Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới “Lễ tang thành phố” - Phản ứng của người Venice

“Lễ tang thành phố” - Phản ứng của người Venice

Viết email In

14/11 được chọn là “ngày an táng Venice (Italia)”, dĩ nhiên chỉ dưới dạng sân khấu hóa và mang tính chất tượng trưng. Những người tổ chức hoạt động này khẳng định “thành phố của những kênh đào” sắp diệt vong, chẳng phải do bị nước dâng ngập như các nhà khoa học đã cảnh báo, mà là vì sau 20 năm nữa chẳng còn một người dân bản địa nào. Lỗi là tại… khách du lịch.

Kịch bản của “lễ tang” như sau: Đoàn thuyền tang gồm 4 chiếc bơi dọc theo các kênh chính của thành phố Venice. Một chiếc thuyền chở quan tài, biểu tượng sự diệt vong của thành phố. Theo tờ Repubblica, chiếc quan tài được phủ nỉ đỏ và chất đầy hoa hồng, còn bên trong đựng các tờ giấy ghi lời chia buồn của những người tham dự “tang lễ”. Đi đầu là một nữ ca sĩ opera nổi tiếng của Venice.

Đây là cách mà Ban tổ chức - nhóm sáng kiến lập ra trang web Venessia.com, hy vọng sẽ lôi kéo dư luận và công luận quan tâm tới tình trạng dân gốc của thành phố suy giảm chóng mặt. Mất dân mới chính là sự diệt vong của Venice chứ không phải do nước biển dâng cao.

Trong những năm 50, dân gốc của Venice vào khoảng 300.000 người. Tới năm 2009, theo số liệu của hãng ANSA của Italia, chỉ còn 59.900 người. Nên nhớ, 60.000 người là giới hạn tối thiểu để thành phố tồn tại. Nguyên nhân của việc “thất thoát” dân là do làn sóng người du lịch ồ ạt kéo đến từ khắp nơi trên thế giới. Đám đông du khách khiến cho giá tiêu dùng và bất động sản nhảy vọt. Ngoài ra người Venice không khoái cảnh ngày ngày đủ loại khách lạ đi lại tronng thành phố, nói to, cười lớn và ăn mặc thì khó coi. Dân gốc Venice vì thế mà chuyển đến sống ở những thành phố có mức giá sinh hoạt thấp hơn và đỡ ồn ào hơn. Cuộc điều tra năm 2009 do tạp chí Newsweek tiến hành cho thấy nếu tốc độ giảm dân của Venice vẫn ở mức hiện nay thì tới năm 2030 tại thành phố này sẽ chẳng còn một người bản địa nào. Anh Andrea Morelli, thành viên của Ban tổ chức “lễ tang”, hy vọng rằng việc làm này sẽ khiến người Venice gốc suy nghĩ về cội nguồn của mình và có thể thuyết phục được họ ở lại.

Trong khi đó chính quyền thành phố không có ý định để tuột mất nguồn thu nhập từ du lịch. Ngược lại, họ lập kế hoạch lôi kéo nhiều du khách đến đông hơn nữa. Tháng 9/2009 chính quyền thành phố thông báo về dự định xây một cầu cảng mới ở cảng Margera ở vùng công nghiệp của thành phố nhằm tăng khả năng tiếp nhận các chuyến tàu chở hàng và chở khách. Lượng du khách đến Venice tăng đều đặn trong những năm qua. Thành phố thu hút khoảng 20 triệu du khách mỗi năm, tương đương 55.000 người mỗi ngày.

Quyết định mở thêm cầu cảng bị các kiến trúc sư Anh tham gia tổ chức “Venice bị đe dọa” phản đối kịch liệt. Họ khẳng định rằng sóng do quá nhiều con tàu tạo ra sẽ gây hại cho các tòa nhà cổ, biểu tượng của Venice, vốn đã xuống cấp trầm trọng. Nước ăn mòn đá và gạch, cuối cùng các tòa nhà tự đổ sụp. Việc xây dựng cầu cảng mới chỉ đẩy nhanh quá trình thành phố bị lún. Hiện tại ở Venice việc dùng ca nô, thuyền gắn máy tốc độ lớn đi lại trên các con kênh ở trung tâm đã bị cấm.


Venice càng đẹp, càng hấp dẫn du khách thì người bản địa càng bỏ đi nhiều

Venice (tiếng Italia là Venezia) thường gọi “thành phố của các kênh đào” hay “thành phố của các cây cầu”, là thủ phủ của vùng Veneto và của tỉnh Venezia ở Italia. Thành phố được thành lập năm 422. 

Thành phố trải ra trên nhiều đảo nhỏ trong khu vực phá Venezia dọc theo biển Adriatic ở Đông Bắc Italia. Vùng phá nước mặn này trải dọc theo đường biển giữa các cửa sông Po (phía Nam) và sông Piave (phía Bắc).

Venice nằm trên một quần đảo gồm 118 đảo nhỏ với 150 con kênh đào. Những hòn đảo được nối với nhau bằng 400 cây cầu. Venice là khu đô thị rộng nhất ở châu Âu không có xe hơi. Thuyền ở Venice cổ điển là chiếc gondola, dù cho ngày nay nó được dùng chủ yếu phục vụ du khách, hay đám cưới, đám ma và các dịp lễ khác. Đa số người Venice ngày nay đi lại bằng thuyền gắn máy (“vaporetti”) đi lại theo các kênh đào chính trong thành phố.

Venice từng bị ngập lụt 50 lần trong khoảng thời gian từ năm 1893 đến năm 2002. Lần lụt nặng nề nhất là ngày 4/11/1966 - thành phố ngập sâu 1,94 mét. Lần lụt nặng gần đây nhất là tháng 2/1986 - thành phố ngập sâu 1,58 mét. Lần gần đây nhất mức ngập vượt quá 1,6 mét là năm 1979 với mức nước 1,66 mét.

Tháng 3/2008, chính quyền Venice cho biết họ có kế hoạch nâng cao các công trình xây dựng của thành phố để đối phó với vấn đề ngập nước thường xuyên. Họ đã bắt đầu thực hiện một dự án tiêu thoát nước lụt trị giá nhiều tỷ euro nhằm chặn đứng mức nước biển dâng cao đe dọa phá hủy thành phố.

Tháng 4/2007, UNESCO cảnh báo Venice là một trong số những di sản thế giới bị tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa. 

Trần Quang Vinh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo