Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Trị thủy - ám ảnh nghìn năm của giới lãnh đạo Trung Quốc

Trị thủy - ám ảnh nghìn năm của giới lãnh đạo Trung Quốc

Viết email In

Khát vọng cai trị đất nước từ những bậc đế vương thời xưa cho đến lãnh đạo Trung Hoa hiện đại đều thể hiện qua những công trình xây đập khổng lồ. 

Theo BBC, trị thuỷ, đặc biệt là khai thác lợi ích từ nước, đóng vai trò trung tâm của nghệ thuật quản lý nhà nước ở Trung Hoa trong nhiều thiên niên kỷ. Điều này cũng đang được tiếp nối đến hiện tại. Nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại sau một thời gian dài phát triển nóng, và việc thiếu hụt nguồn nước có thể đem đến những hậu quả nghiêm trọng trong vài thập kỷ tới.  


Đập Tam Hiệp là công trình trong dự án xây dựng kênh đào dài cả ngàn km đưa nước từ sông Dương Tử (Trường Giang) ở phía Nam, có lượng nước lớn, lên sông Hoàng Hà ở vùng đồng bằng phía bắc khô hạn của Trung Quốc.
(Ảnh: Reuters) 

Đập Tam Hiệp nằm trên sông Dương Tử (Trường Giang) ở Trung Quốc, cách hành phố Nghi Xương 40 km. Trung Quốc tự hào về con đập được nhiều kỷ lục thế giới như "Đổ bê tông cường độ cao nhất"; "Đập tràn xả lũ có lưu lượng lớn nhất"; "Âu tầu nội địa có tổng mực nước chênh lệch cao nhất". 

Những đập nước khổng lồ có khả năng cung cấp cho quốc gia khoản năng lượng thuỷ điện đáng kể, đồng thời cắt giảm các nhà máy nhiệt điện dùng than gây ô nhiễm. Đập Tam Hiệp có công suất phát điện thiết kế tới 18,2 GW - gấp 10 lần công suất của nhà máy điện hạt nhân Vịnh Daya ở tỉnh Quảng Đông. Bên cạnh đó, nhiều con đập lớn khác đang từng bước được xây dựng trên những con sông lớn, bao gồm cả con đập đang gây nhiều tranh cãi ở Nộ giang, con sông lớn chảy qua di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận ở tỉnh Vân Nam, trước khi sang đất Thái Lan và Myanmar.

Mặt khác, nguồn nước ở Trung Quốc đang trong tình trạng bấp bênh do ô nhiễm nặng, xây đập tràn lan, lạm dụng cải tạo đất cộng với tác động của biến đổi khí hậu. Suy thoái môi trường ước tính gây tiêu tốn tới 10% thu nhập quốc nội của Trung Quốc mỗi năm, theo tính toán của Elizabeth C Economy trong cuốn sách "Dòng sông nước đen". Do đó, kiểm soát nguồn nước đang được đặt lên hàng đầu khi xây dựng chính sách.

Tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng vào thời điểm việc xây dựng con đập được phê chuẩn năm 1992, dường như để khẳng định rằng đây chính là biểu tượng của sức mạnh kinh tế, vị thế chính trị và năng lực kỹ thuật của Trung Quốc.

"Đập Tam Hiệp sẽ cho cả thế giới thấy rằng người dân Trung Quốc có nguyện vọng cao cả đồng thời đủ khả năng xây dựng thành công dự án thuỷ lợi và thuỷ điện lớn nhất thế giới". 

Lo ngại

Đập Tam Hiệp đã trở thành biểu tượng ở thời hiện đại của đất nước Vạn Lý Trường Thành, khi cả hai đều có thể nhìn thấy từ không gian. Con số thống kê về con đập thật ấn tượng với 185 m chiều cao, hơn 2 km chiều rộng, tổng cộng gần 30 triệu m2 bê tông được sử dụng và 30.000 ha đất nông nghiệp bị ngập chìm trong nước để tạo ra vùng hồ chứa rộng tới hơn 1.000 km2.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo ngại số lượng khổng lồ trầm tích tụ sẽ tăng nguy cơ gây lũ ở thượng nguồn sông Dương Tử đoạn qua tỉnh Tứ Xuyên. Ngoải ra, nó còn ảnh hưởng tới kinh tế địa phương, làm biến mất nhiều di sản có giá trị văn hóa và khảo cổ. Con đập dễ bị tổn thương do thiên tai như động đất vì kích thước quá lớn. Khối lượng của hồ trữ nước khi lên mức định sẽ làm tăng nguy cơ gây địa chấn và sạt lở đất vùng lân cận.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là tái định cư. Vùng đất lớn được thiết kế thành hồ trữ nước của đập Tam Hiệp, rộng tới hơn 1.000 km2 và trải dài hơn 600 km lên phía thượng nguồn, là quê hương của hơn 1,5 triệu người, sống ở 19 huyện thành và khu tự trị, 140 thị xã, 326 thị trấn và 1.351 ngôi làng. Tất cả đều phải di dời đến nơi ở mới.

