Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại GS Hoàng Đạo Kính: Đừng "rượt đuổi" theo hai chữ bảo tồn

GS Hoàng Đạo Kính: Đừng "rượt đuổi" theo hai chữ bảo tồn

Viết email In

“Trung Quốc có diện tích mênh mông và bề dày văn hóa như vậy mà sở hữu số di tích cấp quốc gia chỉ bằng phân nửa Việt Nam. Có nghĩa, việc ôm một lượng di tích, di sản quá rộng, không tương ứng với năng lực thực tế sẽ làm chúng ta kiệt quệ và mất đi cơ hội bảo tồn những tinh hoa đích thực”, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, nhận xét.

Năm qua dân làng cổ Đường Lâm đòi “trả lại” bằng di tích để được xây nhà mới, một cây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc tốn bao bài báo tranh luận, hay dự án giãn dân phố cổ Hà Nội nhiều năm thực hiện vẫn vô cùng chậm chạp… Có nhiều di sản đôi khi cũng không lấy gì làm “sung sướng” phải không thưa ông?

GS Hoàng Đạo Kính (ảnh bên): - Vấn đề khả thi của chuyện bảo tồn đang đặt ra với toàn bộ hệ thống di sản của chúng ta. Toàn quốc đang có tới gần 4 vạn di tích các loại được xếp hạng mà di tích nào cũng cần trùng tu cả. Một di tích trung bình cần đầu tư 10 tỷ đồng cho mỗi lần trùng tu, vậy tổng kinh phí sẽ là bao nhiêu? Riêng Hà Nội đã có 5.100 di tích. Thậm chí, chỉ một phường Văn Miếu gần nhà tôi đã có 5 ngôi chùa được xếp hạng các loại, trong đó có ngôi chùa “sinh” năm 1938, tức là chỉ hơn tôi vài tuổi thôi. Ngày xưa, trong một giai đoạn nhất định, chúng ta xếp hạng để bảo vệ và giữ cho được chùa. Bây giờ, chuyện phá bỏ đình chùa của một thời không còn nữa, thậm chí người ta lại còn đua nhau xây thêm. Duy trì, bảo tồn tràn lan di tích như vậy và trông cả vào nguồn kinh phí Nhà nước, vào trách nhiệm của các ngành quản lý thì có làm nổi không?

Chuyện làng cổ cũng thế thôi, thậm chí còn khổ hơn bảo tồn di tích nhiều lần. Hà Nội có nhiều ngôi làng cổ mang giá trị văn hóa, là hình ảnh của sự chuyển tiếp mềm mại trong lịch sử đô thị hóa đầu thế kỷ trước. Nhưng bây giờ, với tình trạng đường sá, hạ tầng cơ sở, dân cư chen chúc nhau, đó lại là những dị thể đang tồn tại trong lòng một đô thị phát triển. Duy trì được những ngôi làng bình thường thôi, để không bị đô thị “nuốt chửng” đã là điều khó tưởng rồi.

Quê ngoại tôi ở làng Đại Yên, thuộc đất “Thập tam trại” của Thăng Long xưa. Giá trị lịch sử thì cao, nhưng trong làng bây giờ thì vô cùng chật chội, ô nhiễm, cư dân cãi lộn đánh chửi nhau suốt ngày. Có nghĩa, đó là những di sản đô thị nhưng đồng thời cũng là những ứ tồn lịch sử. Hoặc, gọi cho đúng, đó cũng là những khu ổ chuột của thời văn minh. Việc giải quyết những ứ tồn ấy còn khó khăn và tốn thời gian hơn nhiều so với ý tưởng “giải tán” những khu nhà tập thể lắp ghép thời Xã hội chủ nghĩa đang nằm trong lòng Hà Nội đấy.

Có nghĩa là theo ông chúng ta đang “tham” quá?

