Docklands(1) là một trong những khu kinh tế và thương mại quan trọng bậc nhất của thành phố Melbourne (Úc). Chính quyền địa phương đã liên tục đầu tư xây dựng thêm các công trình công cộng mới nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân trong khu vực, trong đó có Thư viện The Library At The Dock.
Tòa nhà thư viện có hình khối hộp đơn giản. Gỗ ốp trên mặt tòa nhà là gỗ Ironbark đã 100 năm tuổi, lấy từ một cây cầu đã bị tháo dỡ ở bang Queensland. Mặt quay ra bờ cảng của thư viện có mái che lớn nhằm cản bớt ánh nắng gay gắt buổi chiều.
The Library At The Dock là một thư viện công cộng được thiết kế dựa theo quan niệm mới: không chỉ là nơi đọc - lưu trữ sách mà còn là nơi cho những sinh hoạt cộng đồng của mọi người. Do vậy, việc bố trí không gian sao cho các hoạt động trên được thuận lợi là ưu tiên hàng đầu. Song song đó, công trình cũng cần thích ứng được với những biến đổi trong tương lai như: lượng sách tăng giảm, hình dáng và kích thước sách sẽ thay đổi, công cụ “đọc” mới, nhu cầu của người sử dụng không cố định… nên khả năng biến đổi linh hoạt cũng phải được tính tới.
The Library At The Dock có hình khối hộp đơn giản, được xây dựng ngay trên một bờ cảng cũ và trải dài khoảng 55 mét. Một mặt công trình hướng ra phía mặt nước, mặt kia nhìn ra công viên với cây cỏ xanh mát và vườn chơi trẻ em. Cả ba tầng của thư viện đều có mặt bằng dạng mở. Các khu vực ăn uống, kệ sách, đọc sách, máy tính… đều kết nối không gian với nhau. Chỉ có khu vực cần im lặng - quiet study - là được quây kín riêng biệt. Các kệ sách có kiểu dáng đơn giản, kích thước không cao và có bánh xe để tiện di chuyển qua lại (khi cần mở rộng không gian cho các sự kiện khác hay cần bố cục lại khu vực sách). Khu vực đọc được bố trí nhiều bàn ghế dạng thấp xen lẫn một ít bàn cao và nằm chen giữa những kệ sách. Phần lớn bàn ghế sử dụng v ật liệu gỗ màu sáng, kiểu dáng theo phong cách Bắc Âu (Scandinavia): đơn giản và tạo cảm giác ấm cúng. Chúng cũng rất gọn nhẹ, thuận tiện cho việc di chuyển.
Ngoài cung cấp dịch vụ cho mượn sách như các thư viện khác, The Library At The Dock còn có nhiều khu vực cho học nhóm, chơi game, hội họp, biểu diễn, triển lãm và có cả phòng ghi âm và biên tập nhạc. Các khu vực chức năng này đã hỗ trợ hiệu quả cho những sinh hoạt cộng đồng tại đây. Thường xuyên The Library At The Dock có các lớp khiêu vũ, yoga, khí công… cũng như các buổi chiếu phim ngoài trời, đọc sách buổi sáng với trà miễn phí, nói chuyện cùng các nhà văn... Ngoài ra họ còn tổ chức các trò chơi cho trẻ nhỏ, các lớp học photoshop miễn phí, các buổi giới thiệu kỹ thuật in 3D…
Khu vực cây xanh và sân chơi thiếu nhi bên ngoài tòa nhà
Đây là công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng với ván CLT và dầm gỗ Glulam(2). Việc sử dụng các cấu kiện CLT và Glulam khiến cấu trúc công trình nhẹ hơn 30% so với các cấu trúc xây dựng truyền thống. Mặt ngoài nhà được ốp gỗ tạo nên sự kết nối giữa công trình mới với bến cảng cũ cũng bằng gỗ (do kỹ thuật xây dựng hiện đại mà người ta vẫn giữ lại được bến tàu 75 năm tuổi phía trước tòa nhà, chỉ cách 8m). Một điều đáng chú ý khác là 30% năng lượng mà công trình sử dụng được cung cấp từ các tấm pin mặt trời trên mái công trình. Nước mưa thu được trên mái chảy ra bồn chứa 55.000 lít đặt ở công viên cạnh bên, rồi được sử dụng lại cho tòa nhà. Tất cả các yếu tố kỹ thuật trên đã góp phần khiến công trình này đạt 5 sao cho công trình “xanh” theo đánh giá của Hội đồng Công trình Xanh Úc(3). The Library At The Dock hiện được xem là một trong các công trình công cộng “xanh” nhất ở Úc.
“Activities Room” ở tầng trệt ngăn cách với khu đọc sách bởi vách kính, chứa được 40 người với đầy đủ bàn ghế, màn hình, máy chiếu và cả một bàn “tương tác” kỹ thuật số. Sảnh hướng ra sân cỏ của thư viện, có cửa kéo lớn. Khi mở cửa này ra, sảnh có thể mở rộng thêm bằng cách liên kết hai không gian trong và ngoài nhà.
Nơi đọc sách lý tưởng nhất có lẽ là hàng ghế cạnh dãy cửa kính dài suốt mặt tiền nhà quay ra mặt nước. Hướng nhìn đẹp với dãy du thuyền neo đậu và nhà phía xa... Tuy nhiên, như nhân viên thư viện kể, cửa kính không cách nhiệt tốt. Vào mùa đông, người đọc cạnh cửa sổ phải mặc áo khoác vì gió từ ngoài cảng mang theo cái lạnh xuyên qua lớp kính. Ngược lại, vào mùa hè chỗ đọc sách này lại rất nóng khi nhiệt độ bên ngoài lên cao.
