Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Đối thoại Thiết kế đô thị: Để ý tưởng không nằm trên giấy

Thiết kế đô thị: Để ý tưởng không nằm trên giấy

Viết email In

Cuộc thi Tài năng 2013 với chủ đề "Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị" do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam, Ashui.com, báo Thể thao&Văn hóa tổ chức vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều người với câu hỏi: liệu những ý tưởng tích cực của các kiến trúc sư (KTS) Việt Nam có trở thành hiện thực? Bởi, trên thực tế, dù đạt giải cao nhưng hầu hết các ý tưởng thiết kế giành giải của chúng ta vẫn nằm trong tình trạng chưa hoặc không được thực thi.  

Anh Lê Việt Hà, Chủ nhiệm mạng kiến trúc Ashui.com, chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về câu chuyện này: 

- Vắn tắt, có thể tạm chia các cuộc thi thiết kế kiến trúc làm 2 loại. Loại thứ nhất là cuộc thi xuất phát từ nhu cầu thật, tìm kiếm giải pháp kiến trúc để triển khai cho một khu vực cụ thể đã có ý tưởng xây dựng. Thông thường, phía tổ chức những cuộc thi này là các chủ đầu tư, hoặc là các sở quy hoạch - kiến trúc địa phương trong trường hợp sử dụng vốn nhà nước. Loại thứ hai là các cuộc thi về ý tưởng, nôm na là cũng không đặt vấn đề triển khai ngay, mà có ý nghĩa thiên về việc khẳng định khả năng sáng tạo của các KTS, cũng như có tác dụng truyền thông, thu hút sự chú ý của xã hội. 

Ở các nước phương Tây, những cuộc thi thuộc dạng thứ nhất nhiều hơn, thường khi quy hoạch tổng thể của đô thị đã khá tốt rồi. Nhà đầu tư và chính quyền thường “đặt hàng” các KTS qua những cuộc thi để tìm ý tưởng thiết kế cho một công trình cụ thể, sau đó là thực hiện. Những cuộc thi theo dạng thứ hai cũng có, chủ yếu mang giá trị truyền thông, tuy nhiên cũng có thể được nghiên cứu về tính khả thi để thực hiện nếu cần thiết. 

Vậy, câu chuyện trong thực tế kiến trúc đô thị của chúng ta thì sao? 

- Với chúng ta, gần như chỉ ở những cuộc thi thuộc dạng đầu tiên giới KTS mới có cơ hội để đồ án của mình trở thành hiện thực. Nhưng trên thực tế thì không phải chủ đầu tư nào cũng đủ kinh phí để triển khai những đồ án tốt nhất, bởi một đồ án kiến trúc thật sự có giá trị thì cũng hiếm khi thuộc dạng “ngon, bổ, rẻ”. Bởi thế, nhiều khi phía tổ chức và Hội đồng giám khảo vẫn tôn vinh đồ án xuất sắc nhất, nhưng nhà đầu tư lại có thể chọn đồ án giải nhì, hay giải khuyến khích để triển khai cho phù hợp với mức chi phí dự kiến. 

Còn, với những cuộc thi về ý tưởng, việc nghiên cứu triển khai trên thực tế rất hiếm khi xảy ra. Có thể lấy trường hợp của mạng Ashui.com làm ví dụ. Từ năm 2003 tới nay, chúng tôi tổ chức gần một chục cuộc thi ý tưởng với các nội dung bám sát thực tế như cuộc thi làm đẹp phố cổ năm 2003, đánh thức không gian công cộng năm 2008, hay phối hợp với một trường đại học của Hoa Kỳ để tổ chức thi thiết kế không gian Công viên Thống Nhất năm 2011. Về cơ bản, ý tưởng từ những cuộc thi này được dư luận đánh giá khá cao, nhưng rồi cũng để đó. 

Sự thực, nhiều đồ án thiết kế - như trong trường hợp cuộc thi Tài năng 2013 - được giới chuyên môn đánh giá cao về tính khả thi, và cũng có vẻ như... bắt rất trúng những vấn đề đang tồn tại trong kiến trúc đô thị hiện nay. Vậy, lý do chính để những đồ án này nghiên cứu áp dụng nằm ở đâu, theo anh?

- Trên lý thuyết, dù là thi về ý tưởng, thì đồ án thiết kế của các KTS cũng phải đảm bảo tiêu chí về tính khả thi rồi. Thậm chí, một số đồ án còn sẵn sàng “nhiệt tình” tới mức cung cấp thêm cả phương án huy động nguồn vốn thực hiện. Thế nhưng, việc nghiên cứu triển khai trên thực tế lại phụ thuộc vào sự hưởng ứng của cộng đồng quanh khu vực được đưa vào đồ án, và nhất là của các cấp chính quyền.