  • Ảnh bên: Người bố bế con đang ngủ say, ngoái nhìn quê hương lần cuối trước khi lên đường tới khu tái định cư. (Ảnh: Btdxd) 

Liệu họ có được cấp đủ tiền để bắt đầu cuộc sống trên mảnh đất mới? Làm thế nào để những người nông dân chân lấm tay bùn thích nghi được với môi trường đô thị? Các đô thị hiện đại liệu có đối phó được với làn sóng di dân ồ ạt?

Chính phủ Trung Quốc trấn an rằng tất cả những vấn đề trên đều đã được tính toán. Những vấn đề phức tạp và cấp bách trên đây có thể được làm sáng tỏ khi hiểu rõ bối cảnh lịch sử của công cuộc trị thuỷ và xây dựng các công trình thuỷ lợi ở Trung Quốc hàng nghìn năm qua.

Tư tưởng trị thủy

Những trận đại hồng thuỷ luôn là mối đe doạ lớn với an nguy của người dân, hiện hữu trong mọi truyền thuyết lịch sử Trung Hoa từ cổ chí kim. Sử sách ghi nhận người đầu tiên đưa ra giải pháp cho vấn đề này là nhà trị thuỷ tài ba – hoàng đế Hạ Vũ hay còn gọi là Đại Vũ, trong thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Vốn là hoàng thân quốc thích, ông được các hoàng đế huyền thoại Nghiêu, Thuấn giao nhiệm vụ xây một hệ thống kênh mương thủy lợi tiêu thoát nước lũ nhanh chóng. Dự án đã khiến ông nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc được gọi là "Đại Vũ trị thủy". Dự án thành công, ông được lựa chọn trở thành người kế nhiệm của vua Thuấn, thành lập nên triều đại nhà Hạ, được sử sách coi là triều đại đầu tiên của Trung Quốc.

Tư tưởng di dân, dời núi, bố trí lại địa hình để kiểm soát dòng chảy tự nhiên luôn chi phối phương thức trị thuỷ ở Trung Quốc từ xưa đến nay. Có thể thấy rõ điều này trong công trình xây dựng Đại Vận Hà - kênh đào nhân tạo cổ nối liền hệ thống sông Dương Tử đến sông Hoàng Hà, hoàn thiện vào thời nhà Tuỳ, thế kỷ thứ 7. Hay công cuộc lao động trường kỳ, kéo dài nhiều thế kỷ, xây dựng các tuyến đê dài hàng trăm km dọc theo các con sông lớn nỗ lực ngăn chặn lũ lụt. Trong thời gian tại vị, hoàng đế nào để cho những trận lụt lớn xảy ra có cơ phải chịu sự rủi ro đánh mất "mệnh trời", thứ quyền lực tối cao đã ban cho hoàng đế quyền cai trị đất nước. 

Xây dựng một con đập khổng lồ trên sông Dương Tử là tham vọng to lớn của mỗi nhà lãnh đạo Trung Hoa trong kỷ nguyên hiện đại, bắt đầu với lãnh đạo đầu tiên của nước Cộng hòa Trung Quốc Tôn Trung Sơn.

Ngay cả Mao Trạch Đông, trong bài thơ cảm tác năm 1956, đánh dấu lần bơi vượt sông Dương Tử, cũng đã tuyên bố tầm qua bài thơ: "Phía tây sông xây vách đá lớn. Đỉnh Vu sơn mây mưa dứt nẻo. Eo núi dâng mặt hồ. Thần nữ như còn đó. Thế giới, ồ, khác xưa!"

Khi đề chữ trên đường vào lăng mộ Hạ Vũ ở Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang vào năm 1995, chủ tịch Giang Trạch Dân, vốn xuất thân là một kỹ sư công trình, hiểu ra nguồn gốc sâu xa của sự tin tưởng và tôn kính mà chúng dân dành cho Hoàng đế Hạ Vũ. Sẽ chẳng có lời khen nào giá trị hơn khi được so sánh với đấng minh quân như Hạ Vũ. Cũng vì lý do đó mà báo chí truyền thông tung hô ông Giang như "Hạ Vũ thời đại". 

Công cuộc tái định cư gây nhiều tranh cãi

Kế hoạch xây dựng đập Tam Hiệp có từ cuối những năm 1950, nhưng do biến động của Công cuộc Đại nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa, nên bị xếp lại khá lâu và chỉ được nhắc lại khi Đặng Tiểu Bình lên chính sách cải cách và mở cửa vào cuối những năm 1970. Một con đập nhỏ hơn được xây dựng thí điểm ở vùng hạ lưu Cát Châu Bá (Gezhouba) thuộc Nghi Xương, chuẩn bị cho mục tiêu chính.

Việc xây dựng đập Tam Hiệp vấp phải không ít chỉ trích của các chuyên gia hàng đầu. Những người phản đối như nhà báo kiêm kỹ sư Đái Tình đã xuất bản cuốn sách đưa ra chỉ trích của các nhà khoa học Trung Quốc đối với dự án này. Hay khi thủ tướng Lý Bằng thông qua việc chấp thuận xây dựng con đập vào Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm 1992, một phần ba tổng số đại biểu bỏ phiếu chống lại kế hoạch này - mức bất đồng chính kiến chưa từng có.

Mặc dù nhóm phản đối thừa nhận, kể từ khi con đập được xây dựng, chưa thấy lặp lại trận lũ thảm khốc trên sông Dương Tử như năm 1998, cướp đi sinh mạng của hơn 3.500 người. Nhưng hậu quả của chương trình tầm cỡ nhằm tái định cư người dân lại đang gây nhiều tranh cãi hơn.

Không phải tất cả người dân đều hài lòng khi rời xa những ngôi làng lạc hậu để đến ở trong những ngôi nhà mới được cung cấp nước máy và lò sưởi. Đa phần phải nỗ lực rất lớn để thích nghi với cuộc sống mới, cách xa nơi chôn nhau cắt rốn tới hàng trăm km, và cư dân thì không thể hiểu được các phương ngữ mà họ sử dụng. Hơn thế nữa, còn xuất hiện những khiếu nại về cấp thiếu tiền bồi thường hay biển thủ công quỹ tái định cư. 

Tiềm năng 

Trung Quốc đất đai rộng lớn, với những con sông có thuỷ năng dồi dào và nhu cầu tiêu thụ năng lượng cực lớn, sẽ thật lãng phí nếu không tích cực tận dụng nguồn năng lượng tái tạo tự nhiên để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc, về mặt lý thuyết có nguồn tài nguyên thủy điện lớn hơn bất cứ nơi nào trên thế giới - khoảng 380 gigawatt, tương đương với hàng trăm nghìn nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình - nhưng đến nay mới chỉ khai thác được khoảng một phần tư. Trung Quốc đặt mục tiêu sử dụng 15% năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2020, thay thế các nguồn nhiên liệu truyền thống và giảm lượng khí thải cacbon xuống 40-45%. Do đó, phát triển thủy điện được xem là phương thức cốt yếu.

Trong lịch sử, sông Hoàng Hà vốn để lại ấn tượng sâu sắc hơn về tâm lý đối với người Trung Quốc nhiều hơn là sông Dương Tử. Được coi là "cái nôi của nền văn minh Trung Quốc", sông Hoàng Hà và các chi lưu gánh trọng trách đem nước tưới cho vùng bình nguyên phía bắc Trung Quốc, vùng đất phù sa bồi đắp cung cấp cho Trung Quốc hơn một nửa sản lượng lúa mì và một phần ba sản lượng ngô. Đồng thời, sông Hoàng Hà cũng là "nỗi thống khổ của Trung Quốc", với những trận lụt thảm khốc trong quá khứ giết chết hàng triệu người. 

'Cuộc cách mạng' với dòng sông 

Sông Hoàng Hà được chủ tịch Mao Trạch Đông quan tâm phát triển ngay sau khi lên nắm quyền năm 1949. Chính phủ phát động chiến dịch được cho là ngông cuồng - xây dựng các đập thuỷ điện theo cách được miêu tả là một trận chiến chinh phục thiên nhiên. Tờ Nhân dân Nhật Báo nói về công cuộc trị thuỷ sông Hoàng Hà như là truyền thuyết kể về trận chiến chinh phục long vương: các công trình dự án kỹ thuật sẽ "đánh vảy, chặt vuốt và bẻ răng của con rồng độc ác".


