Với việc làm biến dạng diện mạo thành phố Palermo, mafia đã chứng minh họ không chỉ có khả năng thao túng các luật liên quan quy hoạch đô thị, mà còn có thể thay đổi cả khí hậu.
Nếu bạn hỏi Maurizio Carta rằng mafia trông như thế nào, ông sẽ đưa bạn đến các khu dân cư thuộc thủ phủ Palermo của Sicilia. Ở đó, hàng trăm khu chung cư xám xịt, hoang tàn tạo thành những vết sẹo ở vùng ngoại ô.
Đó là kết quả của một phong trào xây dựng điên cuồng vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, khi Vito Ciancimino, một ông trùm của gia tộc Corleonesi bạo lực, ra lệnh phá các biệt thự theo trường phái tân nghệ thuật lộng lẫy để tạo không gian cho các tòa nhà. Đây là một trong những chương đen tối nhất trong quá trình đô thị hóa Sicily thời hậu chiến, và sẽ đi vào lịch sử với tên gọi “cái sự cướp phá Palermo”.
Palermo từng chịu sự thao túng của các ông trùm mafia trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, khiến thành phố mất nhiều khu vườn và biệt thự tinh tế. (Ảnh: The Guardian)
Đô thị biến dạng, khí hậu thay đổi
Giới mafia ở Sicily từng tuyên bố việc quy hoạch đô thị ở Palermo nằm dưới sự kiểm soát của Vito Ciancimino, người từng được chính quyền bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu các hoạt động xây dựng công trình công cộng vào năm 1959.
Maurizio Carta, vốn là giáo sư quy hoạch đô thị của Đại học Palermo, dùng từ “cướp phá” để mô tả giai đoạn ấy.
“Giống như những tên cướp man rợ, mafia tàn phá thành phố với xi măng, làm biến dạng các công viên, phong cảnh và vẻ đẹp tự nhiên của nó”, vị giáo sư bình luận.
Những đống phế liệu từ việc phá dỡ và vật liệu xây dựng được chất lên bờ biển, gây ra tình trạng ô nhiễm. Ngày nay, người dân vẫn chưa thể vào nhiều bãi biển trong số này.
“Với việc cướp phá Palermo, bọn mafia đã thể hiện quyền lực tội phạm rất lớn. Chúng gửi một thông điệp tới các tổ chức, khẳng định chúng có quyền lực để thay đổi không chỉ các luật điều tiết những dự án quy hoạch đô thị và hình dạng thành phố, mà còn cả khí hậu địa phương”, Carta nói.
Palermo, theo ông Carta, được xây dựng để gió di chuyển tới các núi, rồi vòng lại để làm mát thành phố. Nhưng với những công trình cao dọc bờ biển và chân các ngọn núi, Palermo trở thành một thành phố nóng nực, oi bức, ngột ngạt.
“Các ông trùm cũng gửi một thông điệp tới hàng nghìn người dân mất nhà sau Thế chiến thứ hai: Nếu những gia đình đó thấy một ngôi nhà, đó là nhờ công của những ông trùm”, Carta nhận định.
Ba thế kỷ sau khi Giáo hoàng Urban VIII giao quyền quy hoạch kiến trúc và đô thị của nhà thờ Công giáo cho Gian Lorenzo Bernini để đại diện cho Vatican như một thế lực khải hoàn, mafia đã sử dụng kiến trúc để phô trương sức mạnh của chúng.
Hàng trăm biệt thự bỏ hoang trên mũi Pizzo Sella thuộc vịnh Palermo. (Ảnh: The Guardian)
Những vết sẹo sâu hoắm
Các ông trùm đã thay đổi hình dạng các thành phố ở Italy, tàn phá cảnh quan bằng bê tông để khẳng định quyền lực của chúng. Bởi vì kiến trúc mafia, giống như mọi hoạt động của các gia tộc mafia, có cú pháp, logic và chức năng riêng.
Bernini đã thiết kế đài phun nước lộng lẫy của Bốn con sông ở quảng trường Piazza Navona của Rome và Quảng trường St Peter. Ciancimino, người không phải là nghệ sĩ cũng không phải là kiến trúc sư, đã cấp phép xây dựng 4.000 tòa chung cư ở Palermo, với gần một nửa số tòa chung cư đó được xây dựng bởi các công ty có quan hệ trực tiếp với gia tộc Cosa Nostra.
Phóng viên của Observer đã đến các khu vực có lịch sử tội phạm tổ chức ở phía nam của Italy. Sự ảnh hưởng của mafia nằm ở những ông trùm có quan hệ với cơ quan công quyền thay thế những dinh thự tinh tế của thế kỷ 19 bằng những khối bê tông và hàng chục công trình xây dựng dở dang, đổ nát bên bờ biển. Ở đó, người ta có thể thấy khái niệm mafia bằng cách nhìn vào những biệt thự lòe loẹt, trơ trẽn của những ông trùm. Mỗi biệt thự là một sự phô trương sức mạnh, giống như các chế độ quân chủ độc tài.
“Cướp phá Palermo” có lẽ là bằng chứng kinh điển nhất về cách thức mafia ở Sicily không chỉ giết người và gây nghèo đói, mà còn phá hoại cảnh quan bằng những dự án dang dở sau khi các ông trùm đã lấy tiền dành cho việc xây dựng chúng.
Vào những năm cuối thập niên 70, siêu trùm Michele Greco, kẻ mang biệt danh “Giáo hoàng” và đứng đầu Cupola (nhóm điều hành gia tộc Cosa Nostra), đã ấn định tham vọng của hắn với Pizzo Sella, một mũi đất lộng lẫy trên Vịnh Palermo có tầm nhìn bao quát thành phố và bãi biển ở Mondello. Theo các công tố viên, Greco đã chống lưng cho hoạt động xây dựng 314 biệt thự trái phép ở đây. Khi chính quyền bắt đầu điều tra dự án, tình hình đã trở nên quá muộn. Một nửa số biệt thự đã được xây xong và một nửa số còn lại bị bỏ dở.
Ngày nay, 170 biệt thự đang dần xuống cấp vẫn đứng sừng sững ở Pizzo Sella nơi người dân gọi là “ngọn đồi của sự nhục nhã”. Giới chức đã tịch thu một số biệt thự trong số đó, nhưng không san phẳng chúng. Giờ đây, chúng trở thành một đống rác lộ thiên mà chuột chiếm đóng - một vết sẹo sâu trên một trong những mỏm đất đẹp nhất ở Sicily.
Kiến Văn
(Zing.vn)
- [Infographics] 1 triệu USD mua được bao nhiêu m2 nhà vị trí đắc địa tại các thành phố lớn?
- Giãi mã các di tích cổ đại của Ai Cập, Kim tự tháp Giza và tượng nhân sư
- Nhà gỗ cao tầng đua nhau mọc lên ở bán đảo Scandinavia
- Cầu thang uốn lượn giống đường tàu lượn siêu tốc
- Những ngôi nhà trên cây độc đáo khắp thế giới
- Tháp Steinway - tòa nhà chọc trời mỏng nhất thế giới ở Mỹ
- Hà Lan - “Vương quốc xe đạp” và những bài học thực tiễn đáng để tham khảo
- Tate Modern - Nhà máy cũ thành bảo tàng hàng đầu thế giới
- Nhiều quốc gia châu Âu gặp khó khi mở lại du lịch
- 8 quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới