Các quốc gia có những cách thức khác nhau để huy động nguồn lực phát triển thành phố thông minh, từ việc sử dụng ngân sách chính phủ cho đến khuyến khích sự tham gia của ngành tư nhân và cả cộng đồng.
Từ ý tưởng tới hiện thực hóa ý tưởng là một chặng đường dài, đòi hỏi vượt qua nhiều thách thức. Sáng kiến phát triển thành phố thông minh không phải là ngoại lệ.
Một thành phố thông minh yêu cầu sự đồng bộ về nền tảng hạ tầng công nghệ, nguồn vốn phát triển đến kỹ năng thích nghi của người dân.
Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng của các dịch vụ thành phố thông minh tạo ra thách thức đối với việc tích hợp cơ sở hạ tầng thông tin và dữ liệu toàn thành phố, gồm dữ liệu thời gian thực được Internet vạn vật hỗ trợ cùng dữ liệu mở từ các khu vực công cộng. Những dữ liệu này giúp khai thác toàn bộ tiềm năng của các nền tảng thành phố thông minh.
Singapore: Sáng kiến Quốc gia thông minh và ngân sách chính phủ
(Ảnh: THX/TTXVN)
Singapore sử dụng nguồn ngân sách chính phủ để thực hiện các chương trình đề ra trong Sáng kiến Quốc gia thông minh, bởi về bản chất, quốc gia thông minh là phát triển hệ thống quản trị kỹ thuật số, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền, giảm nguồn lực và chi phí, giúp người dân có cuộc sống thông minh và chất lượng cao hơn.
Việc này đòi hỏi đề cao tính bảo mật, an ninh thông tin, nên Singapore chưa có sự tham dự của ngành tư nhân.
Israel: Doanh nghiệp cạnh tranh, chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ
(Ảnh: Vũ Hội/TTXVN)
Tại Israel, sáng kiến thành phố thông minh được hiện thực hóa nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ dưới các hình thức đấu thầu và các sáng kiến khác của chính phủ, các công ty khởi nghiệp và công ty có thể cạnh tranh bên cạnh những công ty truyền thống quy mô lớn.
Một sáng kiến như vậy của chính phủ Israel sẽ đóng góp một khoản tiền khoảng 700.000 USD cho một chương trình quốc gia nhằm giúp các thành phố trở nên thông minh hơn. Ví dụ, chương trình có tên gọi CITYZOOM sẽ tạo ra một hệ sinh thái nhằm khuyến khích các doanh nhân giải quyết các thách thức, từ các mối đe dọa an ninh mạng đến tắc đường và bãi đậu xe thông minh.
Một chương trình khác do Bộ Bình đẳng xã hội đưa ra tập trung giải quyết các giải pháp an ninh thông minh. Ngoài ra, các công ty của Israel cũng như nhiều công ty khởi nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực này.
Các chuyên gia nhận định các sáng kiến thành phố thông minh chỉ có thể mang lại kết quả tốt nhất cho người dân và các bên liên quan khác khi những người đó tham gia vào tất cả các giai đoạn của dự án. Đây gọi là phương pháp huy động nguồn lực cộng đồng (crowdsourcing).
Tại thành phố Tel Aviv của Israel, xây dựng một hệ thống dữ liệu và phân tích dữ liệu của người dân cho phép các cơ quan chức năng hiểu được mong muốn của người dân. Cách đây hơn 10 năm, chính quyền thành phố Tel Aviv bắt đầu xây dựng hệ thống dữ liệu này.
Trước đây tất cả dữ liệu đều bằng giấy, chưa được số hóa nên việc quản lý, phân tích gặp nhiều khó khăn, tốn thời gian, hiệu quả thấp. Đến nay tất cả đều được số hóa, bởi vì những cư dân trẻ hiện nay đều sử dụng công nghệ. Chính quyền thành phố phải thay đổi để phục vụ người dân và nguyên tắc xuyên suốt là chính quyền phải thay đổi trước người dân.
Khách hàng tương tác với màn hình của Intel tại một triển lãm công nghệ ở thành phố Tel Aviv (Israel). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo thành phố Tel Aviv đã xây dựng một website chung để người dân dễ theo dõi các hoạt động của chính quyền. Điều quan trọng trong xây dựng một chính quyền hay thành phố thông minh là phải minh bạch.
Người dân không cần đến trụ sở chính quyền mà chỉ cần ở nhà vẫn thực hiện được các yêu cầu hợp pháp và giám sát mọi hoạt động của chính quyền thành phố. Người dân có thể đưa ra sáng kiến cho chính quyền nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ.
Ví dụ như người dân có thể gợi ý nên đặt những chiếc ghế để ngồi nghỉ hay nên trồng cây xanh ở những chỗ nào cho hợp lý hoặc vỉa hè ở đâu cần phải sửa lại... Cuối cùng, người dân sẽ được chính quyền thông báo các quyết định được thực hiện.
