Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại GS Hoàng Đạo Kính: "Cần cảnh tỉnh về nhân tai đối với di sản"

GS Hoàng Đạo Kính: "Cần cảnh tỉnh về nhân tai đối với di sản"

Viết email In

"Di sản xanh, nơi gặp gỡ của con người và thiên nhiên” là chủ đề của Tuần văn hóa, du lịch kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. 

Đây là chủ đề thiết thực, hướng tới sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững nhất là trong bối cảnh hiện tại khi nhiều di sản văn hóa đang có nguy cơ biến dạng hoặc biến mất do tác động của con người và môi trường, trong đó di sản miền Trung là một minh chứng điển hình. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Hoàng Đạo Kính, Uỷ viên hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia về nguy cơ của lũ lụt đối với đô thị cổ Hội An - Di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận.  

Là một trong những người đầu tiên đặt vấn đề và trực tiếp nghiên cứu cũng như thực hiện bảo tồn phố cổ Hội An một cách bài bản từ năm 1982, xin ông cho biết vì sao ông lại quan tâm đến Hội An như thế? 

GS Hoàng Đạo Kính (ảnh bên): - Tôi bị Hội An làm cho mê muội thì đúng hơn, bởi cuối thế kỷ 20 mà lại có một đô thị cổ còn giữ nguyên vẻ và nguyên hồn. Không còn ở đâu có một đô thị như thế, một chiến địa mà không bị bom, nơi có nhiều thương nhân mà lại không phá bỏ xây nhà mới và lại không bị lôi cuốn vào công cuộc đô thị hoá. Hội An giữ được như thế là một kỳ tích của lịch sử. Hội An được tiến hành bảo tồn trước Hà Nội và chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện điều đó. Đó là một trong những việc làm đáng nhớ nhất trong đời tôi và Hội An đã được bảo tồn thành công. 

Hội An là một đô thị, vì thế bảo tồn và phát huy giá trị di sản này không chỉ là việc của riêng các nhà văn hoá mà còn của các nhà qui hoạch đô thị và gần đây nổi lên vấn đề về thuỷ lợi và biến đổi khí hậu. Giáo sư nghĩ gì về vấn đề này?

- Việc bảo tồn ở khu phố cổ Hội An là tạm ổn, cũng như việc phát huy đang có hướng đi tốt. Điều tôi quan ngại là Hội An đang phát triển rất nhanh, đang đô thị hoá rất nhanh. Nhiệm vụ số 1 hiện nay quan trọng hơn cả bảo tồn phố cổ chính là việc cân bằng phát triển, làm sao để thành phố Hội An trở nên phát triển hài hoà giữa phần cổ và phần mới, trở thành một đô thị không có mâu thuẫn, đối kháng.

Một đô thị mà người ta đến đấy không chỉ tiếp cận riêng với cái cổ mà còn để ăn chậm, đi chậm, nói nhỏ, sống thật sự là bình sinh không bị thúc đẩy như các đô thị khác. Hội An phải chịu thiên tai lũ lụt, nên có bài toán quyết liệt vì lũ lụt là hiện tượng thiên nhiên nên làm sao củng cố các công trình di tích, giảm bớt các tác hại của thiên nhiên để vẫn giữ được đặc trưng của môi trường.

Đặc trưng môi trường của Hội An là năm nào từ khoảng tháng 9 âm lịch cũng phải chịu vài trận lũ của tự nhiên, hàng trăm năm qua vẫn thế. Nhưng hiện nay Hội An nằm ở phía cuối con sông Thu Bồn trước khi đổ ra biển nên khi thuỷ điện xả lũ không báo trước thì thường người dân không trở tay kịp và trong tình huống vỡ đập thì nguy cơ bị huỷ hoại của di sản này sẽ như thế nào?

- Đó là những tai hoạ được báo trước do con người tạo nên. Lúc nãy tôi nói là tai hoạ thiên nhiên nhưng đúng là tai hoạ do con người tạo nên thì ghê gớm và nguy hiểm hơn nhiều. Xả lũ phải từ từ để không tạo ra những đột biến về lũ có thể giết hại tính mạng người dân, huỷ hoại di sản và làm khổ đời sống dân cư ở nông thôn nơi cơ sở hạ tầng kiến trúc mỏng manh.

Tai hoạ do con người tạo nên, xuất hiện do sự thiển cận của chúng ta, thiển cận trong chiến lược phát triển đất nước, thiển cận trong vấn đề xây dựng và đặc biệt thiển cận trong tư duy thực dụng mà không nghĩ tới việc đó có thể làm tổn hại không chỉ cho riêng di sản mà tổn hại đến cả dân tộc, đất nước, giống nòi. Bây giờ thêm một lần nữa phải cảnh tỉnh, phải đánh động.

Ngày di sản mà nói về vấn đề xanh thì cũng hay nhưng xem chừng nó có vẻ hơi thời thượng. Bây giờ ta nói về đô thị xanh, kiến trúc xanh… Xanh tức là ta phải bảo tồn thiên nhiên thì lúc nào ta cũng phải làm. Ngày di sản phải nói đến những di sản vật chất, di sản phi vật chất luôn luôn bị đe doạ và vẫn bị đe doạ mà chúng ta vẫn chưa nâng tầm, vẫn chưa bảo tồn tốt thì sao không xoáy vào cái đấy. 

Đó là tai hoạ của tư duy thiển cận kinh tế, nó có thể dẫn đến cả sự triệt phá mà lịch sử đã không làm được trong suốt hàng trăm năm. Di sản Hội An nó mỏng manh như thế mà bao nhiêu trận lũ lụt mà bao nhiêu sự tác động của thiên nhiên, biến cố lịch sử không suy chuyển. Thế nhưng chỉ cần một trận lũ quét gây ra bởi thuỷ điện mà mang lại nguồn lợi không đáng kể, có thể cho ai đó thì đáng kể nhưng với quốc gia thì không đáng kể lại tiềm ẩm nguy cơ quá lớn./.

Mỹ Trà (VOV /thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2705 khách Trực tuyến

Quảng cáo