Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Đối thoại Di tích: Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?

Di tích: Xếp hạng nhiều, giữ được bao nhiêu?

Viết email In

Đó là trăn trở của GS.KTS Hoàng Đạo Kính (ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) - người đã làm bảo tồn từ năm 1971, trực tiếp tham gia trùng tu di tích trong bốn thập kỷ. 

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông nói: “Hiện nay số lượng di tích đã được công nhận quá lớn. Cấp quốc gia lên tới gần 3.200 di tích (theo số liệu của Cục Di sản văn hóa tính đến hết năm 2013), nhiều hơn số di tích được công nhận ở các nước có di sản văn hóa đồ sộ. Đó là chưa kể đến di tích cấp tỉnh, thành phố. Di tích cấp quốc gia đặc biệt cũng đang tiến tới 100. Xu hướng lâu nay là vận động “lên đời” cho di tích: di tích cấp tỉnh, thành phố thì lên cấp quốc gia; quốc gia thì lên quốc gia đặc biệt; rồi quốc gia đặc biệt thì cố vươn lên tầm quốc tế. Tất cả dẫn đến nạn lạm phát về nhìn nhận giá trị, lạm phát về việc công nhận di tích. Chúng ta xếp hạng di tích quá tràn lan, quá vung tay. Không phải mọi cái thuộc về dĩ vãng đều là di tích”.  


Giáo sư Hoàng Đạo Kính. (nguồn: Ashui.com)

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, ông đánh giá như thế nào về khả năng thực tế cứu vãn và giữ gìn lâu dài số lượng di tích đồ sộ như vậy?

"Tôi cho rằng chúng ta không thể bảo tồn tràn lan. Bảo tồn mà không giữ lại được những giá trị gốc thì mọi thứ trở nên vô nghĩa"

GS.KTS Hoàng Đạo Kính

GS Hoàng Đạo Kính: - Hãy làm một phép tính đơn giản như sau: ta có khoảng 3.200 di tích quốc gia. Nếu đầu tư tối thiểu cho một dự án trùng tu di tích là 10-20 tỉ đồng thì cần tới 32.000-64.000 tỉ đồng. Câu hỏi rất lớn đặt ra là: Tiền ở đâu? Thực tế để trùng tu và tôn tạo một di tích hiện nay, con số lên tới 50-100 tỉ đồng. Thậm chí, tiền tu bổ còn cao hơn cả tiền xây dựng ban đầu. Trong trùng tu, nguồn tiền từ Nhà nước là chính, còn nguồn xã hội hóa thì hạn chế. Do đó, rõ là ta không thể có hàng vạn tỉ đồng để đầu tư cho trùng tu, bảo trì di tích với số lượng hàng ngàn như vậy. 

Ta cũng không thể nào có đủ nguyên vật liệu truyền thống để trùng tu tất cả di tích đã xếp hạng. Trong 3.200 di tích thì 1.500 là di tích kiến trúc nghệ thuật, đòi hỏi 100% phải dùng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu). Chưa kể các di tích lịch sử khác hầu hết cũng phải dùng gỗ tứ thiết. Tiếp tục phép tính: một di tích trung bình dùng tới 20-30m³ gỗ, thì chỉ riêng di tích kiến trúc nghệ thuật sẽ cần tới 30.000-45.000m3 gỗ tứ thiết. Vậy, số gỗ đó lấy ở đâu ra khi ở VN gỗ tứ thiết đã cạn kiệt. Ở các nước láng giềng, hoặc ngay cả Nam Phi nguồn cung ứng cũng không phải vô tận.

Như vậy cả về tiền, về nguồn vật liệu, việc trùng tu cứu vãn và trùng tu bảo tồn khối lượng di tích đã được xếp hạng là hoàn toàn bất khả thi. Những gì làm được quá nhỏ so với nhu cầu. 

Mặt khác, chúng ta không có đủ nghệ nhân, thợ giỏi để trùng tu theo đúng truyền thống và khoa học cho hàng nghìn di tích. Bây giờ nghệ nhân, thợ giỏi quá hiếm! Và những ai, những cơ quan nào sẽ có khả năng và đủ sức, đủ tầm quản lý kỹ thuật trùng tu, nhất là với số lượng lớn, trải rộng khắp nước như thế? Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hóa chăng? Làm sao có thể chỉ dẫn, hướng dẫn, kiểm tra việc trùng tu, tôn tạo? Vì vậy, xét về mặt kỹ thuật trùng tu và quản lý cũng không khả thi nốt. 


Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang tiến hành phục hồi phần mái phía bắc Phu Văn Lâu bị sập sáng 15/5 với tổng mức đầu tư gần 100 triệu đồng, dự kiến hoàn thành ngày 5/6
(Ảnh: Thái Lộc) 

Vậy thưa ông, trong tất cả những sự bất khả thi ấy, việc bảo tồn những tinh hoa của di sản văn hóa dân tộc liệu còn bao nhiêu phần trăm cơ hội?

- Muốn việc bảo tồn tinh hoa di sản văn hóa dân tộc trở thành khả thi thì trước tiên phải tổng rà soát lại việc công nhận di tích. Đã đến lúc phải chấm dứt quá trình “nâng đời” cho di tích. Một khi “lạm phát” di tích thì việc bảo tồn trở thành bất khả thi. Tiếp đó, phải xác định cho được danh sách những tinh hoa của di sản văn hóa vật thể dân tộc trên các cơ sở như: giá trị kiệt xuất, tiêu biểu, có một không hai; có khả năng thực tế để bảo tồn, trùng tu; có thể đảm bảo việc bảo tồn, trùng tu tôn tạo bắt buộc theo bài bản khoa học. Danh sách ấy phải gọn hơn nhiều. Nếu cứ ôm đồm là đứng trước nguy cơ mất mát. 

Bên cạnh đó, phải xây dựng các quy chế cụ thể trong ứng xử với di tích theo các thang bậc khác nhau. Với di tích là tinh hoa phải bảo tồn như thế nào, với di tích nói chung, với di tích đang hoạt động phải bảo tồn ra sao. Bởi vì các di tích đang sống thì phải để cho nó thở, tức là vừa giữ vừa phát triển tiếp nối. Không thể để hàng trăm ngôi chùa, ngôi đền đang sống bình thường mà vẫn phải đứng yên như cũ. Thực tế ta cũng không tài nào bắt chúng đứng yên, nên xác định ở các di tích sống này cái gì phải giữ nguyên, cái gì có thể bổ sung hoặc thay đổi. 

Cần dứt khoát không ứng xử với các di tích như với các công trình xây dựng cơ bản. Ví dụ, cần phải có quy chế riêng, đơn giá riêng, thợ chuyên nghiệp, làm rõ sự khác biệt giữa trùng tu với xây dựng. Rất nhiều cuộc trùng tu lại bị đánh đồng với xây dựng cơ bản dẫn đến di tích bị “cải lão hoàn đồng”. Rốt cuộc cứu mà hóa triệt. 

Tôi cho rằng chúng ta không thể bảo tồn tràn lan. Phải bảo tồn khả thi, căn cơ. Phải nhìn vào những khả năng thực tế mà lo toan việc bảo tồn. Nếu cứ làm như hiện nay thì khả năng mất nhiều hơn là giữ. Bảo tồn mà không giữ lại được những giá trị gốc thì mọi thứ trở nên vô nghĩa. 

Hà Hương (Tuổi Trẻ /thực hiện) 

Đừng để lại một di sản chắp vá 

Thực trạng mà loạt bài của Tuổi Trẻ (ngày 27, 28, 29/5) vừa lên tiếng làm nảy sinh một câu hỏi: Trong những năm gần đây, tốc độ và số lượng di tích được công nhận ở các cấp, nhất là di tích cấp quốc gia, tỉ lệ thuận hay tỉ lệ nghịch với số lượng các di tích được bảo tồn và phát huy giá trị tốt? 

1. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng chính là việc ồ ạt công nhận di tích ở các cấp. Việc công nhận này đang trở thành “phong trào”, số lượng quá nhiều, do đó nhiều di tích chưa thật sự có giá trị tiêu biểu. Hệ thống di tích được công nhận cấp quốc gia phải phản ánh đặc trưng lịch sử - văn hóa quốc gia, vì vậy cần nghiêm túc xem xét giá trị các mặt của di tích. Nếu quá “tham” về số lượng, tất cả đều trở thành đối tượng phải tôn thờ, bất khả xâm phạm thì không một quốc gia nào đủ nguồn lực để bảo tồn tất cả “di sản văn hóa”.

Di tích lịch sử văn hóa nếu có giá trị địa phương (làng, xã, liên làng), khi nâng lên tầm quốc gia, vùng miền thì để xứng với danh đó sẽ phải trùng tu tôn tạo, tổ chức quy mô “hoành tráng” hơn, vô hình trung gán cho di tích những giá trị ảo từ nội dung đến hình thức kiến trúc, trang trí... Khi không đủ kinh phí nhà nước để bảo tồn hay trùng tu, thậm chí dưới danh nghĩa trùng tu để làm mới di tích, thì địa phương thường huy động các nguồn kinh phí khác. Tuy nhiên “chủ đầu tư” thường có vai trò quyết định chứ không phải là các nhà khoa học trong việc bảo tồn trùng tu di tích như thế nào. Tình hình kéo dài như vậy làm cho các di tích dù cấp nào cũng dần dần trở nên giống nhau ở xu hướng ngày càng “hoành tráng”, thậm chí không còn nhận ra yếu tố truyền thống nữa. Di tích vì thế trở nên thật giả lẫn lộn về giá trị, về nội dung...

2. Thế nhưng ở một góc độ khác, những di tích thật sự có giá trị lại đang không được bảo tồn, trùng tu một cách xứng đáng. 

TP.HCM có hai di tích khảo cổ học cấp quốc gia nổi tiếng đại diện cho hai thời kỳ lịch sử - văn hóa của thành phố. Di tích Giồng Cá Vồ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) khai quật năm 1994, là loại hình di tích mộ táng bằng chum gốm còn nguyên di cốt và nhiều đồ tùy táng quý giá, thuộc nền văn hóa khảo cổ Đồng Nai niên đại khoảng 2.500 năm cách ngày nay. Từ nhiều năm nay di tích này đã được Sở VH-TT&DL TP.HCM lập phương án tiếp tục khai quật và lập bảo tàng tại chỗ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - du lịch phối hợp với vùng du lịch sinh thái Cần Giờ. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa tiến triển được mặc dù sở và huyện Cần Giờ rất tích cực bàn tính và tham khảo ý kiến các nhà khoa học để có thể đưa ra phương án phù hợp nhất. Điều đáng ghi nhận là Giồng Cá Vồ đã được huyện Cần Giờ đền bù đất để giải tỏa, bảo vệ di tích. Nhưng với đặc điểm là di tích mộ chum nằm dưới lòng đất, nếu để càng lâu các chum này càng hư hỏng nặng hơn, không thể bảo tồn được di cốt và đồ tùy táng trong đó. Chúng ta có nguy cơ mất một di tích khảo cổ học có giá trị đặc biệt quý hiếm đối với khảo cổ học VN và Đông Nam Á.

Lò gốm cổ Hưng Lợi (P.16, Q.8) lại là di tích hiếm hoi của “Xóm lò gốm Sài Gòn xưa”, niên đại khoảng thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Di tích này thì gặp khó khăn khác là việc đền bù đất đai cho người dân không được, nên mặc dù được khai quật và công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1998 nhưng tới nay di tích này trở thành “phế tích” đúng nghĩa. Do không được bảo vệ và bảo tồn trùng tu kịp thời nên giờ đây di tích hư hỏng rất nặng. Cứ thế này chỉ vài năm nữa di tích sẽ bị “xóa sổ” vì không còn ai biết đến.

3. Để bảo tồn di tích thật sự có hiệu quả cần bắt đầu lại từ việc rà soát hệ thống di tích cấp quốc gia, sau đó là di tích cấp tỉnh thành - với những tiêu chí thật sự khoa học và đặt trong bối cảnh của phát triển kinh tế - xã hội, của đời sống cộng đồng đang có nhiều biến đổi để có thể xem xét công nhận đúng với giá trị thật sự tiêu biểu của từng di tích. Nếu cứ công nhận tràn lan và bảo tồn không đến nơi đến chốn như hiện nay, có lẽ thế hệ sau sẽ nhận lại từ chúng ta một di sản văn hóa chắp vá, loang lổ và mục nát.

TS Nguyễn Thị Hậu


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3532 khách Trực tuyến

Quảng cáo