Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Góc nhìn Quy hoạch đô thị - Lấy ý kiến theo cách nào?

Quy hoạch đô thị - Lấy ý kiến theo cách nào?

Viết email In

Trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị ghi các cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, phối hợp giữa UBND các cấp và tổ chức tư vấn là người thu thập ý kiến. Sẽ có kết quả rất tốt nếu họ thực sự lắng nghe, nhưng nếu không thì ra sao?

Dự án trăm năm: chưa xây đã cần tính lại

Ngày 9/10/2007, Nhà đầu tư nước ngoài trình bày ý tưởng với lãnh đạo địa phương một dự án TP vệ tinh trị giá 3 tỷ USD, nơi hiện đang phủ đầy rau cỏ và trâu bò. Đất ruộng được đã vẽ thành khu đô thị lộng lẫy, được trình chiếu bằng dàn đèn chụp ảnh đám cưới tân kỳ. Ông chủ tịch cho ý kiến là không vẽ sân golf vào khu nhà ở - Ý kiến sáng suốt, lập tức thi thành.


Vị trí đặt khu đô thị là lưu vực sông Tích, sau 10 ngày có trận mưa lịch sử tại HN, nơi đây vẫn là cánh đồng ngập nước mênh mông.  

Với quy mô 2300 ha (tương đương với diện tích quận Tây Hồ - Hà Nội), dự án trình bày rất quyến rũ với bức tranh “rừng xanh, thác nước, khu nhà nghỉ khách sạn, du lịch cội nguồn, công viên thư giãn, bảo tàng rạp hát...” với những minh họa ấn tượng bằng  ảnh chụp khung cảnh tại các nước châu Âu, Bắc Mỹ... giản dị nhất cũng là thắng cảnh Thái Lan, Trung Quốc….

Lắng nghe và thấu hiểu, nên chỉ 3 tháng sau - ngày 16/1/2008 dự án đã được địa phương cơ bản nhất trí cho triển khai. Một số người cho rằng kiểu đầu tư như thế là không phù hợp với VN tại thời điểm mới bắt đầu của chặng đường phát triển.

Chủ dự án giải thích: "Chúng tôi không xây dựng một thành phố cho 10 năm, mà đang xây dựng một thành phố cho 100 hay 150 năm sau".


Khu đô thị tân kỳ có tầm nhìn 100-150 năm, quy mô 2.300 ha trị giá 3 tỷ USD được nghiên cứu bổ sung hoàn thành sau 3 tháng.

Nhìn từ bên ngoài thì chuyện người cho ý kiến và người nghe cư xử như thế thì cũng là rất mẫu mực. Hiềm một nỗi là khu vực dự án nằm lọt thỏm trong vùng thoát lũ, trận mưa cuối năm 2008 chỗ này mênh mông là nước. Vậy là dự án trăm năm ấy chưa xây đã cần tính lại.

Câu hỏi đầu tiên cần bổ sung là khu đô thị tân kỳ này có là một thử nghiệm để xây thuỷ cung không? Thứ hai là do thời gian quá ngắn nên chưa kịp làm, thì nay nên hỏi hàng vạn bà con nông dân làm gì để sống khi không còn 2300 ha ruộng?

Lại nói đến dự án Sông Hồng, trưng ra bàn dân thiên hạ 2 lần - kể như thế là cẩn thận. Nhưng câu hỏi hóc búa nhất là bài toán trị thuỷ sông Hồng thì mới thấy cái bản vẽ mô tả dòng chảy qua Hà Nội bằng kỹ thuật vi tính. Thông tin cần biết là xử lý chênh lệch 8 m nước hai mùa cạn/lũ thế nào? Xử lý ô nhiễm và chiến lược giao thông thuỷ ra sao? Tình huống nước sẽ cạn dần ở đầu nguồn, nước biển dâng cao ở cuối nguồn ra sao – Bài toán phải nghiên cứu quy mô cả lưu vực, tam giác đồng bằng Bắc Bộ thì không thấy đâu.


Nghiên cứu thuỷ lực bằng mô hình máy tính đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội (cũ) dài hơn 40 km. Tổng chiều dài sông là hơn 1.200Km, chảy qua Việt Nam là 560Km - Ảnh tại triển lãm Dự án Sông Hồng. 

