Với 4,7 triệu lượt khách mỗi năm, Tate Modern nằm bên bờ sông Thames (London, Anh) là bảo tàng nghệ thuật đương đại được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho việc chuyển đổi các nhà máy cũ trở thành không gian tuyệt vời cho nghệ thuật đương đại.
Tate Modern là ví dụ tuyệt vời của việc chuyển đổi công năng một tòa nhà cũ trở thành địa điểm sáng tạo không biên giới.
Nhà máy điện cũ thành bảo tàng
Vào tháng 12/1992, các ủy viên của Hệ thống bảo tàng Tate thông báo ý định thành lập một phòng trưng bày riêng cho nghệ thuật đương đại quốc tế ở London. Năm 1994, họ quyết định chọn nhà máy điện Bankside cũ để biến nơi đây thành địa điểm trưng bày.
Nhà máy điện Bankside là một công trình mang tính biểu tượng, được xây dựng trong hai giai đoạn (từ năm 1947 đến năm 1963), do kiến trúc sư Sir Giles Gilbert Scott thiết kế. Nó bao gồm một sảnh turbine tuyệt đẹp, cao 35m và dài 152m, với nhà lò hơi bên cạnh và một ống khói trung tâm.
Tuy nhiên, nhà máy này đã bị đóng cửa vào năm 1981. Năm 1996, kế hoạch cải tạo nhà máy điện được thực hiện với khoản kinh phí lên tới 12 triệu bảng Anh. Máy móc khổng lồ được dỡ bỏ, tòa nhà được chuyển trở lại cấu trúc thép và gạch ban đầu. Các kiến trúc sư (Herzog & de Meuron) đã quyết định giữ lại phần lớn kiến trúc cơ bản của tòa nhà bởi nó quá đặc biệt, từ những bức tường gạch chưa hoàn thiện và dầm thép xây dựng lộ ra ngoài, đến những cửa sổ thẳng đứng hẹp cao đến tận trần nhà. Tate Modern, với cấu trúc của một nhà máy cùng sàn bê tông, những đường ống thép, trần cao, những phòng sâu, tối và lạnh đã mang trong mình một sứ mệnh mới: Trở thành nơi trưng bày những tác phẩm mang hơi thở thời đại, một không gian cho những sáng tạo không giới hạn.
Năm 2009, Tate Modern được đầu tư lớn hơn để mở rộng quy mô, tận dụng hết các không gian trong nhà máy để tăng không gian trưng bày và cung cấp nhiều tiện ích cho khách tham quan. Chẳng hạn như Switch House là phần mở rộng mới của Tate Modern, được xây dựng trên địa điểm của ngôi nhà chuyển mạch cũ của nhà máy điện. Các bể chứa dầu ngầm trước đây được cải tạo thành những phòng trưng bày mới. Những bức tường bê tông thô ráp được giữ lại như lời nhắc nhở rõ ràng nhất về lịch sử của công trình đặc biệt này. Giờ đây, thay vì phát điện, chúng cung cấp không gian cho nghệ thuật trực tiếp: Biểu diễn, khiêu vũ, quay phim, thảo luận... và là “địa điểm phải đến” của người yêu nghệ thuật khắp thế giới.
Không gian lý tưởng cho nghệ thuật đương đại
Tate Modern có một bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm mỹ thuật hiện đại và đương đại, bao trùm hầu hết các trào lưu nghệ thuật từ đầu thế kỷ XX. Có thể tìm thấy tại đây các tác phẩm quan trọng của Picasso và Matisse cũng như các tác phẩm xuất sắc nhất thuộc khuynh hướng siêu thực, trong đó có tranh và tượng của Dali, Ernst, Magritte và Miro...
Kể từ khi Tate Modern khai trương vào năm 2000, nó đã trở thành một địa danh nổi tiếng của London, không chỉ về nghệ thuật mà còn về kiến trúc của chính tòa nhà. Việc có một không gian lý tưởng đã giúp các nghệ sĩ đương đại thoải mái với các ý tưởng sáng tạo không giới hạn của mình.
Hội trường rộng lớn ở trung tâm của Tate Modern - hội trường Turbine - có lẽ là không gian nổi tiếng nhất trong bảo tàng này. Đây cũng là nơi trưng bày các tác phẩm có quy mô lớn rất nổi tiếng như: “Dự án thời tiết” của nghệ sĩ người Đan Mạch Olafur Eliasson, và “Những hạt hướng dương” của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị. Eliasson đã sử dụng những máy tạo hơi ẩm để tạo một màn sương nhẹ phủ lên hội trường Turbine rộng lớn, sau đó sử dụng hàng trăm ngọn đèn để tạo thành một quả cầu lửa khổng lồ; trên trần căn phòng gắn một tấm gương cực lớn để du khách có thể thấy bản thân họ như những bóng đen bé nhỏ trên nền ánh sáng rực rỡ. Trong 6 tháng, riêng tác phẩm đặc biệt được ví như mặt trời lặn này đã thu hút tới hai triệu du khách tới thăm.
Còn tác phẩm “Những hạt hướng dương” lại bao gồm một trăm triệu hạt hướng dương được làm và sơn bằng tay bởi 1.600 nghệ sĩ Trung Quốc. Tác phẩm thể hiện ý tưởng về sự phản ứng của người nghệ sĩ với nền công nghiệp sản xuất hàng loạt hiện nay. Khách tham quan có thể đi lại, nằm, nghịch ngợm trên “cánh đồng hạt hướng dương” đặc biệt này.
Kể từ khi mở cửa vào tháng 5/2000, hơn 40 triệu người đã đến thăm Tate Modern. Đây là một trong ba điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của Vương quốc Anh và mang lại lợi ích kinh tế ước tính khoảng 100 triệu bảng Anh mỗi năm cho London. Tate Modern cũng là ví dụ tuyệt vời của việc chuyển đổi công năng cho một tòa nhà cũ trở thành địa điểm sáng tạo không biên giới.
Quang Huy - ảnh: Iwan Baan / Archdaily
(Hà Nội Mới)
- Cầu thang uốn lượn giống đường tàu lượn siêu tốc
- Những ngôi nhà trên cây độc đáo khắp thế giới
- Mafia thay đổi diện mạo đô thị để thể hiện quyền lực
- Tháp Steinway - tòa nhà chọc trời mỏng nhất thế giới ở Mỹ
- Hà Lan - “Vương quốc xe đạp” và những bài học thực tiễn đáng để tham khảo
- Nhiều quốc gia châu Âu gặp khó khi mở lại du lịch
- 8 quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới
- Hệ thống điện mặt trời nổi hứa hẹn giúp Hàn Quốc thoát khỏi nhiệt điện than
- Kyiv tan hoang
- Điều ngang trái ở Kuwait