Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Nhà sinh thái - trào lưu tiết kiệm năng lượng ở châu Âu

Nhà sinh thái - trào lưu tiết kiệm năng lượng ở châu Âu

Viết email In

Ở châu Âu, những ngôi nhà sinh thái tiêu tốn rất ít năng lượng và thân thiện với môi trường đã trở thành “mốt”. Đó cũng là cái đích hướng tới của những ngôi nhà còn lại.


Những ngôi nhà sinh thái trở thành trào lưu ở Đan Mạch và Thụy Điển

Đan Mạch

Chị Hanna Andersen xây nhà năm 1999 và lúc đó, việc này đã trở thành một sự kiện mang tính “cách mạng”. Ngôi nhà của chị tự sưởi ấm và chiếu sáng nhờ pin mặt trời - các tấm gương hấp thụ tia nắng phủ gần như kín mái nhà. Mùa Đông lạnh giá thì lò sưởi bắt đầu hoạt động. Khói của củi cháy hoàn toàn được hấp thụ và tái sử dụng để sưởi bầu không khí trong nhà. Nhờ thế mà năng lượng tốn ít hơn, còn lượng khí thải  CO2 cũng giảm đi. Hệ thống trao đổi nhiệt phức tạp hút nhiệt lượng thừa trong nhà để chuyển cho vườn kính trồng rau và hoa. Cây cối được “tẩm bổ” bằng chất mùn tạo ra từ nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh ở đây cũng độc đáo, với bệ xí chia làm hai ngăn - một cho “nhu cầu lớn”, một cho “nhu cầu nhỏ”- và có chức năng biến phân thành chất mùn. Nước tưới cho cây trong nhà kính cũng là nước thải từ nhà bếp nhưng đã qua bể lọc bằng cát và vi sinh vật.

Trong thập niên qua tại châu Âu đã xuất hiện cả những khu phố sinh thái dần dần mở rộng thành các thành phố sinh thái. Riêng tại Đan Mạch có 6 điểm dân cư được chính thức công nhận là thành phố sinh thái, gồm cả Copenhagen. Điều này không có nghĩa là thủ đô Đan Mạch chỉ gồm toàn các ngôi nhà sinh thái, song tòa thị chính đã đề ra mục tiêu hết sức nghiêm ngặt về việc giảm mức tiêu thụ năng lượng và chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng có thể tái sinh như mặt trời và gió. Ngoài ra, thành phố còn thay đổi cơ cấu giao thông: Do lượng xe đạp rất nhiều vào giờ cao điểm mà báo chí phương Tây so sánh Copenhagen bây giờ như Hà Nội và Bắc Kinh trong thập niên 1980. Đan Mạch là quốc gia tiên phong trong trào lưu tiết kiệm năng lượng giờ đã lan ra khắp châu Âu.

Thụy Điển

Tại Vịnh Tây của thành phố Malmo ở Thụy Điển từng tồn tại xưởng đóng tàu lớn nhất châu Âu nhưng nó đã đóng cửa vào thập niên 1990. Thị trưởng Ilmar Reepalu cho biết ông tiếp quản thành phố với tỷ lệ thất nghiệp 20% và thâm hụt ngân sách 10% cùng những xí nghiệp khổng lồ bị bỏ hoang.

Nhưng bây giờ không ai nhận ra những xí nghiệp bị bỏ hoang này khi tại đó mọc lên các ngôi nhà dễ thương với cửa sổ mở gần như hết mặt tường cùng những ban công rất rộng. Richard Leman, nhân viên quảng cáo, cho biết: “Mùa Hè ở đây hệt như tại Italia, chỗ nào cũng chật cứng người phơi nắng”.

Thành phố nhỏ Malmo bây giờ nổi tiếng nhờ khu nhà sinh thái và tòa nhà chọc trời có tên gọi Chiếc ly xoay do hãng năng lượng khổng lồ Đức E.ON đầu tư.

Ở khu sinh thái, có một ngôi nhà hai tầng tràn ngập ánh sáng với ít chi tiết nhắc nhở về chức năng tiết kiệm năng lượng. Thực chất của vấn đề nằm ở các quyết định kỹ thuật hợp lý khó nhận ra bằng mắt thường, chẳng hạn như cửa sổ có ba lớp kính và tường nhà được sưởi ấm rất hiệu quả. Trên phòng gác mái có đường ống gắn với cánh quạt đưa khí nóng chạy vòng vèo trước khi nhả hơi lạnh ra khỏi căn nhà. Đây là cách tiết kiệm năng lượng triệt để. Tất cả nước nóng thải ra từ mùa Hè chảy vào những hang động tự nhiên ngầm dưới đất và chờ đến mùa Đông sẽ được tái sử dụng. Ngôi nhà được nhắc ở trên xây năm 1999 và vào thời điểm đó, nó tiêu thụ năng lượng chỉ bằng phân nửa so với một ngôi nhà bình thường ở Malmo. Bây giờ khoảng cách đó đã được nới rộng ra nhiều. Thêm nữa, giá thị trường của một căn nhà sinh thái hai tầng có mái hiên rộng đứng sát biển cũng chỉ ở mức 5.000 euro/ m2.

Tại Malmo, chất thải từ cống ngầm thành phố cũng không bị bỏ phí, nó biến thành khí sinh học dùng để chạy xe buýt. Xét về thành phần hóa học, nó cũng tương tự như khí tự nhiên vì được pha với tỷ lệ hợp lý.

Người dân Malmo đánh giá sự đóng góp của Thị trưởng Reepalu đối với thành công của dự án sinh thái là 90%. Còn bản thân ngài Thị trưởng thì cho rằng đó là nhờ tình bạn của ông với Thủ tướng Thụy Điển thời ấy. Ngài Thủ tướng đã thành lập quỹ đầu tư xây dựng khu phố sinh thái và mời hãng E.ON hợp tác. Ông Reepalu khẳng định: “Trong tương lai lâu dài, đây là sự đầu tư hợp lý đối với Thụy Điển, bởi vì chúng tôi có thể tiết kiệm được dầu mỏ, khí đốt và uranium, toàn những thứ phải nhập ngoại”.

Kiều Ngọc (theo Runewsweek)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo