Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại KTS Khương Văn Mười: “Tôi cứ thấy sông nước là… mê!”

KTS Khương Văn Mười: “Tôi cứ thấy sông nước là… mê!”

Viết email In

Cuộc trò chuyện của Kiến trúc & Đời sống với KTS Khương Văn Mười – chủ tịch Hội KTS TP.HCM cuối năm Tỵ đầu năm Ngọ diễn ra ngay lúc báo chí thành phố tràn ngập thông tin về “triều cường lịch sử cao nhất trong 61 năm”. 

Thời sự ngập nước đan xen với thời sự năm 2013 của giới là quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 và quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM rộng 930ha chính thức được ban hành. Một “Sài Gòn đặc thù sông nước” đang trở thành hiện thực với hàng loạt dự án, công trình đã và đang thực hiện hoặc bắt đầu được triển khai ở Thủ Thiêm, Thanh Đa, Nhà Bè và ở các hệ thống kênh rạch như Tàu Hủ – Bến Nghé, Tham Lương, Nhiêu Lộc – Thị Nghè…  


Từ Thủ Thiêm nhìn về bến Bạch Đằng. Ảnh chụp tháng 10/2012. 

Thưa ông, chúng ta đã có “Ý tưởng quy hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm” và “Ý tưởng thiết kế đô thị khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM” đều là kết quả của các cuộc thi…

KTS Khương Văn Mười (ảnh bên): - Có thể nói đó là nỗ lực rất lớn của TP.HCM, thể hiện tầm nhìn của các cấp lãnh đạo thành phố trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của chúng ta. Đây là quy trình làm quy hoạch thường thấy trên thế giới. So với các địa phương khác trong nước, có thể nói ít địa phương nào làm được những bước như vậy. Năm 2003, ở cuộc thi Thủ Thiêm, ta đã nhận được 29 phương án của mười đơn vị trong nước và 15 đơn vị nước ngoài. Năm 2007, ở cuộc thi Ý tưởng thiết kế khu trung tâm có 12 đơn vị tư vấn trong và ngoài nước tham gia dự thi. Các cuộc thi được tổ chức bài bản, nghiêm túc, đúng luật. Các cuộc thi rất tốn kém cả về tiền bạc, vật chất, thời gian nhưng dưới góc nhìn chuyên môn, tôi nghĩ cái giá bỏ ra là xứng đáng. Chúng ta đã có được những ý tưởng quy hoạch có thể nói là tập hợp trí tuệ, công sức của tập thể các kiến trúc sư hàng đầu về quy hoạch. 

Nhưng dường như bà con còn chưa thấy được diện mạo đô thị từ các ý tưởng quy hoạch đã được duyệt. Thay vào đó là những bức xúc hàng ngày của một đô thị ngập nước… 

- Từ ý tưởng quy hoạch đến thực hiện là một quá trình, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Lấy ví dụ khu Thủ Thiêm, năm 2003 tổ chức thi, năm 2005 duyệt quy hoạch, năm 2012 điều chỉnh. Hiện nay ta vẫn đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng. Giữa khoảng thời gian đó là cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Ý tưởng quy hoạch chưa được thực hiện thì làm sao thấy được diện mạo đô thị.

Thưa ông, “Đó sẽ là thành phố nhiệt đới, thân thiện và có bản sắc, một thành phố mang đặc thù sông nước không giống với bất kỳ thành phố nào trong nước và trên thế giới”. Năm 2007, ông đã trả lời với KT&ĐS như vậy khi nhận xét về bản đồ án của Nikken Sekkei. Giờ đây, những ý tưởng đó đã được hiện thực hoá bằng quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu 930ha đã được ban hành. Xin ông chia sẻ nhận xét của mình về “đặc thù sông nước” của Sài Gòn – TP.HCM.

- Đặc thù sông nước trước hết là nằm trong lịch sử hình thành. Có thể nói thành phố này xuất phát từ sông nước, đã có thời giao thông thuỷ là chủ lực. Ghe hàng từ miền Tây đưa nông sản lên, đưa hàng thủ công nghiệp về. 

Những chi tiết này các nhà nghiên cứu đã nói nhiều. Tôi chỉ phân tích hiện tại. 

Hiện nay, giao thông đường bộ phát triển, giao thông thuỷ đã giảm đi vai trò của nó nhưng hệ thống sông rạch vẫn đang đóng vai trò quan trọng. Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch từ Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến Tân Hoá – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé… vẫn kết nối với mạng lưới sông rạch chung của miền Đông và miền Tây, có cửa sông đổ ra biển, có chế độ thuỷ lưu ổn định, không quá khắc nghiệt. Việc phát triển trở lại giao thông thuỷ đã được đặt ra.

Về cấu trúc đô thị, sông rạch là những khoảng không gian mặt nước tạo tính chất vi khí hậu; về kiến trúc, đó là không gian cảnh quan tạo nên đặc thù riêng không có ở các đô thị khác, nhất là so sánh các đô thị miền Trung và miền Bắc.

Nhưng dù sao đó vẫn là hình ảnh trong tương lai. Ông có thể lấy ví dụ cụ thể về hình ảnh một đô thị kết hợp sông nước? 

- Ở chừng mực nào đó, có thể coi khu đô thị Phú Mỹ Hưng là hình ảnh cụ thể của đô thị kết hợp và tổ chức khai thác được cảnh quan sông nước. Đô thị Phú Mỹ Hưng do KTS John Kriken, công ty Skidmore Owings & Merrill thiết kế trên khu đất sình lầy ở phía nam TP.HCM. Thời chưa có Phú Mỹ Hưng, về đến quận 4, quận 8 là coi như tận cùng phía nam thành phố. Nhờ có đại lộ Nguyễn Văn Linh kết nối ba quận 4, 6, 8 thành vùng đô thị. Tính chất đô thị kết hợp sông nước thể hiện khá rõ ở đây. Ở khu A đã triển khai có dòng sông cảnh quan làm trung tâm. Phú Mỹ Hưng có mảng xanh phủ mát quanh năm. Các dải đất ven mặt nước được sử dụng làm nơi công cộng và không gian mở này được dành cho tất cả mọi người thưởng ngoạn. Nhiều công viên lớn, nhỏ được tổ chức để tạo không gian. Hình thái kiến trúc kết hợp được với các dòng sông tạo nên cảnh quan đặc thù.

Tuy vẫn còn những điểm phải hoàn thiện, nhưng những lợi ích mà đô thị Phú Mỹ Hưng mang lại hiện đã có thể thấy được: một cộng đồng dân cư với nếp sống văn minh đã hình thành tại đô thị Phú Mỹ Hưng; giá bất động sản ở Phú Mỹ Hưng và khu vực lân cận đã tăng. 


Ảnh trên Chụp từ toà nhà Riveside Residen, Phú Mỹ Hưng tháng 12/2013. 

Trở lại với cuộc thi Ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu 930ha mà ông là một trong 11 thành viên Hội đồng tuyển chọn. Khi đó ông đã bỏ phiếu cho đồ án nào, vì sao?

- Tôi đã từng nhiều lần làm thành viên các hội đồng tuyển chọn, chấm giải ở các mức độ khác nhau. Có những đồ án tôi đọc và quyết rất nhanh. Riêng với đồ án 930ha, tôi phải tập trung suy xét, cân nhắc cả tuần. Đồ án của Công ty RTKL (Mỹ) là một đồ án hay về kinh tế đô thị. Nhưng đồ án của Nikken Sekkei thuyết phục tôi bởi nó có điểm vượt trội hơn là những không gian hoạt động cộng đồng kết nối với bờ sông. Nhìn vào đồ án có thể thấy được cái hồn, thấy được nhịp sống đô thị trong tương lai. Dọc sông Sài Gòn hiện nay là Tân Cảng, Ba Son, bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng rồi tiếp theo là Cảng Sài Gòn, những khu công nghiệp này sẽ bị di dời. Tính chất đô thị kết hợp với sông nước thể hiện rõ trong đồ án. Sông nước hình thành cảnh quan. Hình thái kiến trúc hai bên bờ sông phong phú hình khối kiến trúc và thiết kế đô thị có cao thấp, có gần có xa, có tiếp cận bờ sông. Cũng là bờ sông nhưng vẫn có không gian công cộng. Kiến trúc là để phục vụ con người. Mình quy hoạch là để tạo ra không gian đó. Nhịp điệu sống của người dân đô thị hướng ra đó. Chính những không gian, chính không khí sinh hoạt tạo ra diện mạo đô thị. Từ văn hoá, truyền thống, sinh hoạt cộng đồng cũng đều hướng ra sông, ở bờ sông. 