Hai câu chuyện trên cho thấy người cho ý kiến có thể là câu hỏi và cũng là câu trả lời. Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị có mục lấy ý kiến thì cần phân tách kỹ: về chuyên môn theo trình tự nào; về xã hội thì phạm vi tới đâu.

Ví dụ như có dự định quy hoạch đô thị gì thì đầu tiên phải hỏi cơ quan đánh giá môi trường chiến lược đã. Làm như vậy vừa đúng Luật bảo vệ môi trường, vừa đỡ tốn kém vẽ vời lôi thôi, người dân không làm hộ nhà khoa học, ông đắc lợi không trả lời thay người bị thiệt thòi.

Mặt khác, cũng cần có những tổ chức kiến trúc sư , kỹ sư hay luật sư cộng đồng, hoạt động độc lập để hỗ trợ bà con diễn đạt ý kiến với các cấp quản lý bằng những ngôn ngữ chuyên môn.

Ai là nguời tiếp thu ý kiến

Trong dự thảo Luật Quy hoạch đô thị ghi các cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân  các cấp và tổ chức tư vấn là người thu thập ý kiến. Sẽ có kết quả rất tốt nếu họ thực sự lắng nghe, nhưng nếu không thì ra sao?

Năm 2005, Hà Nội chứng kiến vườn đào nở hoa lần cuối để sau đó từng đoàn xe đổ cát san phẳng, xây nhà biệt thự và chung cư cao tầng. Trước đó đã có nhiều ý kiến trao đi đổi lại:  xót xa cho vườn đào đã mất mà tiền bạc nộp vào ngân sách TP chả được là bao.


Vườn đào Phú Thượng xưa

Lần lữa mãi rồi ông tiến sĩ , kiến trúc sư - Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc cũng tuyên bố hùng hồn “sẽ có 5 khu vực trồng đào, để dành gần 40 ha để giữ đào Nhật Tân” và  thành phố Hà Nội đồng ý cho lập dự án“Bảo tồn và Xây dựng vườn đào Hà Nội” - công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Bà con "được lời như cởi tấm lòng". Nhưng hoá là mừng hụt, vì sau đấy họ trả lời là rất tiếc là hết đất trồng đào, hay là ra ngoài đê trồng đào? - Nhưng làm thế thì vi phạm hành lang thoát lũ, thế thì  đành bó tay rồi.


Vườn đào vẫn còn …trồng trong chậu xi măng , để trên vỉa hè dãy biệt thự xây trên đất vườn đào xưa (ảnh chụp dịp Tết 2008)

Để cái việc tiếp thu ý kiến và giám sát trả lời trở nên thực chất thì cần có một cơ quan thứ ba, đứng giữa người hỏi và người trả lời.

Cơ quan này hiện ở VN khá nhiều: các viện nghiên cứu tư nhân, các tổ chức chuyên môn hay xã hội hoạt động phi lợi nhuận. Trong các tổ chức này có rất nhiều nhà khoa học tên tuổi, thực sự tài năng, các chuyên viên giỏi và quan trọng nhất họ là những người công tâm, có trách nhiệm với xã hội.

Thực tế những cuộc thảo luận với các cơ quan quản lý th ành phố Hà Nôi về các dự án chợ 19/12, công viên Thống Nhất, toà nhà EVN, sân Con Voi… đã chứng minh.

Các báo điện tử với các công cụ trao đổi ý kiến trực tuyến hoàn toàn có thể cung cấp các thông tin phản hồi nhanh chóng, tin cậy …vượt xa các phiếu điều tra giấy. Nếu cần đảm bảo sự công minh, có thể  tạo nên một cơ chế giám sát hoạt động minh bạch của các tổ chức nhà nước.

Trong bài trả lời phỏng vấn “Bao giờ hoàn thành quy hoạch Hà Nội", KTS Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng có dẫn câu nói: "Đô thị chính là sáng tạo bậc nhất của loài người". Chính vì vậy, Luật Quy hoạch Đô thị phải là bộ luật Sáng tạo, nếu không thì căn cứ vào đâu để vẽ ra những Đô thị Sáng tạo? 

KTS Trần Huy Ánh - Ảnh : Hanoi Data 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo