Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho rằng giải thích của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) và UBND thành phố Hà Nội vừa qua chưa thỏa đáng. Cần làm rõ nguyên nhân điều chỉnh đường Trường Chinh từ thẳng sang cong.
KTS Trần Ngọc Chính cho biết: Năm 1998, Chính phủ đã ký Quyết định 108 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và bản quy hoạch này có ý nghĩa pháp lý quan trọng đối với tuyến đường Trường Chinh. Về nguyên tắc nếu làm khác so với quy hoạch đó đều phải xin ý kiến Thủ tướng vì đây là tuyến đường vành đai.
Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa trong đó có đường Trường Chinh đã được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt năm 2000. Quy hoạch chi tiết này có giá trị pháp lý rất cao. Tôi được biết tuyến đường Trường Chinh mà thành phố duyệt khi đó là đường thẳng. Trước đây đường “tàu bay” cũng đã thẳng vậy bây giờ sao lại bảo là cong?
Hà Nội cho rằng phải điều chỉnh phương án vì có ý kiến của Bộ Quốc phòng, ông nghĩ sao về giải thích này?
- Việc mở rộng về bên nào cụ thể sẽ do cơ quan quản lý quyết định trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát tính toán rất cụ thể, khoa học.
Đoạn từ ao Hố Mẻ đến sông Lừ về phía nam là căn cứ quân sự. Nếu như có vấn đề gì về quân sự mang tính bất thường, đặc biệt quan trọng thì Bộ Quốc phòng phải có ý kiến. Một số nhân chứng cho rằng, đất đó là đất doanh trại bình thường thì trong trường hợp này cũng giống như đất dân sự thôi.
Tôi muốn nói rằng, người làm quy hoạch phải tận tâm, hết mình và khi gặp vướng mắc phải sẵn sàng đàm phán, đấu tranh để điều chỉnh cho hợp lý.
Đại diện Sở QHKT Hà Nội giải thích là “cong mềm mại” vậy như thế nào là “cong mềm mại”? Về lý mà nói cong nhiều hay cong ít cũng là cong! |
Rõ ràng tuyến đường Trường Chinh được quy hoạch thẳng vào tháng 4/2000 đã chứng minh rằng không ảnh hưởng gì đến mục tiêu quốc phòng vì nếu ảnh hưởng thì ngay khi đó Bộ Quốc phòng đã có ý kiến rồi. Như vậy, khi lập dự án làm đường cứ theo đó mà làm. Có cơ quan trả lời báo chí là làm cong thì tiết kiệm hơn là không đúng, cong sẽ dài hơn thẳng và tốn kém hơn.
Theo ông, cơ quan chức năng cần làm gì để giải quyết tình trạng hiện nay?
- Bộ Quốc phòng phải có ý kiến giải thích rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu. Điều chỉnh quy hoạch có lợi cho đất nước thì hoàn toàn nhất trí, điều này pháp luật cho phép, cần làm. Nếu không có công trình quân sự gì đặc biệt mà lại phải điều chỉnh thì tôi rất lo ngại.
Nếu Bộ Quốc phòng không có ý kiến thỏa đáng thì việc điều chỉnh từ thẳng thành cong là có uẩn khúc và phải được làm rõ để nâng cao niềm tin của người dân vào quy hoạch, vào chính quyền, pháp luật.
Việc dư luận cho rằng, điều chỉnh quy hoạch để “né nhà quan” cũng phải làm rõ. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Cách đây chưa lâu, hàng vạn hộ dân đã phải di dời nhà, mồ mả bao đời để dành đất xây công trình thủy điện Sơn La và nhiều công trình khác. Cho nên nếu trả công cán bộ bằng cách “nắn” đường thì không chấp nhận được.
Phải vì lợi ích chungTrao đổi với Tiền Phong, ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An nhấn mạnh “dự án đường Trường Chinh phải phục vụ cho đại đa số nhân dân, phải vì lợi ích chung, lợi ích của đất nước”. Theo bà An, về nguyên tắc, đường phải thẳng thì giao thông mới hiệu quả. Các cơ quan chức năng và lãnh đạo Hà Nội cần làm rõ xem, trong phần bị nắn cong đó có những cơ quan, đơn vị nào của Quốc phòng, của người dân. Nếu đúng là có những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thì có khi phải chấp nhận nắn cong, nếu không có phương án khác. Vấn đề này phải minh bạch. Còn nếu ở đó chỉ có công trình thông thường, không quan trọng, nhà dân... phải xem xét lại. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc khẳng định đã tiếp nhận thông tin đường Trường Chinh bị uốn cong qua báo chí. Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, trong thời gian tới sẽ tới thực địa để vào cuộc giám sát sự việc này. |
Nguyễn Tuấn - C.K (Tiền Phong /thực hiện)
- Khanh AA kể chuyện tăng trưởng
- Di tích: Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?
- Quảng Nam: Gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị các di sản
- Mơ hồ kiểm soát chất lượng không khí
- Nỗi đau “ba không” về đất đai
- Nên đặt giá trần với nhà ở xã hội?
- Đà Nẵng có đúng là thành phố đáng sống?
- 3 phương án cứu cầu Long Biên của Bộ GTVT: Vô lý, không tưởng, thực dụng!
- Phỏng vấn KTS Ngô Viết Nam Sơn về sáng tạo kiến trúc và kiến trúc xanh
- GS Hoàng Đạo Kính: Đừng "rượt đuổi" theo hai chữ bảo tồn