Cuộc thi Ý tưởng thiết kế đô thị khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng TP.HCM

Ngày 15/7/2007 bắt đầu cuộc thi. Có tám đơn vị nộp đồ án dự thi. Giải nhất thuộc về công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản), giải nhì là công ty RTKL và giải ba là viện Quy hoạch đô thị và nông thôn. Sau nhiều lần được đóng góp ý kiến và chỉnh sửa, công ty Nikken Sekkei đã hoàn chỉnh bản quy hoạch và UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM và ban hành vào đầu năm 2013. 

9 yêu cầu chủ yếu đối với sự phát triển của khu vực trung tâm thành phố mở rộng:

1. Tầm nhìn đối với khu vực trung tâm thành phố.
2. Phát triển cân bằng với Thủ Thiêm.
3. Bảo đảm tính khả thi và thu hút đầu tư.
4. Phát triển bền vững.
5. Củng cố và bổ sung thêm các chức năng.
6. Khai thác tốt cảnh quan sông Sài Gòn.
7. Quan tâm đến bảo tồn.
8. Tăng cường không gian công cộng và hệ thống cây xanh.
9. Tổ chức tốt hệ thống giao thông.

Giải nhất: ba yếu tố chủ đạo 

- Bản sắc: vừa bảo tồn công trình có giá trị kiến trúc vừa bảo tồn khu vực. Về phần phi vật thể, bảo tồn những hoạt động truyền thống như ngày lễ, hội của địa phương. 
- Sinh thái: tạo ra môi trường sống bền vững, không ô nhiễm, phủ xanh toàn khu trung tâm bằng mạng lưới xanh những con đường và bờ sông đầy cây cối. Những công viên lớn xây dựng từ thời Pháp thuộc và những công viên chạy dọc sông Sài Gòn đối diện khu đô thị mới Thủ Thiêm được gọi là vành đai sinh thái sẽ tạo thành một phần của mạng lưới xanh. Nhấn mạnh cảnh quan kết nối đô thị hai bên bờ sông để làm nổi bật đặc điểm đô thị đặc thù sông nước của Sài Gòn – TP.HCM. Làm sạch nước ô nhiễm của kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, di dời các khu công nghiệp ở kênh Tham Lương… xử lý ô nhiễm không khí, tiếng ồn.
- Tiện nghi: xây dựng một thành phố hiện đại có hệ thống giao thông thuận tiện cho cuộc sống đô thị. 

Nhìn qua Thủ Thiêm, ta thấy đó là một đô thị hiện đại, có bản sắc, bám vào bờ sông. Theo đồ án của Sasaki đã được phê duyệt, Thủ Thiêm có mật độ xây dựng thấp hơn khu trung tâm, có quảng trường thành phố, nhà hát giao hưởng, không gian sinh hoạt văn hoá công cộng dọc bờ sông. 

Đồ án của Nikken Sekkei kết nối được khu trung hiện hữu với đô thị mới Thủ Thiêm. Từ trung tâm thành phố hiện nay sẽ có cầu đi bộ qua Thủ Thiêm, sẽ hình thành một quảng trường nước ngay trên sông Sài Gòn. Tôi cũng được biết chủ trương là lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức thi tuyển phương án thiết kế cầu đi bộ là một công trình xứng tầm.

Ngập là thực tế mà nhiều người dân thành phố đã và đang phải đối mặt thường xuyên. Không kể những điểm yếu của công tác quản lý đô thị, dường như biến đổi khí hậu đã hiện diện trực tiếp chứ không còn ở trong dự báo nữa? Ông chia sẻ điều gì với bạn đọc?

- Có ngập triều cường và ngập do nước mưa. Thành phố ta phát triển đô thị từ nền tảng đô thị cũ. Sự phát triển trên mặt đất nhanh hơn so với hệ thống hạ tầng, cống thoát đã quá cũ. Ở một số nơi có xây mới, làm mới thì lại không kết hợp được cũ – mới. Trên thế giới cũng có nhiều thành phố trải qua các thời kỳ phát triển, phải đan xen cũ – mới như ta. Họ cũng bị ngập và cũng đã có nhiều giải pháp chống ngập. 