Cách dự án đập Tam Hiệp 700 km về phía bắc, đập Tam Môn chặn dòng sông Hoàng Hà ở nơi tiếp giáp hai tỉnh Hà Nam và Sơn Tây, được xây dựng trong thời kỳ Mao Trạch Đông từ nửa thế kỷ trước. (Ảnh: Tripdv) 

Tam Môn là đập nước lớn nhất được xây dựng trên sông Hoàng Hà. Vị trí được đánh giá là vô cùng thuận lợi để xây đập, đúng như tên gọi Khe núi có ba cửa, lòng sông được chia thành ba dòng kênh chính bởi các đảo nhỏ, giúp rút ngắn khoảng cách chặn dòng. Công cuộc xây dựng bắt đầu vào mùa xuân năm 1957 do kỹ sư Liên Xô giúp đỡ.

Lý luận đưa ra là con đập sẽ giữ lại hầu hết phù sa, ngăn chặn sự bồi lắng ở hạ lưu gây ra ngập lụt cho vùng đồng bằng hai bên bờ sông. Dòng Hoàng Hà khi đó sẽ không mang nặng màu hoàng thổ phù sa, mà hoàn toàn ứng nghiệm với lời tiên tri cổ xưa "Thánh nhân xuất, Hoàng Hà thanh" (Thánh nhân xuất hiện, Hoàng Hà sạch trong).

Sự phi lý của niềm tin này sớm trở nên rõ ràng. Bùn bắt đầu tích tụ tại thành đập với tốc độ đáng báo động, và chỉ tới năm 1962, công suất hồ chứa nước của đập Tam Môn đã giảm đi một nửa. Ngay cả sau quá trình cải tạo mở rộng từ năm 1965 đến năm 1973, gần 40% công suất tích tụ phù sa của đập đã được sử dụng hết trong 18 năm đầu hoạt động, trong khi, năng lượng thủy điện được tạo ra lại ít hơn nhiều so với dự đoán ban đầu. Năm 2004, một trong những kỹ sư tham gia vào việc thiết kế xây dựng đập Tam Môn đã can đảm thừa nhận trên truyền hình Trung Quốc rằng con đập là "một sai lầm".

Mặc dù vậy, không thể nói rằng công cuộc trị thuỷ của Trung Quốc chỉ nhằm đánh bại sức mạnh thiên nhiên, xây dựng những đại công trình chặn dòng sông hung dữ. Kỳ quan trị thuỷ cổ tại Đô Giang Yển nằm trên sông Mân, Tứ Xuyên, được nhà Tần xây dựng vào khoảng năm 256 trước Công nguyên ngày nay vẫn được sử dụng giúp tưới tiêu hơn 5.300 km² đất nông nghiệp.

Được xây dựng bằng tài năng của quan khâm sai đại thần Lý Băng hơn 2.000 năm trước, công trình hạ tầng thuỷ lợi Đô Giang Yển có mục đích rõ ràng khai thác dòng nước sông Mân để tưới cho vùng bình địa của Thành Đô. Lý Băng đã thực hiện việc phân chia dòng chảy của con sông ra thành hai, để cho dòng nước lớn tiếp tục chảy bình thường, còn dòng kia nhỏ hơn dẫn nước chảy vào tưới cho ruộng đồng xung quanh.

Sự thành công của Đô Giang Yển không chỉ thể hiện ở việc công trình vẫn phát huy tốt công dụng dẫn nước tưới cho đồng ruộng đến nay, mà còn do thiết kế hợp lý, cảnh sắc tuyệt đẹp mà công trình này tạo nên. Vùng đất này khí hậu có bốn mùa, thiên nhiên tươi đẹp, núi cao thấp thoáng ẩn hiện, công trình thủy lợi kỳ vĩ càng góp phần làm cho khung cảnh trở nên ngoạn mục. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO đã công nhận Núi Thanh Thành và công trình thủy lợi Đô Giang Yển là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2000. 


Hệ thống thủy lợi Đô Giang Yển, một mặt, được coi là kiệt tác vĩ đại tạo phúc cho dân, được xây dựng trong sự hài hòa với thiên nhiên, mặt khác, còn là bàn đạp chiến lược giúp nhà Tần chinh phục nước Thục (vùng đất Tứ Xuyên ngày nay) - chiến thắng khởi đầu cho quá trình thống nhất đất nước Trung Quốc rộng lớn dưới sự khắc nghiệt, chuyên quyền của Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: Wikipedia) 

Tuệ Lâm 
(VnExpress)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo