Thủ tướng vừa chỉ đạo các bộ, ngành và năm TP trực thuộc trung ương triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng. Chúng tôi đã trao đổi với TS Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, một trong những người tham gia soạn thảo đề án nói trên.
Tại nhiều trường đại học ở Nhật, sinh viên không được phép đi xe máy trừ một số ít trường hợp rất đặc biệt.
Chỉ là một giải pháp
Vì sao xe đạp được coi là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị?
TS Khuất Việt Hùng (ảnh bên): - Trước tiên phải nói rõ việc cho thuê xe đạp công cộng chỉ là một trong những giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các TP lớn mà Bộ GTVT trình Chính phủ.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng hơn 40% chuyến đi của người dân khu vực nội thành có chiều dài dưới 2 km. Đây là khoảng cách thích hợp để di chuyển bằng xe đạp, một phương tiện nhẹ nhàng, tiết kiệm và thuận tiện ở những nơi có mật độ giao thông cao.
Ông đặt niềm tin như thế nào ở tính khả thi của đề án?
- Đề án khuyến khích sử dụng xe đạp theo hai cách: Người dân đi thuê hoặc tự mua. Chúng ta không kỳ vọng tất cả người đi xe máy chuyển sang đi xe đạp nhưng thực tế xu hướng lựa chọn đi xe đạp đang bắt đầu trở lại với người dân ở các TP lớn.
Hạ tầng, phương tiện cùng phát triển
Nhưng nếu chọn xe đạp, người dân không dễ dàng để cất hay gửi xe vì hiện có nhiều nơi không nhận gửi xe đạp…
- Khi có nhóm đối tượng nhất định chọn xe đạp để đi lại thì Nhà nước sẽ phải tổ chức các dịch vụ kèm theo. Ví dụ như vị trí để khóa xe, bố trí làn đường dành riêng cho xe đạp… Cũng cần nghiên cứu lựa chọn các tuyến đường, tuyến phố chứ không nhất định chỗ nào xe đạp cũng “nhảy” vào. Theo tôi, cố gắng để khoảng 10% người dân đi lại bằng xe đạp là tốt rồi.
Lẽ ra những hạ tầng như thế phải có trước để đáp ứng nhu cầu của người dân?
- Chúng ta phải cùng thực hiện, người dân đầu tư phương tiện, Nhà nước lo về hạ tầng. Khi người dân đi xe đạp tự thân nó sẽ tạo điều kiện để phát triển hạ tầng. Tuy nhiên, đề án cũng nêu rõ các địa phương tùy thuộc vào điều kiện của mình mà cung cấp cho nhà đầu tư những hỗ trợ cần thiết. Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương về mặt chuyên môn, kỹ thuật.
Xe đạp ở TP Bắc Kinh, Trung Quốc.
Khó nhất là nhận thức
Ông thấy có khó khăn nào khi thực hiện đề án này?
Cái khó nhất là nhận thức, thứ hai là hạ tầng. Một bộ phận người dân, trong đó có cả những người quản lý cho rằng xe đạp là biểu hiện của sự nghèo hèn, đi xe đạp là kéo lùi lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta thử so sánh cùng một chuyến đi, nếu đi xe đạp thì sẽ có rất nhiều tiện lợi. Có nhiều quốc gia phát triển nhưng tỉ lệ người dân đi xe đạp vẫn cao.
Vậy cần có những giải pháp cụ thể nào để thay đổi nhận thức của người dân?
- Phải tạo các điểm nhấn để khuyến khích người dân. Ví dụ cho họ đi xe đạp trên các tuyến phố đi bộ vào ban đêm. Nếu cảm nhận được sự thích thú, lợi ích của xe đạp thì ban ngày họ sẽ đi. Có nhà đầu tư dự định thực hiện dịch vụ cho thuê xe đạp, đối tượng là khách du lịch nước ngoài. Đây cũng là một cách, nếu nhiều người nước ngoài đi xe đạp trên các tuyến phố thì người dân cũng có thể thay đổi suy nghĩ. Chúng ta không kỳ vọng xe đạp công cộng là “một cây đũa thần” mà hãy coi đó là một trong rất nhiều giải pháp.
(SGTT)
Ông NGUYỄN SỰ, Bí thư Thành ủy TP Hội An, Quảng Nam: Cán bộ của tôi phải đi làm bằng xe đạpTừ ngày 15.3, tất cả cán bộ Thành ủy TP Hội An sẽ đến công sở bằng xe đạp. Chỉ những người đi cơ sở có quãng đường dài trên 5 km mới được sử dụng xe máy. Cách đây hơn 10 năm, TP Hội An đã vận động người dân đi xe đạp hoặc đi bộ để góp phần bảo vệ phố cổ, giảm ô nhiễm môi trường, tạo không gian yên bình cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Người dân đã nhiệt tình ủng hộ và thực hiện tốt. Vậy tại sao dân làm được mà cán bộ không làm được? Có ý kiến cho rằng quy định này vi phạm Luật Cán bộ, công chức. Theo tôi, luật là cái chung nhưng cũng cần có những quy định riêng ở từng địa phương, từng ban ngành…, miễn sao mang lại lợi ích cho chính những người thực hiện. Thành ủy đã tổ chức các buổi thảo luận, bàn bạc để cán bộ, công chức góp ý thực hiện quy định đi làm bằng xe đạp. Những cán bộ, công chức không đồng tình với quy định này đều có thể phát biểu ý kiến nhưng tôi tin rằng mọi người sẽ tự giác thực hiện tốt. Với những công chức đi xe đạp theo kiểu đối phó hoặc không thực hiện, Thành ủy sẽ nêu tên tại các hội nghị cán bộ, công chức để nhắc nhở, phê bình. Ngoài ra, cũng có thể chấm điểm công chức thông qua việc thực hiện những quy định này. |
Văn bản của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND năm TP lớn trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp Bộ GTVT xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, năm TP cần xây dựng đề án thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát việc hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển vận tải hành khách công cộng của các địa phương; sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến thu và quản lý, sử dụng phí bảo trì đường bộ, phí trông giữ xe… |
- Nên đặt giá trần với nhà ở xã hội?
- Đà Nẵng có đúng là thành phố đáng sống?
- 3 phương án cứu cầu Long Biên của Bộ GTVT: Vô lý, không tưởng, thực dụng!
- Phỏng vấn KTS Ngô Viết Nam Sơn về sáng tạo kiến trúc và kiến trúc xanh
- GS Hoàng Đạo Kính: Đừng "rượt đuổi" theo hai chữ bảo tồn
- KTS Khương Văn Mười: “Tôi cứ thấy sông nước là… mê!”
- Biến đổi khí hậu: "Thách thức với Việt Nam rất lớn"
- Bài học quản lý dự án BOT từ cầu Phú Mỹ
- Làm đường kết hợp chỉnh trang đô thị (TP.HCM): Cần tính toán khoa học
- Vỉa hè Sài Gòn trong mắt giáo sư người Mỹ