Đó là khẳng định của các chuyên gia môi trường đối với thực trạng chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM. Nguyên nhân là do công nghệ đo đạc, quan trắc chất lượng không khí tự động của TP đã bị hư hỏng từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được khắc phục. Những số liệu chất lượng không khí hiện tại dựa vào thông số đo đạc thủ công. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM.
Thành phố ồn ào hàng đầu thế giới
Phóng viên: Là người có nhiều công trình nghiên cứu về chất lượng không khí của TPHCM, ông có thể cho biết hiện trạng chất lượng không khí TP hiện nay?
PGS Nguyễn Đinh Tuấn: - Phải nói là rất ô nhiễm, nặng nhất là ô nhiễm bụi. Kế đến độ ồn, nồng độ các chất CO2, SO2, NO2, ozon, benzen và chì... Điều này được thể hiện rất rõ khi có đến 94% số liệu quan trắc về bụi đều không đạt tiêu chuẩn cho phép. Tại một số khu vực có mật độ giao thông lớn như An Sương, tỷ lệ quan trắc cho thấy có đến 100% mẫu quan trắc bụi cho ra kết quả không đạt chuẩn. Còn mức độ ồn, TPHCM là một trong những TP ồn nhất thế giới khi có đến 100% mẫu quan trắc đều không đạt tiêu chuẩn cho phép. Mức độ ồn vượt quy chuẩn cho phép phân bổ rộng khắp trên các tuyến đường, nhất là những tuyến đường trọng điểm của thành phố. Riêng hàm lượng chì so với năm 2012 có cao hơn và vào những thời điểm nhất định có vượt chuẩn cho phép. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy dao động mức độ ô nhiễm chì thường tăng đột biến vào thời điểm giá xăng tăng giá...
- Ảnh bên: Kẹt xe là một trong những nguyên nhân gây gia tăng ô nhiễm không khí. (Ảnh: Phạm Cao Minh)
Thực trạng trên sẽ có những tác động như thế nào đến sức khỏe người dân sống tại TP, thưa ông?
- Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào có thể chỉ ra đầy đủ và chi tiết về những tác hại của không khí đến sức khỏe của người dân cũng như diễn biến bệnh sau nhiều năm tiếp xúc nguồn không khí ô nhiễm này. Tuy nhiên, dựa trên những nghiên cứu mà tôi có được thì có thể khẳng định, những chất ô nhiễm như bụi, NO2, SO2, ozon có thể gây nên những căn bệnh liên quan đến hệ hô hấp ở người. Còn chất toluen, benzen gây nên những căn bệnh ung thư... Năm 2013, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức công nhận hiện trạng ô nhiễm không khí tại nhiều nước trên thế giới là nguyên nhân gây nên những căn bệnh ung thư ở người. Và TPHCM là một trong 10 thành phố có chất lượng không khí ô nhiễm nhất thế giới. Riêng tại TPHCM, theo nghiên cứu mà chúng tôi có được trên đối tượng là trẻ em - đối tượng chưa bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ô nhiễm khác thì ô nhiễm không khí đang gây nên những tác động nhất định. Đặc biệt, ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến cho mật độ trẻ em mắc các bệnh hô hấp ngày càng gia tăng. Tại những khu vực có nồng độ ô nhiễm cao thì tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hô hấp cũng cao hơn những khu vực khác có chất lượng không khí tốt hơn.
Thiếu công nghệ, mơ hồ về chất lượng không khí
Theo ông, hiện khu vực nào của TPHCM có chất lượng không khí ô nhiễm nhất?
- Tính đến thời điểm hiện nay có thể tạm chia như sau: Khu vực nội thành chịu ô nhiễm nhiều từ hoạt động giao thông do mật độ phương tiện tham gia giao thông đông. Còn khu vực ngoại thành, trước năm 2003 có chất lượng môi trường không khí khá tốt. Tuy nhiên, khi thành phố thực hiện chủ trương di dời cơ sở ô nhiễm từ khu vực nội thành ra ngoại thành thì tại khu vực ngoại thành, chất lượng không khí ngày càng xấu đi. Mặt khác, những nghiên cứu cũng như kết quả để có thể khẳng định một cách chắc chắn mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố đến mức nào thì chưa thể được. Nguyên nhân là do thiếu hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động - một trong những công nghệ không thể thiếu để quản lý môi trường không khí tại TPHCM.
Điều này có nghĩa là tại TPHCM không có công nghệ đo đạc không khí tự động?
- Không hoàn toàn như vậy. Thật ra, TPHCM đã được đầu tư 9 trạm quan trắc tự động. Cộng với một số trạm quan trắc bán tự động. Tuy nhiên, từ năm 2009, 9 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động đã bị xuống cấp nhưng không được sửa chữa kịp thời. Đến nay, gần như không còn hoạt động nữa. Những kết quả quan trắc chất lượng không khí hiện có chỉ phụ thuộc vào quan trắc bán tự động. Mà các quan trắc này chỉ cho kết quả ngẫu nhiên, hoàn toàn không thể cung cấp số liệu đủ tin cậy để đưa ra kết quả chính xác cũng như dự báo, cảnh báo về xu hướng, diễn biến chất lượng không khí.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp để có thể khắc phục những bất cập trên cũng như bảo đảm chất lượng không khí tại TP?
- Muốn đưa ra bất kỳ giải pháp nào thì việc đầu tiên phải làm chính là phải đầu tư lại hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động. Bởi có quan trắc liên lục trong 24/24 giờ và 365 ngày trong năm thì mới đưa ra số liệu chắc chắn về diễn biến chất lượng không khí. Từ đó, định rõ nồng độ chất nào vượt tiêu chuẩn cho phép, xác định nguyên nhân. Cuối cùng mới đề xuất giải pháp phù hợp với nguyên nhân gây nên ô nhiễm trên. Còn với tư liệu chỉ có tính chất tổng hợp như hiện nay thì việc quản lý chất lượng môi trường không khí chỉ là mơ hồ. Còn áp dụng giải pháp gì cũng chỉ mang tính chất phỏng đoán.
PGS Nguyễn Đinh Tuấn đang tư vấn tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2013 (Ảnh: Như Hùng /Tuổi Trẻ)
Phúc Anh (thực hiện /SGGP)
- Di sản và câu chuyện kinh doanh văn hóa của du lịch Việt Nam
- Làm thế nào công trình xây dựng có thể đạt tiêu chuẩn xanh?
- Khanh AA kể chuyện tăng trưởng
- Di tích: Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?
- Quảng Nam: Gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị các di sản
- Nỗi đau “ba không” về đất đai
- KTS Trần Ngọc Chính: “Cần làm rõ nguyên nhân điều chỉnh đường Trường Chinh”
- Nên đặt giá trần với nhà ở xã hội?
- Đà Nẵng có đúng là thành phố đáng sống?
- 3 phương án cứu cầu Long Biên của Bộ GTVT: Vô lý, không tưởng, thực dụng!