Bên cạnh việc sụt giảm 15 bậc so với năm 2011 về chỉ số năng lực cạnh tranh, Hà Nội cũng bị đánh giá đang mất dần bản sắc văn hóa, giảm sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Trong đó, quy hoạch và quản lí tổng thể đô thị, kiến trúc đang thiếu vắng và bộ mặt thủ đô đang tiếp tục hiện trạng bất cập, lộn xộn và nham nhở. Những khu đô trung tâm kiến trúc cũ chưa được đánh giá đúng giá trị và bảo vệ, tiếp tục bị xâm hại và chen lấn, khu mới không đạt tiêu chuẩn chất lượng không gian sống dù Hà Nội đã mở rộng với diện tích lớn ít thủ đô trên thế giới có được. Đem theo những suy nghĩ về trọng tâm và những yêu cầu đối với quy hoạch đô thị và kiến trúc cho Thủ đô của Việt Nam, Ashui.com đã có cuộc trò chuyện với kiến trúc sư Angela Brady, chủ tịch Viện Kiến trúc Hoàng gia Vương quốc Anh (nhiệm kỳ 2011-2013).
Bà Angle Brady là nữ kiến trúc sư nổi tiếng thế giới cho những cống hiến và thành công trong công cuộc xây dựng, quy hoạch đô thị ở Anh, Canada, Đan Mạch,… Cùng với Viện Kiến trúc Hoàng gia Vương quốc Anh và Ailen, bà đã quy hoạch và thiết kế một loạt các trung tâm giáo dục, bảo tàng, triển lãm, thành phố mở,... Bà cũng là nhân vật trung tâm cho những hoạt động thúc đẩy kiến trúc, xây dựng bền vững cho tương lai, nâng cao vị thế của ngành kiến trúc trong sự phát triển thế thông qua những hoạt động diễn đàn, hội nghị, truyền thông quốc tế. Hiện bà Angela là đại sứ Sáng tạo và Thiết kế của Hội đồng Anh tại Việt Nam. |
Bà đã đến Việt Nam đất nước chúng tôi một vài lần, điều mà bà quan tâm trong những chuyến đi đó là gì và cảm nhận ban đầu của Bà về những thành phố của chúng tôi?
KTS Angela Brady (ảnh bên): - Tôi đã tới Việt Nam hai lần. Đó là năm 2012, đến Thành phố Hồ Chí Minh và năm 2013 thì tới Hà Nội. Ở cả hai thành phố, tôi đều gặp gỡ với nhiều kiến trúc sư Việt Nam, Quốc tế và các chuyên gia, cùng chung mối quan tâm thúc đẩy và phát triển thiết kế đô thị bền vững. Bạn biết đấy, tôi không có được nhiều thời gian để đi dạo một vòng quanh thành phố ngắm cảnh như một người khách du lịch. Tôi chỉ biết một chút về Hà Nội, về vài tòa nhà, con phố và vài vùng ngoại thành rất tuyệt vời. Song tôi cũng phát hiện sự ồn ào của thành phố này bởi quá nhiều xe máy như Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng ồn và hơi khói thì khó làm bạn thích thú được với không gian và cảnh quan.
Là một nhà quy hoạch tổng thể đô thị và kiến trúc sư cảnh quan, bà nhận xét và đánh giá như thế nào về những vùng trung tâm kiến trúc phố cũ, phố Pháp và khu trung tâm mới của thành phố Hà Nội?
- Hà Nội là một thành phố giàu văn hóa. Mỗi dáng dấp tòa nhà, đường phố phản chiếu về thời điểm mà chúng được xây dựng, đó cũng là một điều quan trọng để đánh giá mỗi thời kỳ phát triển của thành phố. Tôi hiểu điều đó từ chính câu chuyện của mình, quê hương tôi, thành phố Dublin (Irenland) có rất nhiều tòa nhà kiến trúc Tân cổ điển và Victoria (thế kỷ 18-19) do người Anh thời đó cai trị, xây dựng lên. Những tòa nhà này nay chính là xương sống của thành phố và là bản sắc của thành phố Dublin hôm nay. Vào những năm 1950 đến 1970, nhiều người đã không thích điều này bởi họ cho rằng những tòa nhà đó là hiện hữu của quyền lực thuộc địa cũ. Nhiều tòa nhà đẹp đã bị lãng quên, phá dỡ và những dự án xây dựng mới kém chất lượng thay thế chúng. Sau đó,chúng tôi đã hiểu rằng kiến trúc Tân cổ điển và Victoria chính là phần quan trọng tạo nên đặc trưng nhà thấp tầng của Thành phố, nhờ chúng Thành phố luôn được đánh giá cao và nổi tiếng về thiết kế tuyệt vời. Điều tương tự này có thể nói đến đối với lịch sử các tòa nhà của Hà Nội. Tôi nghĩ tất cả kiểu kiến trúc đều có giá trị, Những tòa nhà cũ có thể được chấp nhận cho mục đích sử dụng mới. Chúng ta không cần phải xóa quá khứ mà chỉ cần gìn giữ và tin tưởng sử dụng những kiến trúc chúng ta đang có.
