Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Trùng tu đình làng An Gia: Giữ lại phần hồn di sản

Trùng tu đình làng An Gia: Giữ lại phần hồn di sản

Viết email In

Trong khi chuyện "mới hóa" trong trùng tu di tích diễn ra tại nhiều nơi, thì tại một làng quê ven phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên - Huế, người dân đồng lòng quyết giữ lại hết sức trân quý những gì là di sản của tổ tiên.

Ðó là câu chuyện trùng tu đình của làng An Gia, thị trấn Sịa, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

  • Ảnh bên : Đông đảo dân làng An Gia tham gia hạ giải đình làng (Ảnh: HỮU HOÀNG)


Chung tay sửa đình

Trải qua gần 200 năm tồn tại với thời gian, đến nay đình làng An Gia xuống cấp nặng nề. Hội đồng làng họp lại để bàn việc đại trùng tu đình. Làng đã thống nhất tìm những nhóm thợ uy tín nhất trong tỉnh, trong đó nghề nề kép mời từ làng La Khê (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà); nghề mộc, chạm khắc mời từ thôn Trung Ðồng (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Với sự tham gia góp ý của những người thợ cả có kinh nghiệm, các bô lão của làng đã bàn bạc, thống nhất phương án trùng tu "phục nguyên xi". Tổng số tiền được phác thảo trong khoảng 600 triệu đồng.

"Những công trình như đình làng An Gia dù chưa được xếp hạng di tích nhưng được người dân đóng góp trùng tu với ý thức bảo tồn những giá trị truyền thống, không để lai tạp như vậy thật đáng trân trọng, biểu dương!"

Ông ĐỖ HỮU HÀ
(phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử - cách mạng Thừa Thiên - Huế) 

Các vị tộc trưởng đứng ra vận động đóng góp trong toàn thể cộng đồng làng, theo suất: 500.000 đồng/người trong độ tuổi 18-70 (miễn cho hộ nghèo, bộ đội, học sinh, sinh viên), tổng cộng được 250 triệu đồng. Người làng ở khắp trong Nam ngoài Bắc góp thêm 250 triệu đồng. 100 triệu còn lại làng đang có phương án kêu gọi từ con cháu ngoại tộc ở phương xa... Ban điều hành xây dựng đình làng được bầu ra do cụ Ngô Văn Kỷ làm trưởng ban. Mỗi xóm lập ra danh sách lao động để cụ Kỷ có thể điều động luân phiên đến phụ việc cho nhóm thợ kép chính. Trong ngày hạ giải đình (15-3-2009), gần 400 người đã được điều động đến công trường. Theo dự kiến, công việc trùng tu đình sẽ hoàn thành vào rằm tháng bảy tới, dịp thu tế của làng...

"Làm mới bằng bêtông khác chi phản lại cha ông mình!"

Ngày chúng tôi về thăm, đình làng An Gia đã hạ giải hoàn toàn, phần nền móng cũng bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất, trên đó đã hình thành những chân trụ và các bước gian. Cụ Ngô Văn Kỷ cho biết để trùng tu giống y đình ngày xưa, ngoài việc đo vẽ kích cỡ, làng đã thuê người quay phim, chụp hình từ tổng thể cho đến từng chi tiết để có cái mà đối chiếu, so sánh. 

Cụ Kỷ dẫn chúng tôi đi xem những vật liệu vừa hạ giải để bên sân đình làng. Ðó là một kho cấu kiện gỗ, những cột, vì kèo, đòn tay, rui, mè... sẫm màu được lau chùi, sắp xếp ngăn nắp. "Chúng tôi yêu cầu cái nào giữ lại được thì phải giữ, cái nào còn có khả năng cứu vãn được thì bằng mọi cách phục hồi. Không việc gì phải vứt đi cái của cha ông tạo nên khi còn cứu vãn được. Bất đắc dĩ lắm mới cho thay cấu kiện mới nhưng phải cùng loại gỗ y như cũ" - cụ Kỷ nói.

  • Ảnh bên : Bốn trụ biểu của đình làng An Gia (Ảnh: THÁI LỘC)

Cũng theo cụ Kỷ: "Trong làng từng có ý kiến đúc bêtông cho rẻ, với giá thành khoảng 400 triệu (2/3 giá trùng tu), người làng lại đỡ tốn công nhiều. Nhưng tui xin nói rẻ mà lại đắt, ít nhất gấp đôi việc trùng tu, bởi vì tuổi của bêtông nhiều lắm chỉ vài chục năm là "tàn tạ", trong khi tuổi của gỗ đến cả trăm năm. Chú thấy đó, đình làng tui đã 200 năm, rứa mà dỡ ra còn dùng lại đến phân nửa cấu kiện. Ðó là chưa nói đến việc nếu làm mới bằng bêtông khác chi giết chết đình thiệt mà thế vô đó đồ giả. Mà làm rứa chẳng khác chi phản lại cha ông mình. Những mất mát đó mần răng mà tính được bằng tiền!".

Một cơ duyên của làng là gặp được hai nhóm thợ mộc và nề có kinh nghiệm và tâm huyết với công việc phục chế kiến trúc truyền thống, luôn "hô ứng" nhuần nhuyễn theo các yêu cầu khắt khe. Anh Nguyễn Hữu Hoàng, người phụ trách phần mộc, nói: "Không phải làng nào cũng yêu cầu trùng tu phục hồi nguyên xi công trình xưa như vậy. Làm việc với họ phải thật cẩn thận, kỹ lưỡng đến mức nghiêm ngặt, nhưng cả nhóm thợ chúng tôi ai cũng thấy sướng vì được dịp làm đúng công việc của người trùng tu".

Một nhà nghiên cứu có theo dõi việc trùng tu đình An Gia nhận xét: "Quy trình bài bản và giá cả hợp lý lắm, đặc biệt thấp hơn nhiều lần so với những công trình tương đương đang trùng tu!".

Rời công trường đình An Gia, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh cụ Kỷ đứng tần ngần bên đám ngói liệt cũ với giọng nói đầy tiếc nuối: "Số ngói ni còn nguyên nhưng tận dụng chúng sẽ rất nhanh xuống cấp cho nên toàn bộ mái phải thay mới hoàn toàn. Chúng sẽ tiếp tục nằm ở đây để làm kỷ niệm. Tội nghiệp, đã 200 tuổi rồi còn gì!"...

Đình làng An Gia nằm về phía bắc của thị trấn Sịa ngày nay, nhìn ra cánh đồng trải dài về phía phá Tam Giang. Lối vào đình là bốn trụ biểu tròn rất bề thế, trên đó đắp nổi môtip “long ẩn vân” (rồng ẩn trong mây) chạy vòng quanh, dưới tán những cây vông đồng và thị cổ thụ... Án ngữ giữa sân là bức bình phong long mã khảm sành còn nguyên vẹn, cạnh bên là một giếng cổ hình vuông nước quanh năm trong mát.

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá đình An Gia thuộc hàng sớm trong hệ thống đình làng khu vực xứ Đàng Trong với niên đại thành lập vào năm Gia Long thứ 16 (1817). Không những thế, đình còn được nhìn nhận có quy mô lớn bậc nhất trong hệ thống kiến trúc nhà rường cổ khu vực Thừa Thiên - Huế. 

THÁI LỘC

[ Chuyên đề : Bảo tồn di tích

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo