Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Thế giới đối mặt nguy cơ cạn kiệt cát

Thế giới đối mặt nguy cơ cạn kiệt cát

Viết email In

Cát là nguyên liệu thô được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước. Tuy nhiên, vấn đề thiếu hụt cát toàn cầu đang bị coi nhẹ.

Cát là một trong những hàng hóa quan trọng, được tiêu thụ với quy mô cực lớn phạm vi trên toàn cầu. Tuy nhiên, tài nguyên này ít nhận được sự chú ý. Theo CNN, vấn đề nằm ở chỗ nguồn cát thế giới đang bị hao hụt nghiêm trọng.

Cát là nguyên liệu thô được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước. Cát được dùng trong xây dựng cầu đường, tàu cao tốc và thậm chí các dự án tái tạo đất.

Sau khi bị nghiền nát, cát, sỏi và đá được đưa vào nấu chảy để làm kính sử dụng trong cửa sổ, màn hình máy tính và điện thoại thông minh. Ngay cả việc sản xuất chip silicon cũng sử dụng cát. Tuy nhiên, thế giới đang đối mặt với sự thiếu hụt cát.

"Chúng ta nghĩ rằng cát ở khắp nơi. Chúng ta chưa bao giờ nghĩ thế giới sẽ cạn kiệt cát. Nhưng sự thiếu hụt đã xuất hiện ở một số nơi", ông Pascal Peduzzi, Giám đốc Cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên toàn cầu tại Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), bình luận.


Cát được sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm xây dựng cầu đường và tàu cao tốc.
(Ảnh: Getty Images)

Nhu cầu cực lớn

"Tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra trong thập kỷ tới. Nếu không nhìn vào tương lai, chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề lớn về nguồn cung cát và quy hoạch đất đai", ông nhấn mạnh.

Hiện, không thể giám sát chính xác việc sử dụng cát trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Peduzzi cho biết có thể tính toán dựa vào mối tương quan chặt chẽ giữa cát và xi măng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 4,1 tỷ tấn xi măng được sản xuất mỗi năm, chủ yếu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, cần tới 10 tấn cát để sản xuất mỗi tấn xi măng. Điều này có nghĩa là chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng, thế giới đã tiêu thụ 40-50 tỷ tấn cát mỗi năm.

Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ sử dụng cát trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Tỷ lệ này vượt xa tỷ lệ cát được sinh ra do quá trình phong hóa đá nhờ gió và nước.

Cát có thể được tìm thấy ở hầu hết quốc gia trên thế giới, phủ trắng các sa mạc và đường bờ biển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả cát đều sử dụng được. Các hạt cát sa mạc quá mịn và tròn để kết dính với nhau và không thể sử dụng cho mục đích xây dựng.

Những loại cát có thể sử dụng thường từ đáy biển, đường bờ biển, mỏ đá và sông trên khắp thế giới. Bà Louise Gallagher tại Global Sand Observatory Initiative của UNEP nhận định các vấn đề liên quan đến cát là những vấn đề “lan tỏa” và “phức tạp” cần giải quyết.

Chẳng hạn, theo bà Gallagher, việc cấm khai thác cát sông chắc chắn sẽ có tác động dây chuyền đến những người lao động và cộng đồng dựa vào hoạt động này để kiếm sống.


Nhu cầu cát trên toàn cầu tăng mạnh do quá trình đô thị hóa.
(Ảnh: Getty Images)

Vấn đề bị coi nhẹ

Trung Quốc và Ấn Độ đứng đầu danh sách các khu vực có hoạt động khai thác cát ảnh hưởng đến sông, hồ và bờ biển. Phần lớn là do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cao.

"Cát được coi là rẻ, có sẵn và vô hạn. Nhưng chúng ta đã không tính đến các chi phí môi trường và xã hội", bà Louise Gallagher nhấn mạnh.

"Có vẻ như chúng ta tin rằng các vật liệu sẽ có giá trị sử dụng cao nhất sau khi được khai thác từ môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, nếu được quản trị hợp lý, chúng có thể mang đến nhiều lợi ích khác như khả năng chống chịu khí hậu ở những vùng ven biển", bà nói thêm.

"Chúng ta không nên bỏ qua vấn đề này. Nó không còn vô hình như trước đây nữa", bà Gallagher khẳng định. Bà cũng liệt kê năm ưu tiên đối với quản trị tài nguyên cát trong vòng hai năm tới.

"Tôi muốn nói rằng ngay cả một hạt cát cũng có thể thay đổi tình hình"

- Ông Kiran Pereira tại SandStories.org

Đó là thống nhất các tiêu chuẩn toàn cầu trên mọi lĩnh vực; sử dụng những giải pháp thay thế hiệu quả về chi phí và khả thi cho cát sông và biển; cập nhật khuôn khổ quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp; lắng nghe từ cấp cơ sở; đặt mục tiêu khu vực, quốc gia và toàn cầu về sử dụng cát ở quy mô phù hợp.

"Tôi muốn nói rằng ngay cả một hạt cát cũng có thể thay đổi tình hình", ông Kiran Pereira, nhà nghiên cứu và sáng lập của SandStories.org, bình luận.

Theo ông, thành phố Zurich (Thụy Sĩ) hiện xây dựng các tòa nhà bằng 98% bê tông tái chế. Thành phố Amsterdam (Hà Lan) cũng đã cam kết tái chế 100% vào năm 2050 và đặt mục tiêu giảm 50% việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên năm 2030. "Những điều tốt đẹp đang diễn ra. Đó là con đường để đi", ông bình luận.


Công nghiệp hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với cát. (Ảnh: Getty Images)

Theo ông Peduzzi, hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng thiếu cát toàn cầu được đưa ra hồi năm 2019. Khi đó, các chính phủ lần đầu công nhận cuộc khủng hoảng môi trường và đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự chính trị.

"Nhưng không may là thách thức vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng trên phạm vi toàn cầu", CNBC dẫn lời ông Peduzzi nhận định. "Trong nhiều chính sách phát triển, thậm chí không có ai nói về vấn đề cát", ông bình luận.

"Không có các kế hoạch lớn, không có tiêu chuẩn về cách sử dụng cát, không có quy hoạch đất đai đối với những nơi nên hoặc không nên khai thác cát. Ngoài ra, cũng không có thực thi pháp luật bởi các quốc gia đang phân vân giữa nhu cầu phát triển và bảo vệ môi trường", vị giám đốc nói thêm.

Trong tương lai, công nghiệp hóa, gia tăng dân số và đô thị hóa đều là những xu hướng có khả năng thúc đẩy nhu cầu cát tăng mạnh. "Đã đến lúc phải thức tỉnh", ông Peduzzi nhấn mạnh.

Thảo Cao

(Zing.vn)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...