Hãy nhìn tòa tháp Keangnam và những tòa nhà cao tương tự khác- tôi không chắc chúng có thể kể với tôi như một phần của Hà Nội? Sự mở rộng thành phố và những thành phố không bản sắc là hiện tượng đang trở nên phổ biến. Không bản sắc nghĩa là bạn không thể kể về thành phố bạn đang ở là thành phố như thế nào khi mà nhìn nó giống như thành phố khác.
Tôi không cho rằng Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh cần phải có những tòa nhà cao tầng! Chúng sẽ lỗi thời rất nhanh chóng sau khi ngốn rất nhiều tiền, năng lượng, nguyên liệu cho việc xây dựng và bảo dưỡng, duy trì. Những tòa nhà thường được thiết kế cho những vùng khí hậu và văn hóa khác nhau. Nhưng điều này không được thể hiện trong những thiết kế tòa nhà cao tầng mà chúng ta thấy ở Việt Nam.
Theo quan điểm của bà, điều gì quan trọng nhất trong quy hoạch tổng thể đô thị và kiến trúc để phát triển hiện đại hơn và giữ được bản sắc của riêng mình?
- Điều rất quan trọng xuyên suốt quy hoạch đô thị và quy hoạch tổng thể là xác lập ngay ở giai đoạn phát triển đầu tiên, quy hoạch nào có yếu tố bền vững trong trọng tâm thiết kế của nó. Bởi vì nó sẽ là quy hoạch cho tương lai từ 20 đến 100 năm chứ không phải cho tư duy chính trị nhiệm kỳ.
Khi một thành phố được xác định những vị trí Trung tâm và thiết lập nên vị trí của nó rồi có một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về mặt kiến trúc thì là một điều tuyệt vời. Một kiến trúc sư trưởng thành phố sẽ đưa ra những trọng tâm để kiến trúc và quy hoạch. Di sản là cũng một phần quan trọng trong bất kỳ thành phố mở rộng nào bởi vậy lịch sử không thể bị xóa đi. Ở Vương quốc Anh chúng tôi có cục Di sản Anh trông coi những tòa nhà cổ kiến trúc lâu đời.
Các nhà quy hoạch đô thị của chúng tôi cũng đang trên đường tìm kiếm những kiểu mẫu thành phố thích hợp cho đô thị Việt Nam trên thế giới. Theo bà, chúng ta có nên sử dụng một mô hình thành phố kiểu mẫu nào đó từ nước khác áp dụng cho thành phố của mình, và ở đây với chúng tôi là Hà Nội không?
- Thành phố của bạn là một hình mẫu duy nhất nên được chú ý, quan tâm đến. Hãy đánh giá lại những gì bạn đang có. Xác định giá trị bạn đang có và muốn có. Cái nào thuộc về lịch sử và tạo nên giá trị. Những điều người dân thích thú hơn?
Thông thường, nó sẽ là một thành phố đi bộ với công viên cây xanh và hồ nước. Một hành phố không bị ô tô thống trị, một thành phố phản chiếu lịch sử của chính nó. Một thành phố mà người dân mong muốn được sống ở đó. Một thành phố có trường học, văn phòng làm việc, nhà ở và đủ những không gian để chơi, để gặp gỡ và giao thiệp xã hội. Hàng quán có thể là cần thiết song những thành phố mua sắm với những cửa hiệu không bản sắc thì không ai muốn tới mua ở đó cả. Bạn muốn Thành phố thu hút khách du lịch? Vậy hãy tìm hiểu tại sao họ sẽ tới Hà Nội để thiết lập những điểm đến. Ngành nghề thủ công, thức ăn, dân cư, cảnh quan, phong tục địa phương Hà Nội là gì? Hãy đặt tất cả chúng vào với nhau và bạn có Hà Nội. Tôi tin rằng, những thành phố tốt nhất tạo những bản sắc của chính nó, dựa trên chính văn hóa, lịch sử và bản sắc của dân tộc chứ không phải dựa vào người khác.