- Cuối cùng, vẫn là câu chuyện ta phải xét tới tính khả thi để điều chỉnh đối tượng bảo tồn thôi. Đành rằng di tích, di sản là hồn của dân tộc mình, nhưng ta thích mà không giữ được thì dở vô cùng. Bây giờ, với trào lưu bảo tồn tràn lan, các di tích cấp tỉnh, cấp thành phố đều có xu hướng xin được nâng lên cấp quốc gia. Rồi chạy đua để thành di tích quốc gia đặc biệt, thành di sản của UNESCO nữa. Cuộc chạy đua như thế vô hình đang đi ngược lại cơ may mà thế hệ chúng ta đang cố làm trong khả năng của mình: giữ cho được, duy trì cho được, bênh vực cho được những tinh hoa thật sự.

Nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: đặt trong xu thế tìm về cội nguồn hiện nay, chúng ta đang có quá nhiều những người đặt di sản xưa trong một khoảng cách lý tưởng rồi đứng ở xa mà xuýt xoa ca ngợi - trong khi lại quá ít những trí thức tìm cách “đứng gần” và tiếp cận di sản bằng một cái nhìn văn hóa cần thiết.

"Chúng ta tiếc gốc đa, giếng nước, gốc cây, vườn cảnh… trong khi người dân thấy cuộc sống như vậy không tiện nghi. 95% người dân tại một xã của Hải Dương không muốn sống trong những ngôi nhà cũ."

- Vậy thì chúng ta sẽ phải tiếp tục cuộc rượt đuổi quanh vấn đề bảo tồn. Càng giữ tràn lan, chúng ta lại càng gặp nhiều thách thức và càng dễ bỏ qua, không tập trung bảo tồn những gì bức thiết nhất. Bởi cuộc sống là sự đào thải dần những gì không phù hợp với quy luật vận động của nó. Để tồn tại được tới bây giờ, rất nhiều những di tích, di sản trong lịch sử cũng đã trải qua những cuộc đào thải, thanh lọc tự thân rồi.

Thật lòng, theo nghề bảo tồn 40 năm nay, tôi chỉ muốn nói: chúng ta hãy cố hiểu cuộc sống của những người dân tại các làng cổ đi, chứ đừng mãi hoài niệm một cách duy ý chí. Vài năm trước, xuống điều tra một xã tại Hải Dương, chúng tôi được biết, 95% người dân bản địa không muốn sống trong những ngôi nhà cũ. Chúng ta tiếc gốc đa, giếng nước, gốc cây, vườn cảnh nọ kia, trong khi họ thấy cuộc sống như vậy là không tiện nghi, không khép kín, và muốn sửa theo kiểu cũ thì cũng không biết tìm đủ tre gỗ ở đâu để sửa. Và muốn bảo tồn tràn lan, thì chúng ta có đủ sức bắt cả vạn người ở trong những gian nhà 3 gian 2 chái truyền thống như vậy được không?

Như vậy, nghĩa là chúng ta phải bảo tồn chọn lọc, và chấp nhận để những di sản không có nhiều giá trị tự biến đổi theo quy luật của xã hội?

- Việc bảo tồn những gì phải nghiên cứu thấu đáo, từ đó có cuộc sàng lọc để bảo tồn những gì bức thiết nhất. Và như tôi đã nói nhiều lần, chúng ta cần phân biệt rõ di tích và di sản kiến trúc - những thiết chế cộng cư sống động và đang diễn ra những hoạt động bình thường và tiếp nối của cuộc sống. Bắt những di sản này phải được bảo tồn như các đình, chùa, miếu cụ thể thì không thể được.

Chẳng hạn, về di sản kiến trúc đô thị và di sản kiến trúc nông thôn, Hà Nội có 2 trường hợp điển hình là khu phố cổ và làng cổ Đường Lâm. Tập trung đầu tư và giữ thật tốt 2 di sản này đã là đáng mừng lắm rồi. Bởi, muốn bảo tồn 2 trường hợp ấy, chúng ta lại phải nghiên cứu đầy đủ để giữ được hồn cốt, nếp sống và những giá trị văn hóa phi vật thể kèm theo nó. Nghĩa là phải có chính sách đi từ thực tế để có sự cộng sinh hài hòa giữa nhu cầu bảo tồn và việc phát triển đời sống của người dân nơi đây, chứ không thể áp đặt một cách khiên cưỡng máy móc được đâu.

Sơn Tùng (TT&VH Cuối tuần /thực hiện)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2063 khách Trực tuyến

Quảng cáo