Cuộc hội thảo ở Hải Phòng "Xây dựng mô hình mạng lưới khu công nghiệp hài hoà an sinh nông thôn, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững" mang lại nhiều điều để nghĩ tiếp...
Ngồi chủ trì Hội thảo là ông Phó Chủ tịch thành phố Cảng, ông Thứ trưởng Bộ Công thương và một số quan chức của ngành môi trường... Hội thảo chủ đề liên quan đến nhiều lĩnh vực, lại toàn những chuyện "nóng".
- Ảnh bên : Phối cảnh tổng thể Khu công nghiệp Đồ Sơn Hải Phòng (ảnh minh họa / dosonindustrialzone.com.vn)
Trước hết là người nông dân mất đất, thứ đến là sự ô nhiễm môi trường, tiếp đến là công ăn việc làm cho gia đình người nông dân mất đất, rồi cả câu chuyện đầu lưỡi "trồng cây gì, nuôi con gì?" và đầu ra cho sản phẩm của người nông dân thu hoạch trên phần đất còn lại sau khi bị thu hồi v.v... Đáng ra phải thêm mấy bộ nữa nên có mặt mới phải như Bộ Lao Động-Thương binh-Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...
Thời lượng một buổi sáng ngắn ngủi chỉ đủ cho đại diện các cơ quan chức năng đưa ra những thông điệp cảnh báo về sự ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng mà chưa tìm được lối thoát do các khu công nghiệp (KCN) đã gây ra, mà hậu quả là toàn xã hội phải gánh chịu.
Mới qua 17 năm, đã có 219 KCN chiếm diện tích hơn 61 ngàn hécta, phân bố trên 54 tỉnh thành cả nước, trong đó có chừng một nửa số lượng đã vận hành từ nhiều năm, một nửa còn lại đang xây dựng hoặc vận hành từng phần. Các KCN đã thu hút hơn 2500 dự án FDL với tổng giá trị đầu tư là hơn 16 tỉ USD, chiếm gần 40% lượng đầu tư nước ngoài và cũng một số lượng tương tự dự án trong nước với tổng đầu tư 120.000 tỉ đồng VN, chiếm ngót nửa loại hình đầu tư này của cả nước...
Nhưng, cùng với cái mặt phải của tấm huân chương luôn sáng sủa, đẹp đẽ của những tấm hình hoành tráng ghi nhận quá trình "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" làm thay đổi diện mạo nhiều vùng của đất nước và những dãy thống kê con số sinh lời cho nền kinh tế quy vào GDP, thì cái mặt khuất ít ai trưng ra, và khó nhận biết đầy đủ, đó là sự âm thầm tác động làm suy thoái môi trường mà tác hại của nó không thể tính đếm được.
Người ta sẽ giật mình với những con số, rằng vào thời điểm này, mỗi ngày các KCN thải 225.000m3 nước thải công nghiệp mà mới chỉ có chừng 30% số đó được xử lý và cũng chỉ có 50% của 30% số nước được xử lý ấy đạt tiêu chuẩn quy định... Và cả những con số cũng đáng ngại khác là luật chỉ có thể xử phạt tối đa 70 triệu đồng cho những vi phạm môi trường và tiền phí xả nước thải đã được luật định hầu như không thu được trong khi chính cơ quan quản lý cũng chưa lập bản đồ điểm thải nước để hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ...
Tóm lại là các giải pháp công nghệ cũng như pháp lý đối với nước thải, khí thải và chất thải rắn của các KCN đều bế tắc trong khi tốc độ xây dựng KCN ngay trong thời kỳ kinh tế suy giảm này cũng không hề suy giảm...
- Ảnh bên : Bãi container rộng 16,2ha tại khu công nghiệp Đông Hải (ảnh minh họa / Báo Công thương)
Thế nhưng điều đáng nói, tại cuộc hội thảo này cử toạ chỉ quan tâm đến hai tham luận, đó là đề án của một chủ doanh nghiệp và ý kiến của một đại diện nông dân. Chủ doanh nghiệp ấy là người tôi quen biết, anh khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng vào nghề "đồng nát" với việc tháo dỡ sắt vụn trên những con tàu nát, rồi trở thành chủ một thương hiệu khá nổi tiếng của ngành thiết kế nội thất tàu thuỷ, và đến nay thì doanh nghiệp của anh gia nhập vào cộng đồng Vinashin với một dự án có một quy mô khá lớn là xây dựng KCN Nam Cầu Kiền có diện tích tới 457ha trải rộng trên 4 xã của huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng).
Tôi đã đến thăm doanh nghiệp của anh khi còn ở một quy mô không lớn nhưng rất thú vị vì mối quan tâm của anh đối với lĩnh vực văn hoá cộng đồng doanh nghiệp và môi trường. Trong căn vườn trước nơi làm việc và các phân xưởng, anh cho trồng cây cối thành đôi. Đó là những cặp thành viên trong doanh nghiệp kết hôn trồng lưu niệm. Anh quan tâm đến môi trường, trước hết từ chính những trải nghiệm trong kinh doanh và quan niệm trước hết nó đảm bảo sức khoẻ cả về sinh học và tâm lý cho người lao động, mà người chủ doanh nghiệp thực chất cũng chỉ là người lao động nặng nhất mà thôi.
Anh tham gia các cuộc thi trên các phương tiện thông tin đại chúng về đề tài bảo vệ môi trường bằng những ý tưởng của mình, nhận được nhiều giải cao và từng được bộ quản lý nhà nước phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ môi trường". Anh còn thuê đất trồng rừng để thử nghiệm mô hình quản lý đảm bảo lợi ích cho cả chủ và người trông coi rừng, hiệu quả kinh tế và môi trường...