Các khu vực sinh hoạt chuyên đề của thư viện
Các kệ sách thấp có bánh xe: dễ di chuyển và thuận tiện cho việc thay đổi không gian
Khu vực đọc sách của thiếu nhi. Bạn có thể nhâm nhi cà phê với báo và tạp chí
Định nghĩa của thư viện công cộng đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Thư viện không còn được hiểu chỉ là nơi dành cho các “mọt sách” mà còn là nơi để sinh hoạt cộng đồng, giải trí, trao đổi thông tin và học tập. Bước vào thư viện công cộng ngày nay, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi không còn không khí im lặng đến mức nghe ruồi vo ve (?) trái lại là tiếng trẻ con chạy giỡn và tiếng ồ à của các game thủ. Bạn có thể suýt xoa vì mùi cà phê và thức ăn... Vô số các thư viện đang được hoặc chuẩn bị xây dựng khắp nơi trên thế giới với kích thước ngày càng hoành tráng cùng mức đầu tư cao ngất ngưỡng. Tên tuổi của các kiến trúc sư thiết kế cũng khiến bạn phải choáng: Zaha Hadid (Library and Learning Centre ở Vienna, Áo), Toyo Ito (Tama Art University Library ở Achioji, Nhật), JKMM architects (City Library ở Seinajoki, Phần Lan), Sou Fujimoto (Musahino Art University ở Tokyo, Nhật)… Bao giờ cho đến Việt Nam?
The Library At The DockChủ đầu tư: Thành phố Melbourne, Úc |
Chú thích:
(1) Docklands là khu vực cảng thuộc thành phố Melbourne, Úc. Được tập trung đầu tư và phát triển thành khu đô thị hiện đại từ năm 1995, “trẻ” nhất Melbourne. Hiện nay Docklands đã trở thành nơi tập trung văn phòng của các doanh nghiệp lớn và nhiều khu căn hộ cao cấp. Trước đây, khu vực này từng là nơi đánh bắt thủy sản và là nơi giao lưu của thổ dân Úc. Sau đó, nó trở thành một trong những cảng đầu tiên và tấp nập nhất của bang Victoria. Cho đến năm vừa qua, Docklands đã thu hút hơn 8,5 tỉ vốn đầu tư tư nhân, dân số 7.000 người với 29.000 người làm việc tại đây; hơn 16 dự án tư nhân vẫn đang được xây dựng bao gồm 1.500 căn hộ.
(2) CLT là viết tắt của cụm từ Cross Laminated Timber. Có thể hiểu gỗ CLT là những tấm ván ép rất dầy và có cấu trúc chịu lực rất khỏe. Để tạo thành gỗ CLT, người ta dán những thanh gỗ với độ dầy mỏng và bề bản nhỏ thành nhiều lớp với các chiều sớ gỗ đặt vuông góc, tạo thành những tấm ván dầy và rộng hơn. Do cấu trúc ghép chéo trả vuông góc các chiều sớ gỗ này mà tấm ván CLT có thể chịu lực lớn hơn rất nhiều so với ván bằng gỗ nguyên khối tự nhiên và cũng do dán ghép mà ta có thể tạo ra các tấm ván với kích thước bề mặt rất lớn.
Glulam là viết tắt của cụm từ Glued Laminated Timber. Với kỹ thuật Glulam, người ta dán nhiều thanh gỗ có kích thước nhỏ thành những cấu kiện gỗ có kích thước lớn hơn và có thể tạo dáng theo yêu cầu của thiết kế. Cấu kiện gỗ Glulam thường dùng làm cột hoặc dầm chịu lực. Đặc biệt, dầm gỗ Glulam có khả năng chịu lực uốn rất lớn nên thường được dùng cho các “siêu” cấu trúc như dầm đỡ mái sân vận động hoặc dầm cầu. Kỹ thuật Glulam đã được sử dụng cho cấu trúc mái vòm tòa tháp của Viện Đại học Zurich từ năm 1911.
Các kỹ thuật CLT và Glulam đều rất phổ biến ở các quốc gia Bắc Mỹ, Âu châu, cho phép sử dụng gỗ tự nhiên hợp lý hơn.
(3) Hệ thống đánh giá công trình xanh của Green Building Council of Australia - Hội đồng Công trình xanh Úc - được thành lập năm 2002. Hệ thống này đánh giá độ thân thiện môi trường của công trình dựa trên các yếu tố: lượng điện, gas, nước sinh hoạt mà công trình sử dụng, tái sử dụng và dư thừa - nguồn gốc sản xuất các vật liệu xây dựng và các vật dụng nội thất trong công trình - khoảng cách vận chuyển nguyên vật liệu từ nguồn đến công trình - mật độ cây xanh của công trình…
KTS Hồ Lê Phương, Cao Khanh - ảnh: Cao Khanh
(Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống sốsố 105)
- Nhà siêu nhỏ đắt hàng ở Mỹ
- Tòa chung cư 6 tầng làm hoàn toàn từ container ở Nam Phi
- Những tòa nhà chọc trời dự kiến hoàn thành năm 2021
- Đô thị hài lòng người dân của một số quốc gia tiêu biểu
- Phát triển đô thị bền vững: Bài học quốc tế từ tình yêu thiên nhiên
- Khám phá bí mật của 8 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
- Metro Paris và những trạm dừng ấn tượng
- Âu, Mỹ rộ xu hướng phá bỏ đập thủy điện cứu môi trường
- Xem người Hungary nắn sông, người Hà Lan đắp đê chống lũ
- Thị trường bất động sản toàn cầu đối mặt nhiều thách thức