Để đạt được mục tiêu đó, chính quyền thành phố Tel Aviv chủ trương tăng cường tương tác với người dân, thông qua xây dựng các mô hình câu lạc bộ công dân. Những người tham gia các câu lạc bộ này sẽ có những lợi ích như được ưu tiên nhận sớm các thông tin về những tuyến đường hạn chế, được cấp thẻ tập yoga, bơi miễn phí, thậm chí là ăn kem miễn phí... Đổi lại, chính quyền thành phố Tel Aviv có được thông tin về công dân, từ đó phân tích, quản lý công dân dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, trong các trường học tại Israel, thầy cô giáo luôn khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và tranh luận trong suốt quá trình học tập, nhờ đó đã thúc đẩy tư duy sáng tạo cho chính các em nhỏ ngay từ khi còn ngồi trong ghế nhà trường.
Thành phố Thông minh Cork của Ireland: Đề cao sự tham gia của cả cộng đồng
(Nguồn: corkcity.ie)
Tương tự, một dự án được thực hiện tại Cork, thành phố lớn thứ hai ở Ireland, nơi đề cao sự tham gia của cả cộng đồng vào các quyết định liên quan đến cơ sở hạ tầng thành phố thông minh. Các học giả, chính quyền địa phương, tình nguyện viên và các tổ chức xã hội đã cùng nhau hợp tác thiết kế và thực hiện một nghiên cứu về lợi ích địa phương liên quan tới việc triển khai cơ sở hạ tầng thành phố thông minh.
Dự án thể hiện một phương thức mới để huy động nguồn lực trong cộng đồng trong giải quyết vấn đề của chính phủ, với ưu điểm là chi phí tương đối rẻ, sáng tạo về thiết kế và linh hoạt.
Trong dự án Thành phố Thông minh Cork, các nhà hoạch định chính sách cần thông tin có độ trung thực cao từ nhiều cư dân thành phố trong khi nguồn lực eo hẹp.
Giải pháp là thu thập dữ liệu trong cộng đồng với sự tham gia của người dân, đại diện các công ty địa phương, tình nguyện viên và các tổ chức xã hội vào từng giai đoạn của dự án. Các chuyên gia được tập hợp theo từng nhóm, có nhiệm vụ đánh giá, tổng hợp các thông tin, dữ liệu thu thập được từ cộng đồng.
Để có được các ý kiến đóng góp sát sườn nhất, bước đầu tiên là xác định các mục tiêu mang tính tổng thể và có tính khả thi của dự án. Điều này cũng liên quan đến việc xác định và đưa ra các yêu cầu lấy ý kiến của người dân trong giai đoạn thu thập dữ liệu.
Sau đó, nhóm nghiên cứu dự án sẽ tổng hợp, đánh giá các thông tin, dữ liệu mà các tầng lớp dân cư cung cấp. Sau một loạt các cuộc thảo luận và xem xét quan trọng, dự án được phê duyệt dựa trên ba tiêu chí là sự tham gia của cộng đồng dân cư, khả năng ứng dụng kỹ thuật số và tiếp cận-sử dụng cơ sở hạ tầng công cộng.
Việc sử dụng nguồn lực huy động từ cộng đồng có tính linh hoạt cao trong quá trình triển khai dự án, khuyến khích sự tham gia của nhiều nhóm xã hội và cộng đồng. Điều này đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn thu thập dữ liệu cho các sáng kiến phát triển thành phố thông minh. Nó cho phép người dân địa phương nắm được định hướng phát triển trong tương lai của địa phương mình và chọn cách để trở thành một phần của nó.
Dự án Thành phố Thông minh Cork đầy tham vọng và thành công này đã cho thấy tập trung huy động nguồn lực cộng đồng là phương pháp mang tính xây dựng, hợp tác và do người dân lãnh đạo để tham gia vào các quyết định về cơ sở hạ tầng địa phương. Cách này cũng cung cấp cho các thành phố các lựa chọn để đối phó với những thách thức về chi phí, thiết kế và cơ chế triển khai dự án quan trọng như vậy.
Ngoài ra, thông qua hình thức huy động nguồn lực cộng đồng, những ưu điểm và hạn chế của dự án được xem xét thấu đáo để có những điều chỉnh phù hợp ngay từ giai đoạn đầu tiên.
Hình thức này đã chứng minh những giá trị thực sự của “trí tuệ tập thể” khi các chuyên gia và người dân cùng tham gia. Điều đó tạo cơ hội cho người dân chứng minh vai trò và đóng góp vào sự phát triển của thành phố trong tương lai, cho họ quyền tham gia vào quá trình ra quyết định của địa phương, qua đó tăng ý thức trách nhiệm chung của mỗi thành viên trong cộng đồng chung./.
(TTXVN / Vietnam+)
- Điều ngang trái ở Kuwait
- Trạm sạc xe điện được đầu tư "hoành tráng" và nổi bật hơn
- Như Covid chưa từng tồn tại…
- Lịch sử tự hào của thành phố Sarapul ở Nga
- Toà tháp chọc trời ở Mỹ cứ mỗi năm nghiêng 7,5 cm
- Cú “niêm phong” sống động một nơi chốn
- Bất động sản đắt đỏ bóp nát giấc mơ mua nhà của người trẻ
- Các thành phố lớn Trung Quốc xoay xở ghìm đà giảm giá bất động sản
- 10 ngôi nhà đắt nhất thế giới
- Bruxelles chưa bao giờ nhàm chán!