Còn ở cuộc hội thảo này anh đưa ra một mô hình đang và sẽ được ứng dụng ngay trên KCN Nam Cầu Kiền mà bây giờ anh đã là Tổng giám đốc. Một đề án đựơc chuẩn bị rất khoa học bằng sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức xã hội và tiếp cận tới người dân địa phương, chủ yếu là những người dân chịu tác động tiêu cực bởi việc thu hồi đất đai để làm KCN.
Anh cho người làm điều tra xã hội học với những phương pháp tiên tiến để tìm giải pháp với ý đồ là không những chỉ xây KCN theo tiêu chí "thân thiện với môi trường" bằng việc ưu tiên dành không gian trong KCN để trồng cây xanh, xây công trình xử lý nước tiêu chuẩn cao, mở ra những hình thức tôn vinh cho các doanh nghiệp bảo vệ tốt môi trường mà ý tưởng đặc sắc hơn hết là gắn kết KCN với cộng đồng của những người nông dân đã hy sinh một phần lớn đất đai bị thu hồi nay đang đứng trước ngưỡng của sự bần cùng hoá.
Đề án cặn kẽ tính đến những bài toán rất cụ thể cho từng hộ gia đình, làm sao để họ có thể tồn tại cộng sinh với KCN một cách hữu cơ trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi theo kinh tế thị trường. Dự án đưa ra những giải pháp từ quy hoạch không gian đất còn lại của người dân, hướng đầu tư vào cái gì, nuôi con gì, trồng cây gì, mà sản phẩm của nó lại là nguồn cung cấp thực phẩm kinh tế và chất lượng cao cho chính KCN. Dự án tính toán chi li từng thước hàng rào cho đến dọc đường đi trong vườn trồng cây gì và dành những không gian khác nuôi con gì mà KCN sẽ thu mua qua một siêu thị ảo bởi những giao dịch kinh tế sòng phẳng và đôi bên cùng có lợi...
Nhà máy thép Việt - Ý tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (ảnh minh họa / Báo Hải Phòng)
Đúng là thoạt nghe thì dự án đượm màu không tưởng, chẳng khác gì việc "đếm cua trong lỗ". Nhưng đến lúc ông đại diện Hội Nông dân, tự giới thiệu một cách chính xác hơn là "đại diện những người nông dân bị mất đất" lên trình bày thì dự án lại có vẻ sáng dần tính hiện thực. Ông nói rằng, người nông dân của ông đã chứng kiến nhiều nghịch cảnh của những nông dân mất đất, đã nghe nhiều lời hứa của những người chuyên thất hứa. Ngay ở vùng của ông, dân có tiền đền bù khiến nhà ai cũng sửa sang nhà cửa, sắm xe máy, tậu đồ gỗ Đồng Kỵ và các thiết bị điện tử...
Xe máy nhiều đến mức là tai nạn giao thông đã lan đến đường làng của ông. Nhiều gia đình đã nhìn thấy tương lai mờ mịt khi con em không việc làm, tệ nạn xã hội bủa vây và cái nghèo đói đã kề cận khi túi tiền đã cạn, trong khi con gà, mớ rau làm ra chẳng ai mua cả. Không chỉ những luận chứng của doanh nghiệp mà chính những luận chứng của người dân ủng hộ đề án của doanh nghiệp khiến cử toạ bị thuyết phục bởi sự gặp gỡ của những lợi ích mà theo thói thường thì trái ngược với nhau.
Đương nhiên, tất cả mới là đề án. KCN Nam Cầu Kiền mới hoàn tất một nửa không gian, cơ chế vẫn chưa có gì hỗ trợ để nó trở thành hiện thực. Tác giả đề án tỏ ra phấn khởi vì thấy lãnh đạo tỉnh và một số bộ đã ủng hộ đứng ra tổ chức hội thảo, lại lắng nghe, cử toạ không ai phản biện vì thiếu thời gian... Khi hội thảo kết thúc, mình chợt nghĩ rằng tại sao Nhà nước có rất nhiều viện nghiên cứu, trí tuệ, tầm nhìn và kinh nghiệm mà thấy ít chủ động đứng ra làm đề án, chỉ đến khi dân nghĩ ra thì mới lựa chọn ủng hộ hay không ủng hộ.
Lúc chia tay, tác giả đề án nói với tôi rằng, chính trong những nung nấu này mà anh đã hoàn thành hai văn bằng đại học (thương mại và luật), nay sẽ dùng nó làm đề tài cho luận án tiến sĩ kinh tế của mình. Luận án tiến sĩ của một ông tổng giám đốc thì chắc chắn thế nào cũng sẽ được các giáo sư cho điểm tốt. Nhưng cái khó cũng là cái nhiều người mong hơn cả là một bản luận án mà chính những người "nông dân mất đất" sẽ chấm điểm và OK!
Dương Trung Quốc
- Chống tham nhũng phải từ Luật Đất đai
- Cần cái tâm và cái tài để “hồi sinh” cho nhà cổ
- Quy hoạch đô thị - Lấy ý kiến theo cách nào?
- Trùng tu đình làng An Gia: Giữ lại phần hồn di sản
- Bảo tồn Hội An: Giữ hồn nhà phố cổ
- Tư duy về quy hoạch đô thị
- Quy hoạch luộm thuộm khiến Hà Nội nhạt nhòa bản sắc
- Từ cuộc rà soát các dự án “Mở rộng Hà Nội”: Không thể bỗng dưng đô thị
- Từ cuộc rà soát các dự án “Mở rộng Hà Nội”: Khi nhà đầu tư núp bóng Nhà nước
- Vài bài học từ dừng xây khách sạn trong công viên