Người đứng đầu bộ phận chính sách thuế của Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây cho biết Bộ này đang nghiên cứu một dự thảo luật trong đó áp thuế trực tiếp đối với bất động sản tại nước này. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được nghiên cứu hơn 10 năm qua nhưng chưa thành hiện thực.
Thuế bất động sản được xem là "thần dược" giúp Trung Quốc hạ nhiệt cơn sốt địa ốc kéo dài nhiều năm tại nước này. Tuy nhiên, việc triển khai loại thuế này đối mặt không ít trở ngại trong thực tế.
Thuế bất động sản được xem là "thần dược" giúp Trung Quốc hạ nhiệt cơn sốt địa ốc (Ảnh: Getty Image)
Hiện tại, cơ chế thuế bất động sản hiện tại của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào thu thuế ở khâu giao dịch thay vì khâu nắm giữ. Bên cạnh đó, bất động sản nhà ở được chủ sở hữu sử dụng không bị tính thuế. Việc này hạn chế khả năng thu thuế từ thị trường bất động sản đang bùng nổ, vốn dược thúc đẩy bởi làn sóng tư nhân hóa nhà ở công, thu nhập tăng và làn sóng đầu tư hạ tầng đô thị khổng lồ. Theo các nhà phân tích, việc không đưa bất động sản nhà ở vào thuế bất động sản dẫn đến sự chênh lệch giàu nghèo và nhu cầu nhà ở tăng đột biến cho mục đích đầu tư và đầu cơ, làm tăng tỷ lệ nhà trống tại nhiều thành phố ven biển.
Cản trở từ các chính quyền địa phương
Theo Viện Lincoln, cải cách thuế bất động sản tại Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm sự phản kháng từ các nhóm lợi ích có tầm ảnh hưởng. Trong đó, nhóm phản đối thuế bất động sản mạnh mẽ nhất là chính quyền các địa phương, tiếp đến là các nhà đầu tư và đầu cơ bất động sản.
Nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc tin rằng việc áp dụng thuế bất động sản sẽ làm giảm giá nhà, từ đó làm giảm nhu cầu sử dụng đất. Việc này sẽ làm giảm nguồn thu từ phí cho thuê đất tại các địa phương.
Kể từ năm 1994, nguồn thu ngân sách từ thuế của Trung Quốc tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương nước này đối mặt với áp lực tài khóa lớn và gánh khối nợ công lớn do phải tự trang trải các chi phí đầu tư cũng như chênh lệch lớn giữa thu chi ngân sách địa phương.
Không giống tại nhiều quốc gia phát triển, chính quyền các địa phương của Trung Quốc (tỉnh, thành phố, quận, thị trấn..) không có thẩm quyền thu thuế hay vay mượn trực tiếp từ ngân hàng. Do đó, thuế bất động sản đóng vai trò hết sức hạn chế trong cơ cấu tài chính công tại các địa phương.
Kể quả là, nhiều chính quyền địa phương quay sang các nguồn thu ngoài ngân sách, phí cho thuê quyền sử dụng đất, các khoản phí, lệ phí khác và vốn vay gián tiếp từ ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế địa phương.
Trong giai đoạn từ năm 1991-2008, tỷ trọng phí thuê đất (còn được gọi là phí chuyển nhượng đất) đã tăng từ 5,7% lên 43,5% trong tổng thu ngân sách các địa phương tại Trung Quốc.
Lo ngại thuế bất động sản sẽ làm giảm giá nhà, từ đó khiến nguồn thu từ phí cho thuê đất cũng như các khoản phí, lệ phí khác, hầu hết chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đều kịch liệt phản đối đề xuất này.
Thuế bất động sản vấp phải sự phản kháng từ chính quyền các địa phương tại Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Những chương trình thí điểm kém quyết liệt
Dù đã bắt đầu triển khai nhưng trên thực tế việc thí điểm áp dụng thuế bất động sản tại Trung Quốc diễn ra khá mờ nhạt. Các chương trình thí điểm tại Thượng Hải và Trùng Khánh hồi năm 2011 dù khác biệt lớn về nội dung chi tiết nhưng có một điểm chung là chỉ bao phủ một phần rất nhỏ của thị trường bất động sản địa phương.
Cụ thể, đầu năm 2011, chính quyền Thượng Hải bắt đầu thu thuế đối với căn nhà thứ hai của cư dân thành phố và căn nhà đầu tiên của cư dân ngoài thành phố. Mức thuế được tính dựa trên giá trị giao dịch nhưng không tính thuế với diện tích 60 m2/người. Chính quyền Trùng Khánh cũng nhắm tới thu thuế với căn hộ xa xỉ thứ hai của cư dân nhưng không áp dụng đối với diện tích 180 m2/nhà ở hộ gia đình và 100 m2 với căn hộ tại Trùng Khánh.
Theo thống kê, sau một năm thí điểm, chỉ có khoảng 8.000 căn nhà bị áp thuế bất động sản tại cả hai thành phố và số tiền thuế thu về cũng khá khiêm tốn, chỉ bằng 0,5% tổng thu thuế của Thượng Hải và 0,3% của Trùng Khánh.
Đầu tháng trước, tại kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã không đề cập tới vấn đề thuế bất động sản trong chương trình nghị sự của chính phủ trong năm 2021.
Theo Lu Wenxi, nhà phân tích trưởng của hãng bất động sản Centaline, Bắc Kinh đang muốn tập trung vào việc thúc đẩy tiêu dùng để củng cố sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
"Trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế còn đối mặt nhiều bất ổn, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc càng coi trọng sự ổn định của thị trường bất động sản. Xáo trộn lớn có thể xảy ra nếu chính phủ đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách thuế", Wenxi nhận định.
Mặc dù vậy, Chính phủ Trung Quốc trước đó nhấn mạnh rằng sẽ thúc đẩy đưa luật thuế này vào thực thi trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, Viện Lincoln nhận định để đưa thuế tài sản vào thực thi, trở thành một nguồn thu chính trong hệ thống tài chính công của các địa phương tại Trung Quốc sẽ còn nhiều gian nan. Việc này không chỉ đòi hỏi khả năng đánh giá và thiết kế thuế, mà còn cần tới cả quyết tâm chính trị và cải cách hành chính. Bởi cải cách về thuế này có thể làm thay đổi căn bản quan hệ liên chính phủ tại Trung Quốc cũng như vai trò của chính phủ trong cấu trúc nền kinh tế và chính trị.
Trong khi đó, Wall Street Journal cho rằng khi một ý tưởng mất cả một thập kỷ để nghiên cứu mà chưa đi đến kết quả nào, đó thường là dấu hiệu cho thấy có những rào cản không thể vượt qua, bất kể ý tưởng đó giá trị thế nào. Trong trường hợp thuế bất động sản của Trung Quốc, sự năng động của thị trường địa ốc đã khiến cái giá để thực thi chính sách thuế này quá cao.
Đức Anh
(VnEconomy)
- Zug, từ thành phố cổ trở thành thủ phủ blockchain
- Kinh nghiệm quản lý thành phố xanh, sạch, đẹp, bền vững
- Tecla - ngôi nhà in 3D bằng đất sét
- "Nữ thần Tự do" tràn ngập từ Á đến Âu, nhiều tượng phá cách
- Rome những năm 1890 qua ảnh phục chế
- "Cơn sốt" địa ốc đang bùng nổ trên toàn cầu
- Người dân châu Âu được trả lãi cho khoản vay mua nhà
- Những ngôi nhà "xanh" tiêu biểu ở Anh thế kỷ 21
- Vùng cấm ở Nhật 10 năm sau thảm họa
- Thế giới đối mặt nguy cơ cạn kiệt cát