn hóa hẻm” giữa thời đô thị hóa
- Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ
- Đầu tư công: Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
- Hậu các dự án, công trình chống ngập: Hết chịu khổ, rồi đến… chịu cực!
- Làm đẹp bộ mặt đô thị ở các trục đường lớn: Quy định không theo kịp đời sống
- TP.HCM “thất thủ” trước triều cường?
- “Luật Đất đai cần có những thay đổi toàn diện”
- Thế giới viết gì về cuộc sống vỉa hè ở Hà Nội?