Cũng có những đồ án có ý tưởng hay nhưng lại gặp khó vô cùng về tính khả thi. Trường hợp dư luận hay nhắc tới về Thành phố sông Hồng của họa sĩ Văn Thơ, với yêu cầu di dời hàng ngàn hộ dân ven sông, là ví dụ điển hình. Nhưng, cũng có những trường hợp mà tôi không lý giải nổi vì sao nhà quản lý và giới chuyên môn lại không thể phối hợp được với nhau. Đơn cử, năm 2008, đồ án đoạt giải nhất cuộc thi "Đánh thức không gian" do Ashui.com và báo TT&VH tổ chức được Hội đồng Anh đánh giá rất cao. Ý tưởng của tác giả có thể khẳng định ngay là rất đơn giản: đặt một hệ thống đèn chiếu sáng lên những vị trí đã được thiết kế sẵn trên cầu Long Biên. Những tia sáng này giao nhau, cùng vẽ lên nền trời đêm những đường nét mô phỏng lại phần kiến trúc trên cao vốn đã bị mất đi một đoạn của cây cầu hơn 100 tuổi này. Hội đồng Anh khi đó đã trực tiếp đề xuất và có nhiều cuộc gặp với đại diện thành phố Hà Nội để bàn việc thực thi ý tưởng này. Thế nhưng, mọi chuyện cũng chỉ dừng tại đó, kể cả khi Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra. 

Hay cuộc thi ý tưởng thiết kế cải tạo Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mà Đại sứ quán Italia và Hội KTS Việt Nam vừa phối hợp tổ chức, là một cuộc thi gần như đảm bảo mọi tiền đề để biến ý tưởng thành hiện thực: thu hút nhiều đồ án có chất lượng tốt của các KTS Việt Nam và Italia, có sự bảo trợ của những tổ chức lớn, được UBND thành phố và dư luận quan tâm, lại nằm ở một vị trí gần như là trung tâm của Hà Nội và chắc chắn sẽ phải cải tạo lại trong thời gian gần. Thế nhưng, để ý tưởng đó có thành hiện thực hay không thì chúng ta phải chờ xem đã (cười).

Tôi không muốn bi quan, nhưng thực tế, vấn đề không nằm ở chuyện kinh phí, mà nhiều khi còn phụ thuộc vào sức ỳ của chính chúng ta, và của hàng loạt lý do không tên khác nữa. Chẳng hạn như khu đất trống cạnh hồ Gươm, gần phố Bảo Khánh hiện nay, giờ vẫn quây tôn kín mít mà chưa xây dựng gì. Từ dăm bảy năm trước, dư luận đã rất nhiều lần khẩn thiết hãy sử dụng diện tích ấy để thành lập một bảo tàng phố cổ hoặc bảo tàng hồ Gươm... 


Đồ án của KTS Nguyễn Đình Thanh, giành giải nhất cuộc thi thiết kế cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục do Hội KTS VN và Đại sứ quán Italia tổ chức, liệu có được triển khai trên thực tế? 

Vậy, nghĩa là với những lý do có thể, và cả không thể gọi tên, chúng ta sẽ phải chấp nhận là các ý tưởng kiến trúc hiện nay vẫn tiếp tục tương lai “nằm trên giấy” sau khi trao giải?

- Không! Có một thực tế: chúng ta có thể không đủ tiền hoặc đủ điều kiện để biến mọi ý tưởng kiến trúc thành hiện thực. Nhưng bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng về những gì đang diễn ra với kiến trúc đô thị mà không gặp bất cứ một rào cản nào. 

Nếu so sánh, bạn sẽ thấy: trong dăm năm nay, cách nhìn của dư luận về vấn đề không gian công cộng đã biến đổi rất nhiều, rất mạnh so với chỉ mười năm trước đó. Chuyện truyền thông và dư luận phản ứng các dự án xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất, khu vực chợ Âm phủ cũ hay tạo áp lực để lãnh đạo thành phố biến khu đất gần Nhà hát Lớn thành Công viên 19/8 (chứ không thành cao ốc như ban đầu) là ví dụ điển hình. Những cuộc thi về ý tưởng kiến trúc, đề cao vai trò của không gian cộng cộng và thiết kế đô thị... đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là khi họ đang chứng kiến sự thiếu cân bằng và lộn xộn trong cuộc sống đô thị mỗi ngày. Và, khi cộng đồng nhận thức được rằng quyền bảo vệ những khoảng không gian công cộng là quyền chính đáng để bảo vệ tài sản chung của họ, tôi tin rằng mọi chuyện cũng đang dần tốt hơn với các ý tưởng kiến trúc quanh câu chuyện ấy. 

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. 

Sơn Tùng (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần /thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
0 # Binh Minh Do 17/11/2013 10:42
Cứ phải có văn bản pháp luật, bắt buộc phải làm. Chứ cứ để tự nguyện như hiện nay thì thì thiết kế đô thị chỉ nằm trong các nghiên cứu khoa học thôi.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2811 khách Trực tuyến

Quảng cáo