Nếu bà nhận được một đề nghị thiết kế và quy hoạch toàn bộ thành phố, bà sẽ làm gì và lựa chọn mô hình kiến trúc như thế nào cho Hà nội và tại sao?
- Điểm bắt đầu là văn hóa và con người Việt Nam. Phong cách của bạn chứ không phải của chúng tôi. Sau đó sẽ thảo luận với người dân và những chính khách, tổ chức cuộc gặp gỡ cộng đồng, công chúng về những ý tưởng. Rồi dựng lên quy hoạch tổng thể với những quan điểm của người dân mong muốn về thành phố của họ.Thành phố cho mọi người là điểm quan trọng đầu tiên của bất kỳ thành phố, và một vài nguyên tắc cơ bản khác sau:
Hãy tạo lập một thành phố đi bộ với những tuyến đường công viên an toàn.Tìm ra điểm đặc trưng vẻ đẹp và văn hóa địa phương của nó để thể hiện và tôn vinh.Làm xanh thành phố với nhiều loại cây bản địa giúp giảm không khí nóng nực mùa hè và nhìn thân thiện chào đón. Thường thì một số cuộc phẫu thuật là cần thiết để cải thiện thành phố tạo ra những không gian xanh và mở với những hàng cây và rau xanh.
Xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốt,ô tô và xe máy cần được kiểm soát và hệ thống giao thông công cộng cần bổ sung,thay thế bằng xe điện,xe buýt hoặc dự án xe khách. Làn đường xe đạp cần được ưu tiên hơn ô tô. Làn đường xe đạp cần được ưu tiên hơn ô tô. Lập ra những khu vực và không gian xã hội, nối chúng với nhau để mọi người có thể đi bộ hoặc đi xe đạp.
Nghe thật thuyết phục, còn những không gian công cộng trong đó, cụ thể hơn sẽ được thiết kế như thế nào thưa bà?
- Không gian công cộng là những lá phổi của một thành phố và giúp thành phố có sức sống. Tất cả chúng ta đều cần một điểm nghỉ ngơi trong một thời điểm nào đó trong một ngày. Nếu bạn sống trong một thành phố thì bạn cần một không gian công cộng mở.
Hà Nội là một đô thị đang phát triển khá tốt với nhiều cây xanh, chúng không chỉ làm sạch mà còn điều hòa không khí mát mẻ và mang đến những bóng râm cho việc đạp xe và đi bộ. Liên kết và thông các không gian công cộng với những quảng trường nhỏ và các công viên để người dân có thể đi bộ/đạp xe 3-4 km thư giãn.
Bạn có thể đan thành phố với vòng tròn quy hoạch thông minh thuận lợi cho hoạt động di chuyển tới những không gian công cộng. Có thể thiết kế những khu vực mới cho hoạt động của người dân và chợ địa phương, những khu vui chơi và những không gian trong lành yên tĩnh. Vùng Bắc Âu có nhiều không gian và thiết kế đô thị rất tuyệt vời, như Copenhagen và Amsterdam. Dublin có Temple Bar, hay Vương quốc Anh và London cũng có nhiều nơi như vậy.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện rất thú vị này!
Trần Nga (thực hiện)
- KTS Khương Văn Mười: “Tôi cứ thấy sông nước là… mê!”
- Biến đổi khí hậu: "Thách thức với Việt Nam rất lớn"
- Bài học quản lý dự án BOT từ cầu Phú Mỹ
- Làm đường kết hợp chỉnh trang đô thị (TP.HCM): Cần tính toán khoa học
- Vỉa hè Sài Gòn trong mắt giáo sư người Mỹ
- PGS.TS Vũ Thị Vinh: “Tăng trưởng xanh” là con đường ngắn nhất để phát triển bền vững
- Luật Đất đai (sửa đổi): Những điều vui và đôi điều đáng tiếc
- Nhân viên quản lý trật tự đô thị quận, huyện: Chỉ là tai mắt, không có quyền xử phạt!
- Họa sĩ Nguyễn Như Huy: Cần nhìn "quận nghệ thuật" trong ánh sáng toàn cầu hóa
- GS Hoàng Đạo Kính: "Cần cảnh tỉnh về nhân tai đối với di sản"