Tôi cũng nghe có ý kiến cho rằng “đừng lôi thế giới ra, cứ nói thế giới ngập thì mình cũng ngập như một sự đương nhiên; rằng nói chuyện ngập của thế giới để biện minh cho thực trạng của mình”. Tôi không nghĩ như vậy. Dẫn chứng thế giới để thấy đó là thực tế. Có nơi đã giải quyết được, giải quyết tốt hơn ta nhiều lần. Dẫn chứng để bàn bạc, nghiên cứu, tìm cách làm có hiệu quả như họ. Bức xúc thì ai cũng bức xúc, nhưng chung tay chia sẻ, giải quyết mới là chuyện đáng làm. Thấy yếu kém thì bức xúc, bức xúc thì chê trách, chê trách đến mức phủ nhận hoàn toàn mọi thứ kể cả những thứ đã làm được thì rõ ràng là thái độ tiêu cực. Người làm khoa học cần phải nhìn thẳng thực tế để thấy yếu kém. Nhưng thấy yếu kém để tìm cách vươn lên chứ không phải thấy yếu kém là phủ nhận hết cả mọi cố gắng. Ta phải khách quan với những điều làm được và chưa làm được. Chưa làm được không có nghĩa là không làm được. Ở ta hiện nay còn nhiều vấn đề tính toán chưa ra. Thấy triều cường thì nghĩ đến đê. Đê vừa làm sông mất cảnh quan, vừa khiến thành phố thấp hơn mặt nước chung, vậy là môi trường không tốt. Có thể là ngăn nước từ xa, như thế nào còn phải tính cụ thể. Ta phải cần rất nhiều nỗ lực và những bước đi cụ thể. 


Đại Lộ Đông Tây.
Ảnh TL chụp tháng 4/2012. 

Ông sinh ở Cù Lao Phố, Biên Hoà. Ở cuộc thi Ý tưởng thiết kế trung tâm hiện hữu TP.HCM, ông là thành viên Hội đồng tuyển chọn. Dòng sông thời thơ ấu có tạo dấu ấn gì trong công việc của ông?

- Nhà tôi nằm giữa vườn bưởi ven sông ở Cù Lao Phố, Biên Hoà. Sông là nơi sinh hoạt hàng ngày. Gia đình tôi và bà con làng xóm hàng ngày tắm giặt, câu cá, xách nước tưới cây… Mùa lũ, cây trôi về, chúng tôi ra kéo cây để làm chất đốt. Dòng sông gắn chặt với đời sống của người dân. Khi lớn hơn, tôi cũng có nhiều lần chèo xuồng dọc theo cù lao. Với cá nhân tôi, làm quy hoạch, thiết kế công trình, nơi nào có sông, có hồ, có mặt nước tôi đều rất thích, đều tìm cách khai thác lợi thế sông nước. Dòng sông không chỉ tạo cảnh quan, tạo nên một vùng vi khí hậu, giảm bớt bức xạ mặt trời mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng sống động, không gian văn hoá. Tôi cứ thấy sông nước là… mê! 

Hy Hưng (Kiến trúc & Đời sống /thực hiện) - ảnh: Thu Vân 

- Cuộc thi Ý tưởng quy hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm đã nhận được 29 phương án của mười đơn vị trong nước và 15 đơn vị nước ngoài. 
- Ngày 24/6/2003, ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chính thức công bố kết quả cuộc thi Ý tưởng quy hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Kết quả: không có giải nhất; giải nhì thuộc về công ty Sasaki Associates (Mỹ) với đồ án số 7; giải ba thuộc về đồ án số 6 của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (bộ Xây dựng) phối hợp với Atelier Urban Design (Nhật Bản). Ngoài ra còn có bốn giải khuyến khích. 
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 770ha, trong đó diện tích mặt đất và sông rạch 640ha, diện tích mặt nước sông Sài Gòn bao quanh khu đô thị là 130ha. Đề án quy hoạch Thủ Thiêm khai thác triệt để thế mạnh sông nước và cây xanh của Thủ Thiêm và hướng đến một đô thị sinh thái. 
- Công ty Sasaki Associates đã được chọn để hoàn chỉnh đồ án quy hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị Thủ Thiêm. Năm 2004, Sasaki đã trình bày sản phẩm chính thức là thiết kế khu đô thị mới Thủ Thiêm trước UBND TP.HCM. Năm 2005, UBND TP.HCM đã duyệt quy hoạch này và năm 2012 đã có điều chỉnh. 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2449 khách Trực tuyến

Quảng cáo